Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

PHẬT HỌC CHỈ NAM - THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ VỚI THẠCH ĐẦU HI THIÊN

Chương 16
THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ
VỚI THẠCH ĐẦU HI THIÊN

Thạch Đầu Hi Thiên 石頭 希 遷 (700-790) sinh vào cuối đời Lục Tổ Huệ Năng (638-713), và khi còn nhỏ được gặp Ngài một hai lần.
Năm 728, khi Hi Thiên được 29 tuổi, một đêm mộng thấy mình cùng Huệ Năng cưỡi rùa chơi trong một cái ao. Mà rùa là Linh Trí, ao là Tính Hải.
Năm Hi Thiên 12, 13 tuổi, có được gặp Lục Tổ một hai lần. Một lần Lục Tổ cao hứng cầm tay Hi Thiên nói: Nếu con là đệ tử ta, thì sau sẽ cùng ta ở chung một cảnh giới. Hi Thiên đáp: Con hiểu.
Dẫu sao thì giấc mộng trên xảy ra khi Hi Thiên đang tu ở La Phù Sơn, cho thấy là Ngài đã hiểu được tông phong của Lục Tổ và đã Nhất Tâm Đồng Thể với Lục Tổ.
Thạch Đầu Hòa Thượng 
Thạch Đầu Hi Thiên tục danh họ Trần. Người Đoan Châu, tức Huyện Việt Hải, tỉnh Quảng Châu. Thủa nhỏ đã được bái kiến Lục Tổ vài lần. Sau khi Huệ Năng viên tịch, Ngài lên tu tại La Phù Sơn, và thọ Cụ Túc Giới tại đấy. Sau đó, theo học Thanh Nguyên Hành Tư. Khi Thanh Nguyên Hành Tư viên tịch, Hi Thiên đến Nam Nhạc, và tu tại chùa Nam Đài. Nơi đây, có một phiến đá. Hi Thiên dựng trên đó một thảo am. Vì thế Ngài có biệt hiệu là Thạch Đầu Hòa Thượng.
Lúc ấy, tại Nam Nhạc, Hoài Nhưỡng thiền sư, đệ tử của Lục tổ đang hùng cứ tại đó. Tuy nhiên, tại Nam Đài, trong vòng 23 năm, Hi Thiên cũng giảng dạy và thu thập được nhiều đệ tử. Sau đó, ông rời sang Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Còn Mã Tổ thì ở Giang Tây. Mỗi người một phương, danh tiếng ngang nhau.
Hi Thiên mất năm Trinh Nguyên thứ sáu (790), hưởng thọ 91 tuổi. Tên Thụy là Vô Tế Đại Sư. Đệ tử là Tuệ Lãng, Chấn Lãng. Ba Lợi, Đạo Ngộ, v.v... Sách còn truyền là Tham Đồng Khế, Thảo Am Ca.
Ai trói Anh (Thùy phọc nhữ 誰 縛 汝
Có người hỏi Hi Thiên về Giải Thoát. Hi Thiên đáp: «Ai trói Anh?»
Có người hỏi về Tịnh Thổ. Thiền Sư đáp: «Ai làm Anh bẩn?» (Thùy cấu nhữ? 誰 垢 汝 ?). Người hỏi đã dùng Phân Biệt Trí đặt vấn đề. Còn Thiền sư đã dùng Vô Phân Biệt Trí để trả lời. Chung qui, Vạn vật đều vô ngại và mình luôn tự do, tự tại, Mê Ngộ Bất Nhị, Phàm Thánh Nhất Như, chỉ mình trói được mình, chỉ mình làm nhơ được mình mà thôi.
Vũ trụ đồng nhất thể (Vũ trụ hòa nhất thể 宇 宙 和 一 體) 
Trong bài thơ Thảo Am Ca có câu: Am Tuy Tiểu Nhi Tàng Vạn Pháp. Nghĩa là Am này tuy nhỏ nhưng hàm chứa cả Vũ Trụ. Hi Thiên viết câu này, có lẽ đã được Tăng Triệu gợi hứng cho. Tăng Triệu trong quyển Niết Bàn Vô Danh Luận, có câu: «Hội Vạn vật dĩ thành kỷ giả, phù thánh nhân hồ.» (Chỉ có thánh nhân mới làm cho vạn vật trở nên chính mình.) Tăng Triệu là một trong bốn đệ tử ruột của Cưu Ma La Thập.
Hi Thiên muốn nói: Thân ta tưởng nhỏ, nhưng không có nhỏ. Nó hàm chứa muôn vật trong thân. Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể đại cương là như vậy. Và Hi Thiên muốn phổ biến tư tưởng này.Thân ta tuy nhỏ, nhưng nếu ta phát hiện được Pháp thân ta, được Chân Tâm, Phật Tính ta, thì Pháp thân đó sẽ bao hàm cả đại vũ trụ.
Thực ra Hi Thiên không phải là người đầu tiên nghĩ ra học thuyết này. Thời ấy đã có Bất Không Tam Tạng và Thiện Vô Úy Tam Tạng thuộc Mật Tông, cũng đã giảng thuyết này trong quyển Đại Nhật Kinh (Vairocana hay Tì Lô Giá Na kinh) tại Đường đô Trường An.
Hơn nữa, thuyết này cũng đã có trong Kinh Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm là một bộ kinh Đại Thừa từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa vào năm 418, thời Đông Tấn. Đế Tâm, Đỗ Thuận hay Pháp Thuận là tổ đầu tiên. Ngưòi ta gọi Ngài là Văn Thù Bồ Tát giáng thế. Ngài tịch năm 640. Tổ 2 là Vân Hoa Trí Nghiễm (602-668). Tổ 3 là Hiền Thủ Pháp Tạng (643-712). Tổ 4 là Thanh Lương Trừng Quán (760-820), lấy Ngũ Đài Sơn làm nơi tu luyện. Ta thấy Trừng Quán đồng thời với Thạch Đầu Hi Thiên.
Hoa Nghiêm Kinh và Đại Nhật kinh đều truyền từ Ấn Độ sang. Duy Hi Thiên sống tại vùng Giang Nam hẻo lánh mà cũng dám lập thuyết và đem thuyết ấy thi hành suốt đời mình. Ông đã vượt lên trên Phân Biệt Trí Thức và nghiễm nhiên coi mình bao hàm cả vũ trụ. Thật là vĩ đại!
(Phóng tác theo bài Vạn vật nhất thể, trong quyển Thiền Tông Cao Tăng Ngôn Hạnh Lục, Bồ Đề Học Xã, Thường Nghĩa Tùng Khan. Đón đọc các bài tiếp về Thuyết Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể trong Phật Giáo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét