VẤN: Con đọc sách và quán chiếu
lịch sử của Phật Giáo rồi tự thắc mắc tại sao ngày xưa thời Đức Phật và
thời các vị tổ đều nghèo khó, đơn giản, thiếu thốn nhưng ai cũng đều tu
tốt, đều chứng đắc, con người tâm bình an và xã hội không bạo loạn.
Ngược lại, trong thời buổi hiện nay, vật chất đầy đủ nhưng cả Phật Tử
tại gia và cả người xuất gia, con không cảm nhận được nhiều niềm tin tu
hành nỗ lực hay nói cách khác là tu hành chân chính theo lời dạy của
Ngài. Con có cảm giác người ta nói nhiều hơn, tu bằng hình thức ồn ào
hơn bằng thực tâm. Vậy vì sao lại có hiện tượng này? Có phải Phật Giáo
không phù hợp với thời đại ngày nay? Xin Sư hoan hỷ khai mở tâm con.
ĐÁP:
Sanh tiền Đức Phật có giảng và chia ra thành 3 thành kỳ: thới chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp:
Chánh Pháp là gì? Phật Pháp được chia thành ba
thời kỳ là thời Chánh Pháp, thời Tượng Pháp, và thời Mạt Pháp. Các thời
kỳ Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được ghi chép trong các kinh điển
thì không đồng nhất, nhưng hầu hết các bậc cổ đức đều theo thuyết định
thời kỳ Chánh Pháp là 500 năm, thời kỳ Tượng Pháp là 1.000 năm, và thời
kỳ Mat Pháp là 10.000 năm.
Trong thời Chánh Pháp (chánh có nghĩa là chứng),
mặc dầu Đức Phật đã diệt độ, nhưng Pháp nghi vẫn không thay đổi. Có giáo
pháp, có sự hành trì, và có người chứng đắc quả vị--đó gọi là thời kỳ
Chánh Pháp, và còn được mệnh danh là thời kỳ "Thiền Định kiến cố".
Trong thời Tượng Pháp (tượng có nghĩa là biểu
tượng), tuy vẫn có giáo pháp, có sự hành trì, nhưng số người chứng đắc
quả vị thì rất ít; thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ "tự miếu kiên
cố".
Trong thời Mạt Pháp (mạt có nghĩa là suy vi, yếu
kém), Phật Pháp trở nên suy tàn, chỉ có giáo pháp chứ không có sự hành
trì, và càng không có người chứng đắc quả vị. Thời kỳ này còn được gọi
là thời kỳ "đấu tranh kiên cố". Đây là lời giải thích thông thường về ba
thời kỳ "Chánh, Tượng và Mạt" của Phật Pháp.
Thời kỳ chánh pháp là thời kỳ chư Tăng tu hành
cho đến khi chứng đạo, đắc quả A la hán. Thời kỳ tượng pháp là thời kỳ
chư tăng lo xây dựng chùa chiền, giữ gìn nền chánh pháp của Phật. Giữ
gìn giới luật, có những bậc thiền gia chân chính tu hành, nhưng sự đắc
đạo rất ít.
Thời kỳ mạt pháp là thời kỳ tu hành trên hình
thức, Tăng ni tu rất đông, nhưng chất lượng thì hiếm, hình tướng chư
Tăng nhưng lòng phàm dạ tục thì nhiều hơn những bậc chân tu thật đức,
thuyết pháp thì nhiều nhưng thực hành theo lời dạy của Phật chẳng là
bao; mặc khác họ còn đấu tranh về tiền bạc vật chất, tìm kiếm danh lợi
tước quyền, Tăng chẳng ra Tăng, tục chẳng ra tục, để cho ngoại giáo xen
tạp, xây dựng chùa cao miễu rộng nhưng sự tu hành dành cho chư Tăng ni
chẳng xứng tầm với hồng ân của Đức Phật.
Chính Đức Phật Ngài đã tiên đoán, cho hàng ngũ
Tăng đoàn ở từng thời kỳ, khi sanh tiền, cũng chính là để cân nhắc chư
Tăng ni cố gắng khắc phục trong lúc làm Sứ giả đức Như Lai.
Việc tu hành ngày nay chân giả lẫn lộn khó lường,
Phật tử chúng ta biết ai là thật, ai là giả tu, không nên xen vào việc
của hàng ngũ Tăng đoàn. Chư Tăng ni có lỗi là lỗi với Phật chứ không lỗi
với Phật tử, nên chúng ta cũng không cần tìm hiểu phải quấy của người
mà sanh lòng thối chuyển.
Lời Đức Phật Câu Lưu Tôn Như Lai dạy:
Ví như ong lấy mật hoa
Không làm hư sắc và hương
Chỉ lấy vị nó mà đi
Tỳ kheo vào làng cũng thế
Đừng làm chống trái việc người
Không xem làm cùng chẳng làm
Chỉ xem việc làm của mình
Hoặc là đúng hoặc chẳng đúng
Chư Tăng ni xuất gia Phật còn khuyên như vậy,
huống chi người Phật tử đã quy y Tam bảo, quý vị hãy đặt trọn niềm tin
vào Thầy Tổ, giữ giới luật tinh nghiêm, làm lành lánh dữ, thúc liễm lục
căn, nhằm để có cơ sở phục vụ gia đình, phụng sự xã hội làm tròn nhiệm
vụ Phật tử với đạo và đời, khi gặp những trường hợp như trên phải giữ
tâm kiên cố không động loạn nghĩ suy mà mất đạo tâm.
Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Chư thiện Tri thức! Ta
có một bài tụng Vô Tướng, mọi người đều nên tụng. Người tại gia, xuất
gia cũng chỉ cần y theo đây mà tu. Nếu chẳng tự tu, chỉ nhớ lời ta nói
cũng chẳng ích gì. Hãy nghe bài tụng đây:
…
- Tự mình không tâm đạo
Ám muội sao thấy đạo
Nếu người thật tu hành
Chẳng nói lỗi thế gian.
- Nếu bàn lỗi người khác
Tự mình lỗi không khác
Người quấy, ta không quấy
Ta quấy lỗi tại ta.
- Chỉ tự trừ tâm quấy
Trừ sạch hết phiền não
Ghét yêu chẳng bận lòng
Duỗi chân dài thanh thản
…
(Pháp Bửu Đàn kinh, bản dịch Đoàn Trung Còn, trang 40)
Thời mạt pháp, đệ tử Phật làm cho giáo pháp Phật
mạt, chứ giáo pháp Phật không có mạt có hưng. Quý Phật tử không nên ưu
tư, mà phải lo tu hành tinh tiến thì chính chúng ta làm cho giáo pháp
Phật hưng thịnh trong thời kỳ mạt pháp.
HT Thích Giác Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét