Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

PHẬT HỌC CHỈ NAM - THÀNH PHẬT CHỈ NAM

Chương 9
THÀNH PHẬT CHỈ NAM
(GIẢI THOÁT CHỈ NAM)
 
Đối với quần chúng Đông cũng như Tây, theo đạo là thờ phượng hoặc Chúa, họặc Phật; hoặc Brahma, Vishnu, Siva (ấn Độ Giáo), hoặc Allah (Hồi giáo); hay Ahura Madza (Bái Hỏa Giáo); hoặc Đức Cao Đài (Cao Đài giáo), rồi ra cố ăn ngay ở lành để mong hưởng phước đời này và đời sau. Song song với trào lưu đại chúng đó, xưa nay phương nào cũng có ít nhiều người lại đặt cho mình một mục phiêu khác. Đó là sinh ra đời này cốt để thành Phật, thành Trời.
Bên phía trời Âu, nói "thành Trời", "bằng Trời" là một đại tội đáng trầm luân muôn thủa. Công giáo cho rằng Lucifer, Adam, Eva đã phạm đại tội ấy.
Chúa Giê Su xưng mình: là một với Chúa Cha nên đã bị treo trên Thập giá. All Hallaj, một vị đại thánh Hồi Giáo cũng vì xưng mình là Chúa, là Chân Lý, nên cũng đã bị cầm tù 9 năm và đã bị hình Thập giá. Thế nhưng vẫn có nhiều người như Eckhart người Đức, như Thérèse d'Avila cũng vẫn dám xưng mình kết hợp 'nhất như' với Chúa.
Trái lại ở Đông Phương, công trình "Làm Trời", "Làm Phật" hết sức được khuyến khích. Chủ đề của bộ Upanishads (Áo Nghĩa Thư) của Ấn Độ chính là "Tat Tvam Asi" (Con chính là Cái ấy: Con chính là Brahman vô biên tế).
Đàn cơ Cao Đài có câu:
«Học là học để làm Trời,
Có đâu mãi mãi làm người thế gian.» 
Chủ đề của Phật giáo là Giải Thoát, nhập Niết Bàn, và thành Phật.
Từ lâu tôi vốn phân biệt TÔN GIÁO và ĐẠI ĐẠO.
Đối với tôi, các TÔN GIÁO trong thiên hạ thì có nhiều, nhưng chung qui cũng cốt là THỜ TRỜI, THỜ PHẬT.
Còn ĐẠI ĐẠO trong thiên hạ chỉ có một: Đó là phương pháp LÀM TRỜI, LÀM PHẬT. THÀNH TRỜI, THÀNH PHẬT. Đó là cả một KHOA HỌC. Đó là cả một kho tàng chung của thánh hiền tiên phật muôn thuả, muôn nơi. Từ ngữ dùng tuy có khác nhau, nhưng tư tưởng đường lối, phương pháp, mục đích chi là một.
Từ năm 1956, tôi bỗng được hồng ân của trời đất đưa vào con đường Đại Đạo.
Sự GIÁC NGỘ tiên khởi của tôi được diễn biến ra như sau: Trong thời gian tôi đang soạn thảo một bài diễn văn về Khổng Giáo, thì vào một buổi chiều, khoảng 6 giờ, tôi bỗng được mặc khải như sau: «Con người có Tính Trời, và phải dùng đời mình để thực hiện Tính Trời đó. (Thiên mệnh chi vị Tính 天 命 之 謂 性 ). Đại đạo chính là nhân tâm phải thuận theo Thiên Tính. (Suất Tính chi vị Đạo 率 性 之 謂 道). Các tôn giáo chung qui là dạy tu cái ĐẠO đó. (Tu Đạo chi vị Giáo 修 道 之 謂 教). Cái ĐẠO TRỜI ấy không rời ta được một phút giây. (Đạo dã giả bất khả tu du li dã 道 也 者 不 可 須 臾 離 也).»
Mấy câu Trung Dung đó đã thay đổi hoàn toàn cả đời tôi.
Từ khi tôi biết rằng có Trời trong lòng mình rồi, mà Trời thời quang minh chính đại, vĩnh cửu, vô biên, còn «tôi» là tất cả những gì riêng tư, tà khuất, nhỏ bé, biến thiên chất chưởng, thì tôi lại được hỏi câu thứ hai: Giữa hai cái đó, con chọn bên nào? Dĩ nhiên là tôi phải chọn phần cao minh, vĩnh cửu. Thế là mặc nhiên tôi đã đi vào con đường:
- "Bỏ mình" của Thiên Chúa giáo.
- "Tâm tử thần hoạt" của Lão Giáo.
- "Diệt ngã" cũa Phật giáo.  
Kết cuộc để: Phối Thiên (nên một với Trời) (Trung Dung chương 26; ĐẠO ĐỨC KINH chương 48); đạt Niết Bàn (Nirvana. Mà Nirvana theo nguyên nghĩa cũng vẫn là Phối Thiên.) [1] Cũng nên lưu ý quí vị đạo tâm rằng đối với tôi hai chữ Phối Thiên: Kết hợp với Trời, cũng càng ngày càng trở nên biến ảo. Trời dần dà đối với tôi không còn phải là vị Thượng Thần có ngôi vị, mà càng ngày càng trở nên vô cùng tận, vô biên tế, bất khả tư nghị, vừa là Một vừa là Tất cả, vừa hoạt động trong lòng sâu mỗi sinh linh, mỗi vi tử vi trần, cũng vừa bao trùm tất cả ngàn muôn vũ trụ...
Tôi càng ngày càng nhìn nhận thấy rằng: dưới lớp lang biến ảo của hình hài, thể xác tôi, của tâm tư tôi, còn có Cái Vô Cùng. Cái Vô Cùng trong tôi chính cũng là Cái Vô Cùng nơi chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tiên Thánh muôn đời. Đó chính là Chân Tâm, là Đại Ngã, là Niết Bàn.
Cái Vô Cùng đó chính là «Chánh Pháp Nhãn Tàng», «Niết Bàn Diệu Tâm», «Thực Tướng Vô Tướng», «Vi Diệu Pháp Môn» mà Đức Phật đã truyền cho Ca Diếp. Giác Ngộ chính là lúc con người vượt lên trên được cái bức màn vô minh của ngoại cảnh, của hình hài, của tâm thức, mà thể nhập được với cảnh giới vô cùng, cảnh giới vô biên, vô ngại đã ở sẵn trong tâm khảm mình, mà cũng chính là Bản Thể mình.
Hiểu như vậy, đạo Phật trở nên hết sức đơn giản. Tất cả cuộc đời Đức Phật chỉ cốt dạy ta rằng: Cái Tinh Hoa của đất trời, cái Bản Thể siêu tuyệt của đất trời đã đủ sẵn nơi ta, ta cần gì phải tìm nó nơi đâu. Cái Bản Thể ấy vô biên vô tận, vĩnh cửu trường tồn. Nên tất cả những gì biến thiên, tất cả những gì tạm bợ, đều không phải là Con Người Chân Thực của ta. Nhiều khi cái mà ta nghĩ là ta, thực ra mới chỉ là những bộ mặt nạ hóa trang mà ta đã và đang dùng để đóng các tấn tuồng đời. Ta hãy tìm cho ra bộ mặt chân thực, tìm cho ra «Bản Lai Diện Mục» sáng láng vô cùng của ta. Cái Bản Thể Chân Thực nơi, mà Phật Giáo gọi là Chân Tâm, Chân Như, Phật Tính, v.v...  chính đã sinh ra toàn thể vũ trụ này, chứ không phải là cái Vọng tâm nhỏ nhoi, phù phiếm nơi ta, cái mà đã được các nhân duyên ngoại cảnh, hình hài, niệm lự nhất thời cấu tạo nên.
Vì con người có Đại Thể vô biên trong con người, có Nguồn sinh vô tận trong con người, cho nên con người phải cảm thấy mình có một giá trị siêu tuyệt, phải biết mình bình đẳng với chư Phật, và tự tại vô ngại, hạnh phúc.
Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Bát Nhã có kệ:  
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật,                     摩 訶 般 若 波 羅 蜜
Tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất.               最 尊 最 上 最 第 一
Vô trụ, vô vãng, diệc vô lai,                     無 住 無 往 亦 無 來
Tam thế chư Phật tòng trung xuất.         三 世 諸 佛 從 中 出 
Dịch: 
Chân Tâm hạo hạo vô cùng cực,
Tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất.
Chẳng trụ, chẳng đến, cũng chẳng đi,
Tam thế chư Phật từ trong xuất...  
Đường Thích Tuệ Hải nói: «Phật do tâm tạo. Người mê tìm Phật trong sách vở; Người ngộ hướng vào tâm mà thấy được Phật nơi mình. Người mê tu nhân cầu quả; Người ngộ liễu đạt Chân Tâm. Người mê thì "chấp vật thủ ngã" coi đó là mình; Người ngộ thì Tâm Bát Nhã luôn luôn ứng hiện. Người mê chấp "không", chấp "hữu" rồi xa lầy, bế tắc; Người trí thấy Bản Tính mình, đạt Chân Tướng mình, nên linh thông, hào sảng. Người độn căn chỉ lo biện bác mỏi mồm; người đại trí liễu đạt Bản Thể, nên tâm thường thư thái. Bồ Tát càng tiếp cảnh, càng phóng quang; hàng thanh văn sợ cảnh nên tâm ngày càng tối. Người ngộ chẳng bao giờ lìa xa Bản Thể nên ứng dụng vô cùng; kẻ u mê tưởng mình luôn xa cách Phật...»  [2]
Tìm ra được Bản Tâm, Bản Tính chí tôn vô đối ấy nơi mình, chính là thành Phật.
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh tường chú bình về Bản Tính ấy như sau: «Bản Tính là Phật. Xa rời Bản tính, không làm gì có Phật khác. Ma Ha là gì? Ma Ha là lớn. Tâm lượng ấy quảng đại, bằng cả thinh không, không có bến bờ; cũng không có vuông tròn, lớn nhỏ; cũng không có vàng xanh, trắng đỏ; cũng chẳng có dưới trên, dài vắn; cũng không có giận, có vui; không phải, không trái; không thiện, không ác; không đầu đuôi. Đó là cảnh giới của chư Phật. Tất cả đều như Hư Không.» [3]
Nếu biết được Bản Tính mình, sẽ thành Phật, thì muốn thành Phật cũng không khó.
Tâm Kinh tường chú viết: «Thiện trí thức: Phàm phu là Phật; phiền não là Bồ Đề. Niệm trước mê, là phàm phu; niệm sau ngộ là Phật; niệm trước vướng cảnh là phiền não; niệm sau lìa cảnh, tức Bồ Đề.» [4]
Tóm lại, Chân Như Bản Thể chính là Bản Tính cao minh linh diệu của con người, vốn sẵn có nơi con người, mà chỉ vì u mê, con người không nhìn ra được. Mê là không nhìn ra được Chân Tướng mình; Ngộ chính là biết được Chân Tướng sang cả của mình.
Đạt tới Chân Tâm, Phật Tính là đạt tới cảnh giới Niết Bàn. Như vậy, Niết Bàn không có ở đâu xa, mà chính là đã tiềm ẩn sẵn trong lòng sâu con người.
Nếu Niết Bàn là Chân Tâm, Chân Thể, thì cái thân tứ đại giả hợp biến thiên sinh tử, với lục căn, lục trần, lục thức, ngũ uẩn v.v...  chính là cảnh giới luân hồi sinh tử, cảnh giới vô minh, cảnh giới hỗn tạp, vọng động, cảnh giới ma huyễn, đó chính là những nghiệp chướng, là những góc gai, là những mây mù, làm khuất lấp nẻo vào Tỳ Lô Giá Na bửu điện trong tâm khảm chúng ta. Thế tức là muốn tìm Niết Bàn, phải tìm trong giữa lòng Luân Hồi sinh tử.
Mấy quan niện trên giúp ta hiểu rõ bản chất và chủ trương của Thiền.
Mục đích của Thiền là cốt dạy người thành Phật:
Giáo ngoại biệt truyền,              敎 外 別 傳
Bất lập văn tự,                           不 立 文 字
Trực chỉ nhân tâm,                    直 指 人 心
Kiến Tính thành Phật.              見 性 成 佛
Dịch:
Truyền nhau đạo cả huyền vi,
Chẳng nề kinh sách, tâm đi thẳng vào!
Quan Tâm, kiến Tính mới hào,
Ấy là "thành Phật" tiêu hao gót đầu...  
Muốn đạt đạo Thiền, phải có đủ: Giới, Định, Huệ, và thực hiện Chân Tâm.
Giới hạnh là da, thiền định là thịt, trí huệ là xương, diệu tâm, chân tâm mới là tủy... (Xem Thiền luận, quyển thượng tr. 300 chú *).
Một thiền sinh, khi chưa giác ngộ, thường bị các thiền sư sỉ vả, đánh đập. Mỗi khi vào "tham thiền", tức là vào phòng thày, để trình bày những suy tư của mình về một vấn đề, phải lạy bên ngoài cửa mấy lạy; khi vào phòng rồi lại phải lạy mấy lạy, hết sức là cung kính Thày. Nhưng khi đã giác ngộ có thể đánh lại Thày, có thể cuốn chiếu không thèm nghe Thày dạy nữa. Làm thế mà Thày không giận, trái lại thày còn mừng rỡ, vì trò mình đã nhận thấy chân giá trị siêu việt của mình.
Đó là trường hợp Mã Tổ và Bách Trượng. Mã Tổ vặn mũi Bách Trượng; ông này đau điếng, và giác ngộ.
Sau đó, Bách Trượng phát huy bản lãnh, đã cuốn chiếu đẩy lui thày vào hậu trường, dọc ngang như một chúa tể...  
Lâm Tế trước khi giác ngộ, đã cắn răng để cho Huỳnh Bá đánh ba lần, mỗi lần ba chục hèo chỉ vì tội dám hỏi Thày về đạo. Khi giác ngộ, đã dám đánh Đại Ngu thiền sư, và chính thày mình là Huỳnh Bá.
Nói cách khác, khi chưa giác ngộ, khi còn là chúng sinh, một thiền sư - theo lời Suzuki- thực chẳng khác một «con chó quèn, lang thang đầu đường xó chợ, nguẩy đuôi ăn mày đầu tôm xương cá và tình thương, và bị trẻ con đánh đuổi không tiếc tay, giờ đây biến thành sư tử lông gáy vàng, một khi rống lên là khiếp đảm tất cả những tâm hồn hèn yếu...» (Thiền Luận, Bản dịch Trúc Thiên, quyển Thượng, tr. 392).
Tóm lại:
Khi chưa biết mình có Pháp Thân Như Lai, viên mãn trường tồn, vĩnh cửu trong thân, thì là chúng sinh là mê lạc, là sống trong cảnh phù du, hư ảo của các hiện tượng biến thiên, sinh tử luân hồi bên ngoài. Lúc ấy phải trì giới niệm Phật.
Sau khi đã giác ngộ được Tự Tính, được Pháp Thân tự tại, vô ngại nơi mình. thì tất cả những chuyện tụng niệm trở nên thừa thãi.
Đức Sơn thiền sư không bao giờ cầu nguyện, sám hối, không bao giờ tu tập những gì thông thường gọi là những hành vi tôn giáo...  Kim Đạt Quán thiền sư không hề bao giờ niệm Phật... [5] Thiền sư Đan Hà phá tượng Phật gỗ để làm củi sưởi. [6] Khi chưa tìm ra được Tự Tánh vô cùng sang cả nơi mình, thì bắt buộc phải tù túng tâm thân. Khi đã giác ngộ Tự Tính rồi, thì luôn luôn tự do, phóng khoáng, hào sảng, thông linh...  
Ta cứ đọc hai bài kệ sau của Ngọa Luân và của Huệ Năng sẽ thầy rõ:
Kệ của Ngọa Luân:
Ngọa Luân thật giỏi giắn,
Tư tưởng thảy dứt lặng.
Đối cảnh tâm chẳng sinh,
Bồ Đề ngày lớn mạnh.
Kệ của Huệ Năng:
Huệ Năng chẳng giỏi giắn,
Tư tưởng chẳng dứt lặng.
Đối cảnh tâm cứ sinh,
Bồ Đề nào lớn mạnh...  [7]
 Cũng trong dòng tư tưởng ấy, Thiếu Thất Lục Môn chương Huyết mạch luận có viết:
Muốn tìm Phật, cần thấy Tánh, vì Tánh tức là Phật. Néu chẳng thấy Tánh thì niệm Phật, tụng kinh, chay lạt, giữ giới nào có ích gì?
Niệm Phật thì được công quả tốt.
Tụng kinh thì tâm trí được sáng thông.
Giữ giới thì được sanh lên cõi trời.
Bố thí thì được phước báo.  
Nhưng đi tìm Phật như vậy chẳng gặp Phật bao giờ. Nếu tự ngươi, ngươi chưa sáng tỏ, thì nên tham vấn bậc thiện trí thức để hiểu căn bản của sanh tử luân hồi. Người không thấy Tánh không thể gọi là thiện trí thức.
Nếu chẳng vậy, thì dầu nói được mười hai bộ kinh vẫn chẳng khỏi sinh tử luân hồi, vẫn chịu khổ trong ba cõi chẳng có ngày ra. Xưa tì khưu Thiện Tinh thuộc làu mười hai bộ kinh mà vẫn chẳng thoát khỏi luân hồi, vì chẳng thấy Tánh. Thiện Tinh kia còn vậy, huống nữa người đời nay mới giảng được năm ba bộ kinh luận đã tự coi là hiểu Pháp Phật, thật chẳng có gì ngu hơn. Hễ không thấu được tâm mình, thì tụng đọc ích gì, chỉ là hư văn. Muốn tìm được Phật, trước hết phải thấy Tánh, vì Tánh tức là Phật. Phật là người tự tại, là người vô sự, là người vô tác. Nếu thay vì thấy Tánh, người hướng ngoại suốt ngày cầu Phật lông bông, ắt không bao giờ thấy được Phật.
Phật là Tự Tâm, chớ lầm vái lạy (những vật bên ngoài). Phật là tiếng ấn Độ, bên Trung Hoa gọi là Giác Tánh. Giác Tánh tức là Linh Giác. Và chính cái Tánh Tự Kỷ Linh Giác ấy đáp ứng với ngoại vật trong công cuộc hằng ngày, nhướng mày, nháy mắt, dang tay, giơ chân.
Tánh tức là Tâm.
Tâm tức là Phật,
Đạo tức là Thiền.
Chỉ một chữ Thiền mà thánh phàm đều không lượng nổi.
Trực tiếp thấy Tánh, đó tức là Thiền. Bằng chẳng thấy Tánh, chẳng phải là Thiền vậy. Dầu có giỏi nói được ngàn muôn kinh luận, nếu chẳng thấy Tánh, thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là Pháp Phật. Đạo lớn cao thâm, u huyền, không thể nói cho hiểu được. Kinh điển không dựa vào đâu với tới được. Chỉ nên thử thấy Tánh, dầu chỉ một lần, thì suốt thông hết, cả đến những người chữ nghĩa dốt đặc. THẤY TÁNH TỨC LÀ THẤY PHẬT.
Những người không thấy Tánh, mảng lo tụng kinh, niệm Phật, tinh tiến học hoài, đêm ngày tu tập, ngồi mãi không nằm,, cốt lấy cái học rộng, nghe nhiều làm Pháp Phật; những chúng sinh đó đích thực là người phỉ báng Phật.
Phật trước, Phật sau chỉ nói thấy Tánh. Muôn vật đều vô thường.
Nếu không thấy Tánh, mà rêu rao là được Chánh Giác, đó là người đại tội... [8]
Những lời nghị luận trên thực hết sức thâm sâu.
Những lời nói trên đã đủ làm bừng tỉnh để quí vị trực giác thấy được Chân Tâm của quí vị chưa.
Để kết luận tôi dùng bài thơ của Úc Sơn Chủ làm khi cưỡi lừa qua cầu nhỏ, bị té, và sau đó giác ngộ được Chân Tâm của mình. Bài thơ đó như sau:
Ngã hữu thần châu nhất lõa,        我 有 神 珠 一 顆
 Cửu bị trần lao cơ tỏa.                   久 被 塵 勞 羈 鎖
Kim triêu trần tận, quang sinh,     今 朝 塵 盡 光 生
Chiếu kiến sơn hà vạn đóa.          照 見 山 河 萬 朶
Chuyển dịch: 
Thần châu sẵn có nơi mình,
Bấy lâu bụi lấp ra tình âm u.
Sáng nay, bụi sạch trơn tru,
Chiếu soi vạn khoảnh, thiên khu sơn hà...  [9]
Costa Mesa 3/18/1989.

CHÚ THÍCH
[1] Comme nous l'avons déjà indiqué, pour cette philosophie (le Mahâbhârata), le Nirvana consiste dans le Brahman. Il s'agissait de sortir du royaume changeant des guna's pour arriver à l'être même, au Brahman, il fallait abandonner le moi, gagner, par les exercices ascétiques des Yogin's, l'illumination soudaine: "Ce n'est pas moi qui agis, lorsque je vois, entends, sens, mange, etc."; il fallait devenir un témoin désintéressé, (kutastha), se plonger dans l'être sans qualité = sans guna. "Atteindre le Nirvana" et "devenir Brahman" sont identiques...  Ces deux expressions signifient quitter le monde périssable et agissant des samskara (sensibilité) et retrouver son être éternel, 'atman', dans le Brahman. Or "déjà dans cette vie, le Brahman atteint, dans le Nirvana, ' à la clarté dévoilée intérieure. Seul, un voile léger sépare encore de la jouissance parfaite de l'être. Ce voile, c'est l'existence corporelle, attachée d'une facon tout extérieure à l'homme perfectionné (siddha). La mort enlève jusqu'à ce voile et le Brahman rayonne de nouveau dans la clarté parfaite de l'être pur".
J. Dahlman, Nirvana, p. 68 s. La vie future d'après le Madzéisme, p.373-374.
... Lorsque le bouddhiste appelle son idéal, son Nirvana, "le non-créé", "l'infini", "l'éternel", "sans forme", "l'invisible", cela ne s'explique que par le fait que toute cette conception a été empruntée à un système métaphysique, le Brahman, l'Atman; ils ont été en effet attribués au Brahman dans le Brhad-ârynyaka- upanishad et le Chandogya-upanishad longtemps avant d'être employés comme des synonymes du Nirvana bouddhiste...  La vie future d'après le Madzéisme,p. 362.
... Le Nirvâna avait signifié l'union avec le Brahman (tat tvam asi "tu es cela"), avant d'être prêché par Gautama comme la délivrance pure et simple sans but positif, sans préoccupation métaphysique... 
Ib. p. 363.
[2] Đường Thích Tuệ Hải viết: «Phật thị tâm tác. Mê nhân hướng văn tự trung cầu; ngộ nhân hướng tâm nhi giác. Mê nhân tu nhân đãi quả; ngộ nhân liễu tâm vô tướng. Mê nhân chấp vật thủ ngã vi kỷ; ngộ nhân Bát Nhã ứng dụng hiện tiền. Ngu nhân chấp không, chấp hữu sinh trệ; tuệ nhân kiến tính liễu tướng linh thông. Kiền tuệ biện giả khẩu bì; đại trí thể liễu tâm thái. Bồ Tát xúc vật tư quang; thanh văn phạ cảnh muội tâm. Ngộ giả nhật dụng vô sinh; mê nhân hiện tiền cách Phật.»
Đường Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang dịch; Vô Thích Đinh Phúc Bảo Trọng hỗ chú Tâm Kinh Tường Chú, Thượng Hải, Trung Hoa Dân Quốc 67, tr. 7a.
[3] Bản Tính thị Phật. Ly Tính vô biệt Phật. Hà danh Ma Ha. Ma Ha thị đại. Tâm lượng quảng đại, do như Hư Không, vô hữu biên bạn, diệc vô phương viên, đại tiểu; diệc vô thanh hoàng xích bạch; diệc vô thượng hạ trường đoản; diệc vô sân vô hỉ; vô thị vô phi; vô thiện vô ác; vô hữu thủ vĩ; chư Phật sát độ; tận đồng Hư Không...  Ib. 5a.
[4] Thiện tri thức, phàm phu tức Phật; phiền não tức Bồ Đề. Tiền niệm mê, tức phàm phu; hậu niệm ngộ, tức Phật. Tiền niệm trước cảnh, tức phiền não; hậu niệm ly cảnh, tức Bồ Đề. Ib. tr. 5a.
[5] Xem Thiền Luận, Tuệ sỹ dịch, quyển trung, tr. 78-80.
[6] Thiền Luận, quyển Trung, Tuệ Sỹ dịch, tr. 485.
[7] Thiền Luận, quyển Thượng, Tuệ Sỹ dịch, tr.352.
[8] Thiền luận, quyển Thượng, Tuệ Sỹ dịch, tr. 372-375.
[9] Thiền luận, quyển Trung, tr. 300.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét