Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

PHẬT HỌC CHỈ NAM - LUÂN HỒI, CHUYỂN KIẾP

Chương 8
LUÂN HỒI, CHUYỂN KIẾP
 
Đối với người Á Đông, luân hồi chuyển kiếp là một chuyện dĩ nhiên. Nhưng đối với Âu Mỹ, thì vấn đề đó ngày nay dần dần mới được đem ra bàn cãi và nghiên cứu một cách đứng đắn khoa học.
Tại Mỹ, trào lưu tin vào luân hồi được khởi xướng vào khoảng giữa thế kỷ 19 với nhóm Transcendentalists gồm những nhân vật như Ralph Waldo Emerson, Henry David Thoreau, Bronson Alcott; với nhóm Thông thiên học gồm những người như bà H.B. Blavatsky, đại tá H.S.Olcott, bà Annie Besant v.v...
Hiện nay phái Scientology, mà giáo chủ là L. Ron Hubard, cũng chủ trương luân hồi.
Người khảo sát về luân hồi, nổi tiếng quốc tế hiện nay là Bác Sĩ Ian Stevenson. Ông sinh tại Montréal, Canada ngày 31 tháng 10 năm 1918. Sau khi tốt nghiệp y khoa tại đại học McGill, ông chuyên về các bệnh tâm thần. Năm 1957 ông làm khoa trưởng khoa Thần kinh học và Tâm thần học tại Đại Học Virginia trong vòng 10 năm. Sau đó chuyên giảng về Tâm Thần học tại đó. Ông dần dần trở thành chuyên gia khảo về luân hồi. Hiện nay ông đã thu thập được hơn 1000 trường hợp luân hồi trên thế giới. Quyển sách Twenty Cases Suggestive of Reincarnation, của ông, xuất bản năm 1966, hiện nay được coi là một trong những quyển sách chứng minh về luân hồi đứng đắn nhất.
Joseph Head và S. L. Cranston từ khoảng 1960 cũng đã ra một loạt sách về luân hồi, mỗi quyển đều dày khoảng 5, 6 trăm trang. Tôi đã đọc qua 2 quyển của các ông nhan đề là:
Reincarnation, Causeway Books, New York 1967.
Reincarnation, The Phoenix Fire Mystery, Julian Press New York, 1977.
Sách viết rất công phu; tài liệu hết sức phong phú.
Hiện nay, tại đại học Virginia, Khoa Siêu Tâm Lý Học (Department of Parapsychology) có tàng trữ tất cả các hồ sơ về luân hồi. Bác Sĩ Pratt báo cáo rằng tới tháng 7, năm 1974, viện đã có 1,339 hồ sơ luân hồi, trong đó Mỹ có 324 chuyện, Miến Điện có 139 chuyện, Ấn Độ có 135, Thổ Nhĩ Kỳ 114, Anh có 111. [1]
Âu Mỹ hiện nay liên kết Luân Hồi mà họ gọi là Tái Sinh (Reincarnation) với Thuyết Tiền Kiếp (Pre–existence) của Plato. Họ cho rằng những trẻ thơ mới ba, bốn tuổi mà đã biết nhiều sinh ngữ, mà giỏi toán vượt mức, chính là vì chúng nhớ lại được (Reminiscence) những gì đã biết trong tiền kiếp. «Cái cảm giác như là đã từng thấy qua, nhìn qua một cảnh nào, một nơi nào.» (sentiment du déjà–vu; feelings of déjà–vu) cũng được cắt nghĩa bằng Tiền Kiếp. Tướng Patton, khi tới thành phố Langres, ở Pháp, một thành phố còn có nhiều cổ tích từ thời La Mã chiếm đóng xứ Gaul xưa, tùy viên quân sự người Pháp xin làm hướng đạo. Ông nói không cần, vì đã biết rõ khu này, mặc dầu ông tới đây lần đầu tiên. Tướng Patton xác tín rằng xưa kia ông đã từng theo chiến đoàn Corsar sang chiếm Pháp.[2] Song song với công trình khảo sát về «Tái sinh»«Đầu Thai», nhiều khoa học gia còn khảo sát xem sau khi xác đã chết, hồn có còn sống hay không. Có nhiều Bác sĩ, như bà Elizabeth Kubler-Ross, chỉ chuyên khảo về những ngươì đã chết đi sống lại ở trong các bệnh viện. Quyển sách của bà, nhan đề là On Death and Dying, nổi tiếng thế giới, xuất bản năm 1969, đã chứng minh điều đó.
Chứng minh một cách hết sức vô tư và khoa học rằng hồn con người sau khi lìa xác có thể sống riêng rẽ, và hồn con người sau khi chết thực sự có đầu thai, các nhà khoa học ngày nay cố làm cho mọi người thấy rằng luân hồi là chuyện có thật. Nếu họ làm được chuyện này, thì trong một tương lai rất gần, phía trời Âu Mỹ sẽ có những chuyển mình hết sức là lớn lao.
Ngày nay, mặc dầu cả Công Giáo lẫn Tin Lành đều không dạy Tái Sinh, nhưng theo một cuộc thăm dò của Gallup Poll tổ chức trong 12 nước Âu Mỹ – là những nước mà đa số dân chúng theo Công Giáo hay Tin Lành – vào tháng 2, 1969, đã cho thấy kết quả như sau:
Tỉ số người tin có luân hồi:
– Áo (Austria): 20%.
– Gia Nã Đại: 26%.
– Pháp: 23%.
– Anh: 18%.
– Hi Lạp: 22%.
– Na Uy: 14%.
– Thụy Điển: 12%.
– Mỹ: 20%.
– Tây Đức: 25%.
– Hòa Lan (The Netherlands): 10%. 
Chắc ngày nay thăm dò lại sẽ thấy đông đảo hơn, nhất là về phía giới trẻ.[3]
Sau đây, tôi sẽ bàn lần lượt về các đề mục sau:
1. Luân Hồi là gì.
2. Vấn đề Luân Hồi trong các tôn giáo, và lịch sử hoàn cầu.
3. Vấn đề Luân Hồi trước mắt một số danh nhân hiện đại.
4. Ít nhiều chuyện về Luân Hồi.
5. Đóng góp của tôi về Luân Hồi.
 

1. LUÂN HỒI LÀ GÌ?

Luân Hồi thường được hiểu là một sự chuyển kiếp từ kiếp này sang kiếp khác. Phật Giáo, Ấn Giáo hiểu Luân Hồi là sự chuyển kiếp. Nó được gắn liên với thuyết Nhân quả, Nghiệp quả. Luân Hồi chính là Samsara; Nghiệp quả chính là Karma. Theo Phật giáo, tùy nhân duyên mà con người sẽ luân hồi trong sáu cõi (Lục đạo) sau:
– Thiên
– Thần
– Người
– Súc sinh (súc vật, sâu bọ).
– Ngạ quỉ
– Địa ngục. 
Ba cõi sau cũng còn được kêu là Tam đồ (ba con đường) (tam ác đạo):
– Cõi Súc sinh là Huyết đồ, vì dễ bị giết, bị ăn thịt.
– Ngạ quỉ là Đao đồ, vì ma đói vừa bị đói khát, vừa bị hành hạ.
– Địa ngục là Hỏa đồ, vì hồn ở trong đó bị lửa thiêu đốt. 
Hi Lạp xưa hiểu Luân Hồi cũng là chuyển kiếp như lối Á Đông và dùng chữ Metempsychosis để chỉ luân hồi (Metem: biến thiên. Psyche: Hồn), ý nói khi luân hồi, thì thể xác thay, mà hồn chẳng thay).
Âu Mỹ ngày nay, chấp nhận luân hồi, nhưng không chịu rằng người lại có thể đầu thai làm thú vật, nên họ thích chữ Reincarnation hơn, vì Reincarnation là «Tái nhập xác». Đôi khi còn thấy dùng những chữ như Palingenesis: Tái sinh; hay Transmigration: chuyển kiếp.
Vì nói đến Luân Hồi là nói tới Kiếp trước, Kiếp sau, nên những chữ như Pre-existence (tiền kiếp, tiền thân) cũng ám chỉ luân hồi.
– Vòng Luân Hồi vì biến thiên nên cũng được gọi là Vòng biến thiên, hay Vòng Dịch (Wheel of change).
– Nó lệ thuộc vào thời gian nên cũng được gọi là Bánh xe Thời gian hay Vòng Thời gian (Wheel of Time).
– Chúng sinh bám trên vòng đó, chịu định luật nhân quả, nên Vòng Luân Hồi còn được gọi là Vòng Nhân Duyên (Wheel of Causation), hay Vòng Số Mệnh (Wheel of Fortune).
– Hi Lạp, nhất là môn phái Orpheus còn gọi Vòng Luân Hồi là Vòng Thai sinh (Wheel of Birth). Thánh Thư thánh James có đề cập đến vòng Thai sinh.
(Trong bản Thánh Thư James (James 3:6), Vulgata đã dùng chữ Rotam nativitatis nostrae, còn Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn, trong bản dịch Kinh Thánh của ông, ông đã dùng ngay chữ Vòng Luân Hồi).
Người xưa khi lấy bánh xe tượng trưng cho vòng Luân Hồi còn có một vi ý hết sức là sâu sắc.
Thực vậy Bánh Xe có hai phần:
1. Vòng bánh bên ngoài luôn luôn quay tròn, thăng trầm, biến hóa, cho nên tượng trưng cho Luân Hồi.
2. Trục chính giữa vành xe, không biến thiên, nên tượng trưng cho hằng cửu, cho Giải thoát.
Tu mà vào được giữa trục biến thiên sẽ trở thành Chuyển Luân Pháp Vương...
Ta sẽ trở lại vấn đề này sau.
Thuyết Luân Hồi gắn liền với Thuyết Nghiệp quả (Karma)
Đại khái rằng ở đời nếu ta hành động hay sẽ được kết quả hay; hành động dở sẽ gặp kết quả dở. Kiếp này không thấy, kiếp sau sẽ thấy ứng nghiệm.

2. VẤN ĐỀ LUÂN HỒI TRONG CÁC TÔN GIÁO VÀ LỊCH SỬ HOÀN CẦU

Khảo các đạo giáo cổ kim, và lịch sử nhân quần, thì thấy vấn đề Luân Hồi dân nào cũng tin, thời nào cũng có.
Các sắc dân bán khai ở Phi, ở Úc, ở các quần đảo Thái Bình Dương, những người Da Đỏ ở Mỹ, các bộ lạc xưa ở âu Châu như bộ tộc Celts, Teutonics, Letts, hay Lombards đều tin có Luân Hồi.
Người dân đảo Okinawa chẳng hạn tin rằng sau khi chết đi, vong hồn người quá cố luẩn quẩn ở trong nhà 49 ngày. Sau đó sẽ xuống âm Ti, Địa Phủ, và trong vòng 7 đời, tức là trong vòng từ 1 đến 210 năm sau sẽ đầu thai lại. Nhưng cũng có những người sẽ ở lại Địa Phủ không đi đầu thai. [4]
Dân Aztecs ở Mễ Tây Cơ xưa, khi gặp những người Tây Ban Nha sang chiếm nước, cứ tưởng là những vị thần xưa tái thế để đòi lại đất đai, chính vì vậy mà sinh nản chí, chịu đầu hàng mau chóng.
Trong Hồi Giáo cũng có nhiều người tin vào luân hồi. Họ tin rằng:
– Thỉnh thoảng lại có thần thánh giáng phàm. Họ gọi hiện tượng này là Hulul.
– Các bậc lãnh đạo tinh thần cũng có thể tái sinh (Rij'at).
– Người thường sẽ đầu thai lại (Tanasukh).
Trong Kinh Koran cũng có nhiều đoạn ám chỉ đến Luân Hồi (Koran, đoạn 8 – Sura Iraf-Meccan các câu 6 – 6 – 13. Chương 25 – Sura Zakhraf-Meccan, câu 5 – 10 – 60. Chương 14 – Sura Nahel – câu 2 – 12 – 80).
Tôi thích nhất câu này: «Bạn đã chết, và Ngài đã cho bạn sống lại. Ngài sẽ làm cho bạn chết đi, và sẽ lại cho tái sinh, và lúc chung cuộc sẽ gom bạn về với Ngài.» (Sura 1:28).
Nơi đây tôi không bàn nhiều về Luân Hồi trong đạo Bà La Môn và Phật giáo. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điểm hết sức quan trọng này là sau khi đọc kỹ kinh sách của Bà La Môn như Upanishads, Bhagavah Gita, và Phật Giáo Tiểu thừa như Pháp Cú, và các bộ kinh Đại Thừa như Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết Bàn, và sách vở do các đại Thiền sư viết, tôi toát lược mấy điểm trọng yếu sau:
– Phải phân biệt Đại Ngã và Tiểu Ngã.
– Đại Ngã thời thường hằng, siêu xuất sinh tử.
– Tiểu Ngã thời luẩn quẩn trong vòng luân hồi.
– Bao lâu chúng sinh còn ôm ấp cái vọng tâm, vọng ngã, cái tiểu ngã biến thiên, sinh tử của mình, thì bấy lâu còn phải luân hồi.
Luân hồi để học dần cho ra bài học Đại Ngã, để biết diệt tiểu ngã mà trở về với Đại Ngã.
Bà La Môn gọi Đại Ngã là Atman. Phật giáo gọi Đại Ngã là Bản lai diện mục hay Pháp tính Chân Như.
Nhiều người theo đạo Phật chỉ biết được cái Vô Thường, Vô Ngã, cái Sinh Tử, Biến thiên, mà không biết được bốn chữ THƯỜNG, LẠC, NGÃ, TỊNH, thật uổng phí thay.
Bà Rhys Davids, một học giả lỗi lạc về Tiểu Thừa, và thông thạo tiếng Pali, đã chứng minh rằng đức Phật không bao giờ dạy rằng Chân Ngã, là hư ảo; hay Atman là hư ảo, mà chỉ dạy rằng không thể tìm thấy được Chân Thường hằng cửu, hay Chân tâm Chân Ngã, trong cái thân phiến diện, kết cấu bởi Tứ Đại giả hợp; trong cái phàm tâm kết cấu bởi ngũ uẩn.
Bà Rhys Davids và ông Humphreys đã chứng minh rằng trong Tạng Kinh viết bằng tiếng Pali, nhất là Pháp Cú Kinh (Dhammapada), Đức Phật đã dạy con người có 2 thứ Ngã: Đại Ngã và Tiểu Ngã, và không hề dạy rằng Đại Ngã hay A man là hư ảo. Bà Rhys Davids và ông Humphreys cho rằng thuyết An-atta (không có Ngã = Not-Self) là do môt sự hiểu lầm của nhiều người theo Tiểu Thừa (Theravada). [5]
Đại thiền sư Nhật bản là Bassui Tokusho (1327–1387) đã bàn về Luân Hồi và Giải Thoát như sau:
«Nếu bạn muốn thoát vòng sinh tử luân hồi, bạn phải biết con đường thành Phật thẳng nhất, ngắn nhất.
«Mà con đường ấy không ngoài sự thực hiện được Bản Tâm mình. Bản Tâm hay Chân Tâm của mình, chính là Bản thể chân thực của quần sinh, có từ trước khi cha mẹ sinh ra ta, và luôn luôn, hiện hữu, trường tồn. Đó chính là BẢN LAI DIỆN MỤC của chúng ta... Cái Bản Lai Diện Mục ấy, khi chúng ta sinh ra, chẳng có phải tạo ra thêm; sau khi ta chết đi, nó vẫn còn y nguyên đó. Nó không có nam, có nữ; nó siêu xuất trên thiện ác. Không một cái gì có thể so sánh được với Nó, vì thế Nó được gọi là Phật tính...»  [6]
Tất cả Upanishads, Bhagavad Gita của Bà La Môn giáo, bằng cách này hay cách nọ, cũng chỉ dạy có MỘT CHÂN LÝ VĨNH CỬU ĐÓ. Nghĩa là nếu ôm ấp cái tiểu ngã mình, thời luân hồi muôn kiếp... Nếu nhận ra Đại Ngã, ra Atman, nếu rũ bỏ được vọng tâm vọng niệm, nếu kết hợp nhất như được với Đại Ngã, đó là Giải thoát. Đọc các Thánh Thư Ấn Giáo nói trên, mà có những tư tưởng trên đây dẫn đạo, thì sẽ thấy toàn bộ kinh sáng láng như ánh dương quang. Nếu không, sẽ như đi lạc trong một đêm ba mươi, đã không trăng sao, lại còn vân vũ mù mịt.
Giữa lòng biến thiên của cuộc đời tang thương vân cẩu, giữa những trận cuồng phong ác vũ của hồng trần, người thấu thị luôn luôn nhìn thấy Đại Ngã sáng chói trong lòng mình, nhờ vậy mà sẽ được hạnh phúc, sẽ được bình an, sẽ được giải thoát.
Mới hay:
Toàn Tri bất diệt, bất sinh,
Không nơi, không chốn; quần sinh khác vời.
Ngoài vòng sinh tử, thảnh thơi,
Xác thân dẫu nát, Ngài thời vẫn nguyên.
Nhỏ thì nhỏ nhít thua kim,
Lớn thời vũ trụ muôn miền vẫn thua.
Ẩn trong tâm khảm, lặng tờ,
Trong lòng muôn vật, mờ mờ ẩn thân.
Thấy Ngài, phải dụng mắt thần,
Mắt thần vừa mở, Chân Thần hiển dương.
Thấy Ngài bất biến trường tồn,
Không hình, không ảnh trong muôn hình hài,
Ai mà biết thế mới tài,
Thoát vòng sinh tử, muôn đời trường sinh... [7]
 Tóm lại bao lâu, con người nghĩ mình sống tách rời Chân Thể, Đại Thể, bấy lâu sẽ còn luân hồi. Bao giờ thấy mình với Đại Ngã, Đại Thể là một, sẽ siêu thoát. [8]
Đạo Lão cũng có cái nhìn y thức như vậy. Khẩu quyết đắc Đạo, thoát Luân Hồi đã được ghi trong quyển Thái Thượng Bảo Phiệt như sau:
«Tâm dữ Đạo hợp, tắc tạo Bồng Lai, Tam Đảo,
Tâm dữ Đạo ly, tắc tạo lục đạo tam đồ.» 
Dịch:
Lòng Người hợp với Lòng Trời,
Bồng Lai, Tam Đảo tức thời hiện ra,
Lòng người lòng Đạo lìa xa,
Tam đồ, lục đạo phôi pha, khốn nàn. 
Đạo Cao Đài cũng hoàn toàn tin có luân hồi.
Về phía Công giáo, thì ta có thể nói chắc chắn rằng từ Công đồng Constantinople họp vào năm 543 trở đi, thì Giáo hội nghiêm cấm không cho tin có luân hồi. Ai tin như vậy sẽ bị vạ tuyệt thông. Trước đó hơn ba trăm năm có Giáo phụ lừng danh là Origen (A.D. c. 185– c. 254) đã chủ xướng luân hồi, nhưng Công đồng Constantinople khi họp cũng phi bác thuyết trên của Giáo phụ. Sau này qua nhiều thế kỷ, vì sợ những hình phạt kinh khủng mà các Tòa Hình Án (Inquisitions) dành cho những giáo dân dám suy nghĩ khác với những điều Giáo hội dạy, nên không còn ai dám chủ trương Luân Hồi và do đó thuyết Luân Hồi hầu như bị tiêu diệt tại Âu Châu cho đến thế kỷ 19.
Ngay bây giờ, người Công giáo bắt buộc vẫn phải tin rằng con người chỉ sống có một kiếp. Sau đó sẽ lên thiên đàng lĩnh thưởng, hoặc xuống địa ngục chịu phạt đời đời kiếp kiếp. Ngoài ra Công giáo còn dạy tin có Luyện ngục, một nơi đền tội tạm thời, trước khi lên Thiên Đàng. Đến ngày tận thế, xác loài người đều sẽ sống lại, hợp với hồn để lên trời lĩnh thưởng hay xuống địa ngục chịu phạt đời đời.
Các học giả ngày nay khi so sánh hai cái nhìn về lai sinh, một của Công Giáo, một của Ấn Giáo, Phật giáo nói trên, thì đều có nhận định rằng:
Thuyết Luân hồi nghiệp báo, dù sao cũng công bằng hơn, từ bi hơn, hữu lý hơn.
Ngày nay nhiều người thấy khó chấp nhận rằng con người có thể bị đốt trong lửa hỏa ngục đời đời, vì tội mình làm nơi gian trần này, nhất là khi bị ghép là đã phạm trọng tội, nhưng thực ra chỉ là khinh lỗi.
Ta hãy tưởng tượng một người phạm một lỗi lầm hết sức nhỏ mọn, như ăn một miếng thịt ngày Thứ sáu, hay bỏ không đi xem lễ ngày Chủ nhật, vì lười biếng chẳng hạn, rồi nhỡ bất ưng chết đi, không kịp ăn năn thống hối, mà phải xuống hỏa ngục chịu phạt đời đời, thì thật là phi lý. Rồi ta lại tưởng tượng một tên gian ác, giết vô số mạng người, trước khi lên ghế điện, được linh mục hay mục sư đến giải tội cho; hắn thật lòng thống hối, và thề quyết không giết người nữa. Chịu tử hình xong, chàng ta có rất nhiều hi vọng lên thiên đàng hưởng phúc đời đời. Và còn trăm nghìn trường hợp lôi thôi, «tréo cẳng ngỗng» như vậy. Tất cả những thực tế phũ phàng ấy không thể nào thích hợp với quan niệm Chúa từ bi vô cùng, công bằng vô cùng được.
Các triết gia lớn như Origen, như các tác giả Dịch Kinh đều cho rằng «Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy», nghĩa là tới lúc chung cuộc, tất cả sẽ nhập vào lại Bản Thể của trời đất, vào Thái Cực.
Lão tử cũng viết:
Phù vật vân vân,               夫 物 芸 芸
Các qui kỳ căn.                   各 歸 其 根
Qui căn viết tĩnh,                 歸 根 曰 靜
Tĩnh viết phục mệnh,          靜 曰 復 命
Phục mệnh viết thường.     復 命 曰 常
(Đạo đức kinh, chương 16).
Dịch:
Muôn loài sinh hóa đa đoan,
Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.
Hoàn bản nguyên an nhiên phục mệnh,
Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng. 
Hiện tượng ấy được gọi là Apocatastasis, hay Restitution of all things. Luke có nhắc tới quan niệm này trong Actes 2:21, nhưng ngày nay không còn mấy ai hiểu được vấn đề này. Ngược lại, nếu theo đúng như chủ trương của Giáo hội, thì lúc tận thế vẫn còn có hằng triệu tỉ người bị phạt đời đời trong hỏa ngục. Nếu đúng vậy, thì thực là một sự ô danh muôn đời cho Chúa, một đấng thông minh vô cùng, toàn năng vô cùng, lân tuất vô cùng, và cho thấy Ngài đã hoàn toàn thất bại trong công trình đại tạo của Ngài...
Ông David Lloyd George (1863–1945) viết trong nhật ký của ông, đề ngày 3, tháng 9, 1919, một đoạn rất là dí dủm như sau:
«Khi còn tấm bé, mỗi khi nghĩ tới thiên đàng, tôi lại sợ hơn khi nghĩ tới hỏa ngục. Tôi tưởng tượng Thiên đàng, là một nơi có những ngày Chủ Nhật vô tận, và những lễ vô tận, mà ai cũng phải dự, không cách nào trốn thoát, bởi vì Chúa Toàn năng, và các đạo binh thiên thần của Ngài luôn để ý xem có ai trốn ra ngoài không. Thật là một cơn ác mộng. Cái trời qui ước với các thiên thần luôn luôn ca hát v.v... làm tôi tưởng chừng phát điên lên, và làm tôi trở thành vô thần mất 10 năm. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đầu thai... và lai sinh, chúng ta sẽ sướng hay khổ tùy theo hành động của ta ở đời này. Ví dụ, một người chủ chuyên làm cho thợ toát mồ hôi, thì sau sẽ bị sợ toát mồ hôi.» [9]
Có một điều lạ là nếu ta đọc Phúc âm một cách vô tư, thì ta thấy chính Chúa Jesus cũng tin có Luân Hồi vì Ngài tuyên bố rằng John the Baptist, đấng Tiền Hô Ngài, chính là Elijah tái sinh. (Mat. 17:9–13. Mat. 11:7, 10–11, 14–15).
Các Tông đồ cũng cho biết rằng dân chúng tưởng Chúa Jesus là John the Baptist, hay Elias, hay Jeremias, hay một tiên tri khác. (Mat. 16:13–14).
Chữ «Vòng Luân Hồi» (Vòng sinh của Orpheus) cũng đã thấy nhắc đến trong Thánh Thư James. Linh Mục Nguyễn Thế Thuấn khi dịch đoạn này cũng đã dùng trúng chữ: BÁNH XE LUÂN HỒI (James 3:6). (Xem KINH THÁNH, Nguyển Thế Thuấn dịch).
Bản VULGATA dùng chữ ROTAM NATIVITATIS NOSTRAE. Đó chính là chữ mà xưa Môn Phái Orpheus, Hi Lạp dùng để chỉ vòng Luân Hồi.
Nhiều bản dịch Anh, Pháp có ý dịch tránh đi.
Holy Bible (Red Letter edition) dịch: The Course of Nature.
Bible de Jerusalem dịch: le Cycle de la création và chú thêm rằng Vulgate dịch là LE CYCLE DE NOTRE EXISTENCE.
Nếu dùng đúng chữ như Bible de Jerusalem đã chú, thì LE CYCLE DE NOTRE EXISTENCE chẳng phải là Vòng Luân Hồi thì là cái gì?
Chúng ta sẽ hết sức thiếu sót, nếu khi ta bàn về Luân Hồi, mà không nhắc đến những tên các đại triết gia, hay các danh nhân, danh sĩ sau đây:
– Các triết gia Hi Lạp: Pythagoras (583–507 B.C.); Heraclitus Ephesus (c. 540–480 B.C.); Socrates (469?– 399 B.C.); Plato (427?–347 B.C.); Aristotle (384–322)...
– Các triết gia, văn gia La Mã: Cicero (106–43 B.C.); Vergil (70–19 B.C.); Ovid (43 B.C. – A.D. 17)...
– Các triết gia thuộc môn phái Tân Bá Lạp Đồ (Neoplatonists): Plotinus (A.D. 205–270); Porphyry (A.D. 233– c. 304); Iamblichus (A.D. c. 250– c. 330); Macrobius (thế kỷ 4–5)...
– Danh nhân, danh sĩ thuộc phái Gnosticism: Basilide; Valentinus; Marcion...
– Các danh nhân thời Trung cổ: Leonardo da Vinci (1452–1519); Paracelsus (1493–1541); Giordano Bruno (1548–1600); Leibniz (1646–1716)...
– Danh nhân danh sĩ Hồi giáo: Mansur Al-Hallaj (thế kỷ thứ 10); Jalalu L-Din Rumi (1207–1273)...
– Danh nhân danh sĩ thuộc môn phái Kabala (Mật tông Do Thái): Rabbi Isaac Luria (1534–1572); Rabbi Manasseh Ben Israel (1604–1657)...
– Các danh nhân thế kỷ 18: Voltaire (1694–1778); Benjamin Franklin (1706–1790); Immanuel Kant (1712– 1786)...
– Các danh nhân thế kỷ 19: J. W. Von Goethe (1749–1832); William Blake (1757–1827); Napoleon Bonaparte (1769–1821); G. W. F. Hegel (1770–1831); Arthur Schopenhauer (1788–1860); Honoré de Balzac (1799–1850); Victor Hugo (1802–1885)...
– Nhóm Transcendentalists Mỹ: Charles C. Emerson (1808–1836); Henri David Thoreau; (1817–1862); Walt Whitman (1819–1892); Edgar Allan Poe (1809–1849)...
– Nhóm Thông Thiên (Theosophists): Bà H.B. Blavatsky (1831–91); Henry Steel Olcott (1830–1907); Annie Besant (1847–1933)...
– Các danh nhân thế kỷ 20 như: William James (1842–1950); Carl G. Jung (1875–1961); Thomas Edison (1847–1931)...
Ấy là tôi chỉ mới kể sơ phác, và cho một danh sách tối thiểu. Mới hay: Tiên thánh, hậu thánh kỳ quĩ nhất dã (Mạnh tử)...
Quí vị nào muốn tìm kiếm thêm xem các bậc tiền bối kể trên đã nói gì nghĩ gì về Luân Hồi, xin đọc cuốn Reincarnation, The Phoenix Fire Mystery của Joseph Head và S.L. Cranston.
Thần học gia Công Giáo Hans Kung, tác giả quyển Le Christianisme et les Religions du Monde, (Editions du Seuil, Paris 1984), đã nhận định về vấn đề Luân Hồi đại khái như sau:
«Vấn đề này thường không được các nhà thần học Thiên Chúa Giáo coi trọng. Sống hơn một kiếp – Tái sinh (reincarnation), hay Luân hồi (metempsychosis) – phải chăng đó là những tư tưởng kỳ quặc, ngộ nghĩnh; hay chẳng qua là mê tín dị đoan có thế thôi? Phán đoán như vậy, người ta đã quên mất hai điều:
1. Người Ấn Độ không phải là dân duy nhất tin vào luân hồi, mà từ nhiều ngàn năm nay, một phần lớn nhân loại cũng đã tin như họ.
Không phải chỉ có vô số những dân tộc cổ sơ, những dân tin vào vật hồn (animism) hay vật tổ (totemism) mới tin có luân hồi. Mà còn tin có luân hồi 600 triệu dân Ấn, 300 triệu Phật tử ở Trung Hoa, Nhật Bản và Đông Nam Á. Có thể niềm tín ngưỡng của AÁn Độ nói trên về Luân Hồi đã ảnh hưởng sang tới Hi Lạp, và Tiểu Á. Nhưng có điều chắc chắn là từ thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên, Pherecydes of Syros là người đầu tiên đã truyền bá thuyết luân hồi tại Âu Châu, và sau đó môn phái Orpheus cũng chủ trương như vậy. Rồi đến Pythagoras, Empedocles, Plato, Plotinus, những triết gia thuộc phái Neo– Platonism, và những thi sĩ La Mã như Vergil. Ảnh hưởng của họ lan rộng cho tới những người thuộc môn phái Gnosticism, Manicheism, và giáo phái Cathari thời Trung Cổ sau này..
2. Ở Âu Châu và Hoa Kỳ, ngày nay, rất nhiều người tin có luân hồi: Trước hết là những người tin vào thần linh, thần bí (spiritualists, spiritists); sau đó còn có những người theo Thông Thiên của bà Blavatsky và Annie Besant; những người theo phái Nhân Linh Học (anthroposophy) của Rudolf Steiner. Họ còn nại ra vô số các văn gia, triết gia người Đức cũng chủ trương như họ. Đó là Kant, Lessing, Lichtenberg, Lavater, Herder, Goethe và Schopenhauer... Có lẽ nào mà chúng ta không thấy rằng nhiều người âu Châu đã nhờ tin vào thuyết luân hồi, mà lòng bớt trống rỗng... Cho nên thay vì gán ghép cho Thuyết Luân Hồi chiêu đề mê tín dị đoan, tưởng cũng nên cân nhắc trọng khinh lại cho đứng đắn...» (Xem sách trích dẫn, tr. 319–321).
 

3. VẤN ĐỀ LUÂN HỒI TRƯỚC MẮT MỘT SỐ DANH NHÂN HIỆN ĐẠI

– Henri Ford (1863–1947) đã trả lời như sau trong một cuộc phỏng vấn: «Tôi chấp nhận thuyết luân hồi năm tôi 26 tuổi... Làm công kia việc nọ cũng vô nghĩa, nếu ta không dùng được kinh nghiệm của ta trong kiếp này cho kiếp sau. Khi tôi tìm ra được thuyết Luân Hồi, tôi như tìm ra được một chương trình tổng quát. Tôi thấy tôi có cơ hội để thực hành ý nghĩ tôi. Thời gian không còn bị giới hạn. Tôi không còn là nô lệ của những cây kim đồng hồ... Thiên tài là do kinh nghiệm... Tìm ra được Luân hồi làm tôi thảnh thơi, thoải mái. Nếu bạn ghi lại cuộc đàm thoại này, thì xin hãy viết ra để người khác cũng thấy thoải mái. Tôi muốn chia sẻ cùng người khác sự thanh thản khi nhận ra rằng chúng ta có thể có những thời gian dài để mà sống... (Libro citato, p. 355–356).
– Albert Schweitzer (1875–1965) vừa là bác sĩ, vừa là mục sư, vừa là nhạc sĩ. Năm 1959 được mời sang Mỹ công du. Khi cập bến, ông cúi đầu chào mọi người, và dùng tiếng Pháp, tuyên bố với những người ra đón mừng ông như sau: «Thưa quí Bà, quí ông, khi còn trẻ tôi thật là ngu. Tôi đã học tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng La Tinh, tiếng Hi Lạp, tiếng Do Thái, nhưng không học tiếng Anh. Kiếp sau, tôi sẽ chọn tiếng Anh là tiếng ưu tiên nhất.» (libro citato, tr. 182.)
– Ông Wincenty Lutoslaski đã viết trong quyển sách ông nhan đề Tiền kiếp và Tái sinh (Pre-existence and Reincarnation), như sau:
Nếu ai muốn biết thái độ của Giáo Hội La Mã với vấn đề tái sinh ra sao xin hãy đọc quyển sách nhan đề: Monsignor Arcivescovo L. Puecher Passavalli, (tác giả là Attilio Begey e Allessandro Favero). Tác giả cho thấy rằng sau khi khảo sát đời sống và đọc các thư tín của Đức Tổng Giám Mục nói trên đã cho thấy Ngài bắt đầu tin có luân hồi năm Ngài 64 tuổi, sau khi đã nghe các môn đệ của một nhà thấu thị Ba Lan là ông Towianski thuyết giảng cho nghe về Tiền kiếp và Tái sinh. Đức Tổng Giám Mục cho rằng thuyết luân hồi không trái với lời giảng giáo của Giáo hội, và không bị Giáo Hội cấm đoán. Ngài sống tới 77 tuổi, và tin chắc rằng ngài đã sống nhiều kiếp ở trần gian, và sẽ còn tái sinh lại. (Ngài làm tổng giám mục cho tới khi chết.) (libro citato, p. 179).
– Đức Dalai Lama thứ 14 (1935– ), tức Đức Phật sống Tây Tạng hiện thời cho rằng Luân hồi sẽ sinh ra tình bác ái phổ quát, vì mọi người sẽ nhận ra rằng chẳng kiếp này thì kiếp khác đã từng là bà con, họ hàng với nhau... (libro citato, tr.100).
Thực ra đó cũng là tư tưởng hay...
– Gandhi nói: «Sau khi đã quẳng gươm đi, tôi chỉ còn có chén tình thương để tặng cho những người chống đối tôi. Tặng cho họ chén tình thương, tôi sẽ khiến họ thân cận với tôi. Tôi không nghĩ rằng con người mãi mãi sẽ là thù địch với nhau. Và vì tôi tin vào thuyết luân hồi, nên hi vọng rằng trong lai sinh, tái kiếp, tôi sẽ có thể ôm ấp nhân quần vào trong vòng tay thân hữu của tôi.» (libro citato, p. 476).
Thực là lời lẽ của một thánh nhân!
– Đại tướng Mỹ George S. Patton rất tin có luân hồi. Ông cho rằng mình đã từ nhiều kiếp là một võ tướng, đã từng dự trận chiến ở thành Troy Hi Lạp, đã phục vụ trong chiến đoàn của Coesar, đã đánh nhau với Hung Nô, đã theo đoàn quân thánh chiến sang Đất Thánh, đã đánh nhau với phe Highland Scott để bảo vệ dòng họ Stuart... Năm 1944, ông làm bài thơ sau:
So as through a glass and darkly,
The age-long strife I see
Where I fought in many guises
Many names – but always me.
So forever in the future,
Shall I battle as of yore,
Dying to be born a fighter,
But to die again once more.
(Daniel Cohen,The Mysteries of Reincarnation, Dodd, Meat & Co, New York, 1975, p. 6– 7)
Dịch:
Mờ mờ qua kính, qua gương,
Thấy mình chiến đấu, nhiễu nhương dài dài.
Thân này, xác nọ pha phôi,
Tên tuy có đổi, nhưng "TÔI" vẫn này.
Lai sinh, hậu kiếp bao nài,
Vẫn TÔI chiến đấu như thời xa xưa.
Thác đi, sống lại tha hồ,
Vẫn đời chiến sĩ như giờ khác chi...
 

4. ÍT NHIỀU MẨU CHUYỆN VỀ LUÂN HỒI

Nếu ta có ý đi thu thập các chuyện về luân hồi, đầu thai, chuyển kiếp trong các tiểu thuyết xưa nay, trong các báo chí, trong các chuyện truyền tụng trong dân gian, ta sẽ có vô số là chuyện.
Các nhà khoa học ngày nay cho biết nhiều chuyện về luân hồi, về tiền kiếp hậu thân, hoặc là do đương sự tự nhiên kể lại, nhớ lại hay kể lại khi bị thôi miên.
Nếu chỉ kể xong rồi chấp nhận thì không có gì là hay, nhưng các nhà khoa học lập tức đi điều tra, hoặc đi tìm nhân chứng, hoặc đi tra lại các sổ sách, hay các sách vở. Có những chuyện rất lạ lùng như là những người, khi bị thôi miên sau khi nhớ lại tiền kiếp của mình còn nói được trôi chảy những ngoại ngữ mà khi tỉnh, đương sự không hề biết.
Muốn sưu tầm những chuyện trên, ngày nay không phải là chuyện khó.
Trong quyển Have you lived before của Linda Atkinson, Dodd, Mead & Company, New York 1981, có ghi 5 chuyện.
Trong quyển Reincarnation, The Phoenix Fire Mystery, của Joseph Head và S. L. Cranston có thuật 15 chuyện.
Trong quyển The Mysteries of Reincarnation Daniel Cohen, Dodd Mead & Co New York, có ghi 5 chuyện.
Trong quyển Twenty Cases Suggestive of Reincarnations, có ghi 20 chuyện.
Từ khi tôi còn bé, đọc Chinh Tây, tôi đã thấy chuyện Dương Phàm, chồng hụt của Phàn Lê Huê, đã đầu thai làm Tiết Cương để báo thù họ Tiết. Tôi cũng còn nhớ đã đọc một chuyện nhan đề là Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lúc ấy tôi đã thấy thích thú.
Sau đây, tôi chỉ sao chép lại một vài chuyện để mua vui.
1. Chuyện một phụ nữ Anh, năm 1961, kể lại tiền kiếp là một người theo Giáo phái Cathars thế kỷ XIII tại miền Nam nước Pháp, thế kỷ 13.
Bác sĩ Arthur Guirdham năm 1961, có chữa một phụ nữ 36 tuổi, chuyên môn bị ác mộng.
Ác mộng bắt đầu từ năm 12 tuổi. Năm 1961, bà ta đã có chồng, nhưng vẫn bị ác mộng thường xuyên như vậy. Bà luôn mơ thấy chém giết, và khi mơ bà thường la lớn, đến nỗi chồng bà lo rằng hàng xóm sẽ bị mất ngủ.
Vài tháng sau, bà ta viết lại những giấc mộng, và thuật lại những người đã gặp, những tên đã nghe, những thơ đã viết ra, khi mộng mị.
Bác sĩ Guirdham ngạc nhiên khi thấy những bài ca đã được viết là thứ tiếng Pháp thời Trung cổ xưa. Bác sĩ Guirdham viết thư hỏi một vị giáo sư linh mục, tên là Nellie ở Toulouse, thì được vị linh mục này cho biết rằng những chuyện mà đương sự kể lại có liên quan đến một giáo phái xưa gọi là Cathars hay Cathari ở Toulouse, Pháp thế kỷ XIII (giáo phái này đã bị Công Giáo dùng võ lực tiêu hủy).
Bà ta còn kể lại rằng bà ta đã bị Giáo hội Công giáo thiêu sinh, và trước đó đã bị cầm tù trong một hầm kín của một giáo đường. Năm 1967, Bác sĩ Guirdham, sang Toulouse để điều tra. ông xin phép đọc các bản văn chép tay thế kỷ XIII, và thấy rằng những gì thân chủ ông kể lại rất là chính xác...Ông cũng đã tìm lại được trong các văn khố những bài hát đúng như thân chủ ông đã chép lại. Những hầm kín giam người, mới đầu tưởng là không có, sau mới thấy là có thật. Bà ta còn kể lại những lễ nghi, phẩm phục của giáo phái Cathars nói trên, và sau khi truy cứu, tất cả đều phù hợp.
Bác sĩ Guirdham cho rằng vụ này bắt buộc ông phải tin có Luân hồi. (Xem sách Reincarnation and the Phoenix Fire Mystery của Joseph Head và S. L. Cranston, tr. 398– 400.)
2. Chuyện nhạc sĩ tí hon Tom, con một nô lệ da đen, lại mù từ sơ sinh.
Ông Perry H. Oliver, một nông dân, thuộc quận Muscogee, Georgia có nô lệ là hai mẹ con người da đen. Đứa con nô lệ đó bị mù từ sơ sinh. Năm 1850, ông đem hai mẹ con nô lệ đó bán cho tướng James Bethune ở Columbus. Ông Bethune đem nô lệ nhỏ đó về trang trại, và đặt trên là Thomas Green Bethune. Tuy mù, nhưng Bethune rất thích nghe tiếng gió rì rào trong những ruộng ngô, và tiếng mưa trên trên những lá ngô. Năm Tom lên 4 tuổi, ông Bethune mua một đàn dương cầm cho các con gái ông. Các con gái ông sớm nhận định rằng mỗi khi chúng đàn, là mặt mày của nô lệ tí hon trở nên hớn hở.
Một đêm, khi cả nhà đã đi ngủ, bỗng nghe tiếng đàn trong phòng vẽ. ông Bethune xuống kiểm soát. ông thấy phòng tối như mực, nhưng vẫn có tiếng đàn. Thắp đèn lên, ông thấy bé Tom đang say sưa đánh đàn.
Biết Tom có thiên tài, ông đón một nhạc sư về dạy Tom. Nhạc sư sau khi nghe Tom đánh đàn, liền thoái thác không dám nhận dạy, vì lẽ Tom chơi đàn còn trội hơn ông. Năm Tom lên 7, đã bắt đầu trình diễn dương cầm ở Columbus, và được nhiệt liệt hoan hô. Năm 11, Tom đã là một nhạc sĩ trứ danh, đi trình diễn khắp nước Mỹ, và ngoại quốc. Tom chơi đủ các bài của Beethoven, Mendelssohn, Bach, Chopin... và thuộc lòng khoảng 5000 bản đàn. Cứ nghe đánh một bài mới, là Tom đánh lại được, không hề sai. Năm 1860, khi Tom trình diễn ở Washington D.C., nhiều người đòi thử tài Tom. Họ đánh cho Tom nghe hai bản đàn liền, một dài 15, một dài 20 trang. Nghe một lần xong, Tom đánh lại cả hai bài đúng như in. Một lần khác, nghe xong Third Concerto của Beethoven, Tom lập tức đánh lại. Có cái lạ là Tom chẳng những vừa mù, lại vừa si, chỉ biết được có khoảng 500 tiếng Anh. Tom chết tại Hobeken năm 1908. Cũng nên nhận định rằng, thoạt chơi đàn, khi 4 tuổi, tuy không hề được ai dạy, Tom đã sử dụng được tất cả các phím đàn, từ phím đen đến phím trắng.
Chuyện này, nếu không chấp nhận tiền kiếp không sao hiểu được. (Xem sách đã trích dẫn, tr.409–411.)
Tôi có thể kể thêm vô số truyện khác, nhưng đó không phải là mục đích của tôi khi viết bài này.
 

5. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TÔI VỀ VẤN ĐỀ LUÂN HỒI

– Sự đóng góp của tôi chia làm mấy giai đoạn.
A. Trong giai đoạn đầu tiên, trong khi suy tư về sự sinh thành, biến hóa của vũ trụ quần sinh, tôi đã tự hỏi như sau:
1. Hỏi: Trời sinh ra vũ trụ quần sinh bằng các nào?
Thưa: Trời đã sinh ra muôn loài không phải bởi không, mà bằng cách phân hóa, phóng phát, tán phân chính bản thể mình.
2. Hỏi: Sinh hóa để làm gì?
Thưa: Đó chính là sự phát huy, sự biểu dương, sự hiển dương của Trời.
3. Hỏi: Bản thể thời vô biên, hiện tượng thời hữu hạn. Làm sao cho hữu hạn theo kịp được vô biên; thời gian theo được vĩnh cửu?
Thưa: Bằng cách biến hóa có chu kỳ liên tục kế tiếp nhau.
4. Hỏi: Nếu trời đất này cáo chung, thì quần sinh lúc ấy sẽ ra sao?
Thưa: Muôn loài sẽ thể nhập lại vào lòng Trời; muôn hiện tượng sẽ qui căn về Bản thể. 
Tôi nhận định rằng: Nhân nào sinh Quả ấy. Nếu Trời là NHÂN, là NGUYÊN NHÂN vạn hữu, thì sau những chu kỳ biến hóa đa đoan, rốt cuộc QUẢ Trời sẽ phải sinh lại.
Khi bàn về quể KIỀN, tôi đã viết:
Thóc gieo thành lúa, thành bông,
Tuần hoàn, thóc vẫn thủy chung là mình.
Trời dầu vạn trạng thiên hình,
Nhưng mà chung cuộc sự tình chẳng hai.
Người xưa nói: Thiên địa tuần hoàn, chung nhi phục thủy, chính là nhìn thấy rằng THỦY, CHUNG phải NHƯ NHẤT sau một chu kỳ biến hóa.
Âu Châu cũng có quan niệm này khi nói Alpha bằng Omega, hay khi dùng hình vẽ dưới đây: 
'Rho' 'Tau'có thể đọc thành Rota. Mà Rota có thể hiểu được là VÒNG BIẾN THIÊN, VÒNG DỊCH, hay là một CHU KỲ BIẾN HÓA. Hình ảnh trên gợi ý rằng: Sau một vòng biến hóa sẽ thấy Omega (Chung) chính là Alpha (Thuỷ) nguyên thủy.
Tư tưởng cho rằng «Thiên địa tuần hoàn chung nhi phục thủy», hay «Thủy chung như nhất»; hay «Nguyên thủy phản chung» của DỊCH (Hệ từ thượng IV) họa hoằn lắm mới có được một người bên trời Âu hưởng ứng. Origen (185– 251? hay 257?) một giáo phụ công giáo duy nhất đã dám nói rằng lúc chung cuộc biến hóa muôn loài sẽ trở lại nguyên trạng, tức là trở laïi vào lòng Tạo hóa. Tiếc thay tư tưởng này đã bị Công giáo phi bác trong Công Đồng Constantinople năm 543.
Âu Châu gọi hiện tượng: «Chung nhi phục thủy» này là Apocatastasis, hay Re-establishment of all things. Môn phái Stoics của Hi Lạp và sau này Nietzche cũng có chủ trương này. Trong Tân ước, ta thấy thánh Luke trong Công vụ sứ đồ 3: 21, cũng có đề cập đến quan niệm này, nhưng không ai để ý khai thác.
Vulgate ghi: tempora restitutionis omnium.
Holy Bible (Red letter edition) dịch: the times of restitution of all things.
Bible de Jerusalem dịch: temps de la restauration universelle.
Cũng nên ghi nhận rằng gần đây Linh Mục Teilhard de Chardin chủ trương con người sẽ tiến hóa tới điểm Omega, tức là sẽ trở thành Thần Chúa trong một tương lai còn xa lắc.
5. Hỏi: Tại sao lại có biết bao nhiêu điều như tuồng là dang dở, như tuồng là chếch mác bất toàn, trong vũ trụ này?
Thưa: Ta tưởng vậy, vì ta không nhìn được tấn tuồng đại tạo từ đầu đến cuối. Một vở kịch lớn diễn ra trong vòng bốn tiếng; ta vào giữa chừng xem trong vòng năm phút, rồi đi ra phê bình là quá dở. Như vậy là tại ta, không phải tại vở kịch.
Càng trông thấy bất toàn, khuyết điểm bao nhiêu, tôi càng tin chắc đó là vì chu kỳ biến hóa mới còn đang ở giữa chừng.
Nhìn vào chu kỳ biến hóa của nước, tôi thấy đầu hết, nước ở trên trời, trong vắt như ngọc thạch. Rồi nước thành mưa, sa xuống trần gian, chảy xuống sông, xuống biển, xuống cống, xuống rãnh. Trần hoàn tha hồ dùng nước, tha hồ làm cho nước ô uế. Nhưng có lúc nước lại bốc hơi lên để bay lai lên trời, tìm lại được cái bản tính trong trắng, khinh phiêu của mình.
Nhìn vào chu kỳ của ĐẠM KHÍ cũng vậy. Lúc mà thấy cây cối thối nát, rữa mục chính là chặng đường thấp nhất mà ĐẠM KHÍ phải băng qua trong chu kỳ biến hóa, để rồi ra mới trở lại được lại thể khinh thanh, thuần túy của nó.
Trong người có máu đỏ, máu đen. Đừng thấy máu đen, mà bảo rằng nó không thể hóa đỏ. Đừng thấy máu đỏ, mà bảo rằng nó không thể hóa máu đen.
B. Khi khảo sát về Nho giáo, về Dịch, và tìm hiểu về con người tôi đã dùng:
– Ba vòng tròn đồng tâm: Vòng trong cùng là Thiên (Thần); vòng giữa là Nhân (Tâm, hay Hồn); vòng ngoài cùng là Địa (Xác). Đó là vì tôi dựa vào Thuyết Tam Tài. Từ đó tôi mới xác quyết rằng trong người có THẦN.
– Bảy vòng tròn đồng tâm tượng trưng cho:
1– Thần
2– Khí (phần hồn thanh)
3– Tâm (phần hồn trọc)
4– Trí
5– Xác
6– Gia đình, quốc gia, xã hội.
7– Ngoại cảnh, nghề nghiệp
 Sau khi vẽ xong 7 vòng trên, tôi không còn quan niệm rằng con ngươì chỉ là một sinh vật có hồn có xác, mà tôi định nghĩa rằng con người là TẤT CẢ. Trong tâm linh, thì trực tiếp với THẦN LINH nội tại, ngoài xác thân thì có thể liên lạc với và chịu ảnh hưởng của ngoại cảnh, của quốc gia xã hội, và cả của các vì tinh tú cùng tít trên trời thẳm.
Tôi nghĩ ra bảy vòng vì lẽ Dịch có Thái cực và 6 hào. Tôi dùng 7 vòng để cắt nghĩa các hiện tượng đạo giáo, gia đình, chính trị, quốc gia, xã hội, nghề nghiệp. Sau này tôi đã dùng bảy vòng tròn này để cắt nghĩa về LUÂN HỒI.
Mới đầu tôi chỉ dùng bảy vòng tròn để bao quát mọi hiện tượng của một con người trên mọi thần linh, tâm lý, ý thức, sinh lý, nội giới, ngoại giới v.v...
Ý tưởng dùng 7 vòng tròn để cắt nghĩa LUÂN HỒI, đến với tôi một cách hết sức bất ngờ, và lý thú.
Năm 1961, khi mà quân đội Hoa Kỳ mới đem những đoàn trực thăng vào Việt Nam, khi mà tôi còn là y sĩ trưởng Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng, một hôm tôi được các đồng nghiệp Hoa Kỳ, đóng ở phi trường cạnh đó, mời sang xem sự hoạt động của đài radar mới thành lập.
Họ cho tôi vào xem trong đài quan sát radar. Tôi nhớ rằng trong phòng đó ngoài những tấm bản đồ quân sự lớn ra, còn có những màn ảnh trắng, trên có vẽ nhiều VÒNG TRÒN ĐỒNG TÂM, và có phân sẵn đông, tây, nam, bắc và Tâm Điểm.
Họ cắt nghĩa rằng TÂM ĐIỂM tượng trưng cho thành phố Đà Nẵng, là chính thành phố Đà Nẵng. Mỗi vòng tròn tượng trưng cho 1 khoảng cách Đà Nẵng ví dụ là 20 km. Hình ảnh các máy bay đều hiện ra trên màn ảnh. Và tùy theo hướng di động của máy bay, tùy theo máy bay đang ở trong vòng tròn nào, người quan sát sẽ biết máy bay đó hiện cách Đà Nẵng là bao nhiêu cây số, và đang ở hướng nào. Ví dụ như có một hình ảnh máy bay đang ở vòng tròn trong cùng gần tâm điểm, nhưng đang bay hướng ra ngoài, thì chắc máy bay đó sẽ rời xa Đà Nẵng dần dần. Ví dụ có một hình ảnh lạ, từ vòng ngoài cùng nghĩa là khoảng 100 km cách Đà Nẫng, nhưng đang bay vào hướng Trung Tâm. Nếu xét ra không phải là máy bay nhà, mà là máy bay địch, thì lập tức phải báo động cho các cơ quan hữu trách để phòng bị, v.v...
Lúc ấy lập tức tôi nhìn thấy cơ chế của Luân Hồi. Tôi thấy rằng Thượng Đế ở trung cung, trung điểm của lòng mỗi một con người. Từng giây, từng phút, Ngài thấy con người đang hoạt động trên bình diện nào, đang chú tâm về vấn điều gì. Giả sử suốt ngày đêm, một con người nào đó chỉ lo về vấn đề cơm áo, vấn đề nghề nghiệp, tức là ở mãi vòng thứ bảy bên ngoài cùng, mà bảo rằng kẻ đó vào được nước trời, tức là vào được tâm điểm của vòng tròn trong cùng nhất, thì đó là một điều không thể xảy ra. Cho nên khi Chúa Jesus nói: «Người giàu có vào nước thiên đàng, thực khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim» (Luke 18:25; Mat.19:24; Marc 10:25), chính là vì lẽ đó.
Hình vẽ bảy vòng tròn, nếu được vẽ thêm hai mũi tên hướng ngoại, hướng nội, và nếu được hiểu là «TRẺ ĐI RA, GIÀ ĐI VÔ», ta sẽ hiểu ý nghĩa vòng DUYÊN NGHIỆP một cách khác. Thay vì coi luân hồi và nghiệp báo là sự «ân đền, oán trả» hết kiếp này qua kiếp khác, ta có thể quan niệm rằng đã sinh ra đời, ai cũng có bổn phận trở về với Đạo, với Trời, hợp nhất với Đạo với Trời, khác nhau chăng là kẻ trước người sau; người nhanh kẻ chậm mà thôi.
Nếu ta nhìn thấy rõ các tầng lớp, các bình diện của con người chúng ta, nếu chúng ta biết rằng trở về với Đạo với Trời là đi sâu vào tâm điểm lòng ta, thì ta có thể về với Đạo với Trời trong phút giây. Nếu không được vậy, ta có thể vừa đi ra, vừa đi vô trong một kiếp người. Nếu ta không biết đường, biết phương hướng, ta có thể mất nhiều kiếp, hay trăm ngàn kiếp. Dẫu sao, ta chỉ có thể dừng chân khi về tới TRUNG ĐIỂM. Thế tức là «CHỈ Ư CHÍ THIỆN» theo Nho giáo.
Ngoài mục đích chính yếu là trở về với Đạo với Trời, ta còn có nhiều bổn phận khác nữa. Nói cách khác ngoài bổn phận TIẾN HÓA tới TINH HOA HOÀN THIỆN, ta còn có bổn phận THÍCH ỨNG với HOÀN CẢNH.
Cho nên tôi hiểu DUYÊN NGHIỆP, NGHIỆP QUẢ là những bổn phận mà con người phải làm, những công trình mà con người cần thực hiện, những tấn tuồng mà con người cần phải đóng trên sân khấu đời và trên sân khấu vũ trụ. Và tôi hiểu LUÂN HỒI là những chặng đường mà tôi đang đi để về với Đạo với Trời.
Mỗi kiếp sống của tiểu ngã là một kiếp để ta tăng thêm hiểu biết, tăng thêm kinh nghiệm, để ta tiến gần thêm về phía Đại Ngã. Trời thực sự luôn luôn dẫn dắt muôn loài một cách hết sức tế nhị.
Suy tư về các kiếp khác nhau, mà con người phải trải qua để trở về lòng Đại thể vô biên tận, tôi thấy, tùy cao thấp mà mỗi kiếp cho chúng ta phương tiện nhiều hay ít, độ số sướng khổ nhiều hay ít, tuổi thọ cao hay thấp. Đây là tôi bàn chung, chứ không hạn hẹp nguyên vào một kiếp con người.
Chẳng hạn con vật thua con người, vì bộ óc chúng không mấy phát triển, và chúng không có một ngôn ngữ phong phú như chúng ta.
Chúng ta phải tâm niệm rằng trong bất kỳ kiếp sống nào, chúng ta sẽ không được ù lì, thụ động, mà phải phát huy các tài năng còn tiềm ẩn trong ta, để ngày một trở nên tinh tế, ngày một trở nên sống động, khinh khoát, từ ái, khoan hòa, bao dung, quảng đại, và không bao giờ được đóng khung chúng ta vào một vai trò nào, một hoàn cảnh nào.
Nói cách khác, khi chúng ta đã cầm tấm bản đồ luân hồi và giải thoát trong tay, tấm bản đồ tiến hóa trong tay, chúng ta tha hồ chu du trong vũ trụ. Tuy nhiên, dẫu ở trong cảnh nào, dù sướng mấy đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể vì MÊ CẢNH mà quên mục phiêu tối hậu của chúng ta, đó là HỢP NHẤT VỚI BẢN THỂ VŨ TRỤ BẤT BIẾN, TRƯỜNG TỒN, VÔ NGÃ, VÔ PHƯƠNG SỞ nhưng VÔ SỞ BẤT TẠI.
Chúng ta phải luôn luôn tâm niệm rằng bao lâu chúng ta còn sống xa lìa Đại Thể, bấy lâu chúng ta còn LUÂN HỒI.
Bao lâu chúng ta còn ở trong vòng hình, danh, sắc tướng, bấy lâu chúng ta còn luân hồi. Mà đối với các nhà thấu thị Á Đông, thì dẫu là đã vào hàng thượng tiên, thượng thánh, nếu chưa hợp nhất với Đại Ngã, với Bản Thể, thì cũng vẫn là còn ở trong vòng LUÂN HỒI...
Bao lâu còn sống trong vòng Âm Dương đối đãi, trong vòng không gian thời gian, bấy lâu còn luân hồi.
Trong khi ghi lại những tư tưởng của tôi đã có từ khoảng 1960, đồng thời trong những ngày gần đây đọc thêm ít sách nói về LUÂN HỒI, tôi thấy những tư tưởng của tôi kể trên, như đã được đồng vọng lại khắp nơi trên thế giới. Đó cũng là một sự yên ủi hết sức lớn lao.
Ví dụ, sách Zohar, một kỳ thư bí điển của mật tông Kabbalah Do Thái đã nhận định về LUÂN HỒI như sau:
«Mọi linh hồn đều phải trở về với Bản thể Tuyệt đối mà từ đó chúng đã phát sinh. Muốn đạt mục tiêu đó, chúng phải triển dương, phải thực hiện được sự hoàn thiện mà mầm mộng đã được cấy sẵn trong chúng. Nếu chúng không thực hiện được trạng thái trên trong kiếp này, thì phải bắt đầu một kiếp khác, hay kiếp khác nữa, cứ như thế cho đến khi thực hiện được tình trạng HỢP NHẤT VỚI THIÊN CHÚA.» [10]
Nhà thần học Thiên Chúa Giáo Paul Tillich chẳng hạn cũng đã bàn về Luân Hồi, Niết Bàn như sau:
«Niết Bàn trượng trưng cho đời sống vĩnh cửu, và một đời sống tuyệt đối viên mãn, chứ không phải là một sự chết chóc, hủy diệt, hư vô. Đời sống Niết Bàn siêu xuất lên trên mọi phân biệt nhĩ, ngã; chủ, khách; nó là mọi sự vì không nhất định là cái gì...
«Nhưng muốn đạt tới Niết Bàn, cần phải kinh qua nhiều kiếp. Những kiếp này luân phiên nối tiếp nhau trên triền thời gian, và cũng có pha phách khổ đau, được coi như là những sự trừng phạt.
«Sau khi đã thoát được hết các kiếp sống lệ thuộc vào thời gian, đời sống vĩnh cửu mới bắt đầu. Cá thể siêu thăng thành Toàn thể. Một sự tái hồi NGUYÊN CĂN đã xảy ra...» [11]
Ông Huston Smith cũng nhận định về Luân Hồi và Giải Thoát một cách hết sức sâu sắc như sau:
«Chữ "Personality" ("cái tôi") là do chữ la tinh Persona (mặt nạ) mà ra. Người kịch sĩ đeo mặt nạ để bước vào sân khấu trình diễn vai trò mình đóng. Mặt nạ hóa trang như để nói lên cái vai trò diễn xuất, còn người thủ vai thì ẩn bên trong, như kẻ vô danh. Cái mặt nạ hóa trang ấy chính là "cái ta", "cái tôi" ta xưng khi đang đạo diễn vai trò nào đó trong tấn kịch vĩ đại của cuộc sống con người.
«Nhưng khổ nỗi là chúng ta đã quên mất không phân biệt Con Người Thực của chúng ta với những "cái tôi giả tạo" ta mang để đóng trò. Những cái tôi giả tạo ấy, như xống áo, sẽ được cởi ra khi đóng xong vở tuồng.
«Chúng ta đã bị hoàn toàn mê hoặc bởi cuộc sống hiện tiền, mà quên hết những vai trò đã đóng trong các vãng kiếp, cũng như không ngờ được những vai trò sẽ đóng trong các lai sinh. Chúng ta có bổn phận phải sửa lại sự sai lầm đó. Con người phải biết hồi quang quán chiếu để nhìn thấu qua, và tiêu hủy vô số những lớp lang của các "cái tôi", các mặt nạ hóa trang tạm bợ, để rốt cuộc tìm lại được "con người chân thực, vô danh, rốt ráo" ẩn nấp đàng sau.
«Trong chuyến lữ hành ấy, con người không bao giờ cô đơn, và lạc lõng. Từ trước đến sau, từ đầu đến cuối, Atman, cái Chân tâm, cái Cốt Lõi con người ấy, cái Thực Thể duy nhất ấy, lúc nào cũng như là một điểm Linh quang ẩn áo trong tâm khảm con người, đồng thời lại cũng vô biên, vô tận như một bầu trời vô hạn, bất khả phân và tuyệt đối.» [12]
Đã từ lâu tôi coi Luân Hồi, Giải Thoát như là một hệ luận tất nhiên của Thuyết «Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể», với chủ trương «Nhất tán vạn, vạn qui Nhất», mà trong vòng mấy chục năm nay tôi đã cố công trình bày, và khai triển. Tôi cũng cho rằng học thuyết «Thiên địa vạn vật đồng nhất thể» này là chủ trương chính yếu của thánh hiền kim cổ, thì Joseph Head và S. L. Cranston trong quyển Reincarnation The Phoenix Fire Mystery, sau khi tổng hợp lại các mật giáo đông, tây, kim cổ, đã viết nơi các trang 502, 503, đại khái như sau:
Mật tông, mật giáo, và ngay cả Kabala cũng chủ trương như Ấn giáo, Phật giáo rằng từ muôn thủa có một Bản Thể vô hình danh, bất khả tư nghị, hằng cửu, nhưng có hai bề động tĩnh thường xuyên đắp đổi. Đạo sĩ Manu gọi đó là "ngày" và "đêm" của Brahmâ. Brahmâ như thể có thức có ngủ.
Khi động, khi bắt đầu thời kỳ phóng phát, triển dương, thì từ lòng sâu Nguyên Thể thần linh đó, tung tỏa ra những huyền năng, huyền lực vô biên. Những huyền năng đó được thi triển, và tác động trên nhau, theo những định luật vĩnh cửu để cuối cùng sinh ra cái vũ trụ hình tướng này.
Cũng như vậy, khi đến thời kỳ tĩnh, thì Nguyên thể Thần Linh đó, như co lại, như thu hấp lại, và tất cả những gì là vũ trụ hữu hình, hữu tướng này, dần dà sẽ tan biến đi, hóa giải hết đi, và thu hút lại vào lòng Nguyên Thể.
Lúc ấy, vũ trụ tưởng chừng như lại hoang vu, mù mịt...
Nếu dùng hai chữ Hô Hấp mà mô tả sự Thành, Trụ, Hoại, Không kể trên, thì HÔ (thở ra) là sinh ra vũ trụ quần sinh; mà HẤP (hít vào) là thu nhiếp vũ trụ quần sinh trở về lại lòng Bản thể.
Tiến trình này đã có như vậy từ thủa đời đời; vũ trụ hữu hình hiện nay chẳng qua là như một mắt xích trong cái giây xích vô biên tận ấy. [13]
C. Tới đây tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng tuy Đông và Tây hiện nay đã xích gần lại với nhau trong vấn đề luân hồi, nhưng âu Mỹ hiện nay chỉ hiểu luân hồi là TÁI SINH (reincarnation), còn Á Châu hiểu chữ Luân Hồi bao quát hơn. Đối với người Á Đông, con người chết đi không cứ là sẽ đầu thai lại làm người, mà tùy nghi có thể thành tiên, thành thần, hay có thể làm loài vật, làm ma quỉ. Khảo kỹ tín ngưỡng dân gian, ta thấy con người sau khi chết không cứ sẽ tái sinh lại nơi hạ giới, mà còn có thể lên trung giới, thượng giới.
Tất cả các kiếp trên tuy có thể lâu mau khác nhau, nhưng không có gì là vĩnh cửu.
Cho nên tiên thánh cũng có thể GIÁNG TRẦN hay GIÁNG PHÀM.
Danh nhân, danh sĩ có thể có TIỀN THÂN, HẬU KIẾP. Tục truyền Lưu Bá ôn là hậu thân của Gia Cát Lượng.
Người thường có thể đi ĐẦU THAI.
Sâu bọ có thể LÊN LÀM NGƯỜI.
Con người có thể đọa xuống kiếp vật: Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai...
Từ kiếp dưới lên kiếp trên gọi là THOÁT KIẾP.
Từ kiếp trên xuống kiếp dưới là bị Đọa hay bị Trích. Vì thế có chữ TRÍCH TIÊN.
Từ kiếp này sang kiếp khác gọi là Hóa Kiếp, hay Chuyển Kiếp (Transmigration).
Ngay đức Vishnu trong các tiền kiếp cũng có những kiếp vật, như kiếp voi, kiếp cá, kiếp rùa. Người Ấn Độ tả lại những chuyện ấy không hề có một mặc cảm gì.
Những từ ngữ tôi vừa dùng đó là những từ ngữ của dân gian, chứ không phải là của tôi tạo ra.
Tôi vẫn mường tưởng như là muôn loài được xếp loại như sau:
1. Theo tỉ trọng (density), càng khinh thanh thì càng đi lên trên, càng trọng trọc thì càng sa xuống thấp.
Khinh thanh thì dễ cảm xúc, thì «nhạy cảm»; trọng trọc thì cứng rắn, khó lay lòng.
Tục ngữ có câu:
Quân tử ư hử thì đau,
Tiểu nhân vác đá đánh đầu như không. 
2. Theo trình độ phát quang và tùy theo màu sắc. Càng trong sáng thì càng lên trên, càng mờ đục thì càng sa xuống thấp.
3. Tùy theo «năng lực», tức là tùy theo trình độ mạnh yếu của cá thể, tùy theo những khả năng, những tài năng sẵn có của cá thể. Chữ năng lực này cũng có thể hiểu là ĐỨC, là ÂM ĐỨC. Âu Châu gọi đó là: VERTU, hay VIRTUE, hay VIRTUS. Tất cả đều hàm nghĩa là 'năng lực', là 'khả năng'.
4. Theo bản chất. Nguyên chất là Tinh, tạp chất là Thô. Nhất là Tinh; Vạn hay Đa Tạp, Bác Tạp là Thô.
Cho nên đạo Nho dạy TINH, NHẤT; Bà La Môn, Phật dạy BẤT NHỊ PHÁP MÔN.
5. Theo vị trí có được trong vòng Đại Chu Thiên. Càng Tinh thì càng gần tâm điểm, càng Tạp thì càng xa Tâm.
Vào được Tâm là Giải thoát.
Đạo Trung Dung tức là đạo dạy con người trở lại được với TRUNG TÂM HAÈNG CỬU.
6. Tóm lại TRUNG, TINH, NHẤT tượng trưng cho Hoàn Thiện, cho Lý tưởng. Bác tạp, ô trược là khiếm khuyết.
7. Theo hành động. Lành là những gì làm ơn ích cho mọi loài; dữ là cái gì gây họa hại cho mọi loài.
8. Tùy theo Mê và Ngộ. Mê là ở trong Phân Biệt, nghĩ mình tách rời Đại thể và quần sinh vũ trụ. Ngộ là đã có được cái nhìn VÔ PHÂN BIỆT:
Ta và trời đất cùng sinh,
Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.
(Trang tử, Nam Hoa Kinh, Tề vật luận).
9. Chỉ có cái hồn biến thiên – cái tiểu ngã – là đi đầu thai, hay chuyển kiếp.
– Cái xác sẽ tan rữa sau khi hồn lìa xác, vì nó là «tứ đại giả hợp».
Thành phần đất, nước, gió (khí), lửa, sẽ tùy nghi, tùy duyên mà nhập vào đất đai, vào cây cối, vào muông thú, vào con người, và như vậy vẫn luôn luôn đóng góp vào tấn kịch đời thường nhật diễn ra triền miên, bất tận.
– Đại Ngã, hay Thần thiêng, thời siêu xuất Luân Hồi.
Tất cả những yếu tố trên là những tiêu chuẩn có thể dùng để hiểu biết về luân hồi và giải thoát.
Để kết thúc chương này, tôi mượn lời thơ Les Contemplations của Victor Hugo:
Kìa sinh khí chứa chan lai láng,
Rung lá cành, làm sáng cỏ hoa.
Tung hoành từ đá đến hoa,
Lại từ thảo mộc chuyển qua muông cầm.
Từ nham thạch chuyển dần tới bạn,
Có lẽ đâu tiêu tán nơi người.
Không, không, sinh khí chơi vơi,
Đường mây ai cản, đõöôøng trời ai ngăn?
Sức vô địch băng băng hướng thượng,
Tiến sâu vào vô lượng vô hình.
Làm cho tràn ngập thái thanh,
Một trời sáng quắc, treo tranh non bồng.
Xán lạn với muôn thần, vạn thánh,
Ánh hào quang tạo cảnh dao trì.
Thần linh sánh với tiên tri,
Thiên thần rực rỡ quang huy trong ngoài.
Sinh khí ấy láng lai vô tận,
Bắc thang sao, muôn dặm thiên thai.
Từ nơi ngạ quỉ, tuyền đài,
Tung lên cho tới muôn loài thần tiên.
Thấp với cao, tương liên kết giải,
Muôn thánh thần chắp nối duyên tơ.
Băng qua muôn triệu cõi bờ,
Nối liền sao sáng, cùng là trời mây.
Cao với thấp đó đây ở hết,
Từ biên khu tới miết trung tâm.
Băng chừng muôn dặm muôn tầm,
Rồi ra biến dạng vào tâm khảm Trời...

CHÚ THÍCH
[1] Joseph Head & S. L. Cranston, Reincarnation, The Phoenix Fire Mystery, Julian Press, New York, 1977, p. 436.
[2] Daniel Cohen, The Mysteries of Reincarnation, Dodd Mead & Co, New York, 1975, p.5.
[3] Xin xem Joseph Head va S.L. Cranston, Reincarnation, The Phoenix Fire Mystery, tr. 486.
[4] cf. libro citato, tr. 193.
[5] In the article "Buddhism Teaches Rebirth," Humphreys relates that Mrs. Rhys Davids, in her day the leading Pali scholar in the West, once made a list of "ten things which Gotama the Buddha will not have taught." The first is "that the man, the very man: self, spirit, soul, purusa is not real." Mrs. Rhys Davids, a life student of Theravada Buddhism - the very school that lay so much stress on no- soul idea - adds that in reality Buddha "begins his mission by advising men to seek thoroughly for the Atma, and ended by bidding men lives as having Atma for their lamp and refugee. The Buddha concern, she said, was with a Wayfarer upon the Way. "How to wayfare from this to That; here was life's problem." And this was a long journey... Mr. Humphreys asks:
Are there, then, two types of self in the Pali Canon? Miss I.B. Horner, a pupil of Mrs. Rhys Davids and the present President of the Pali Text Society, shows that this is so. In a famous article reprinted in The Middle Way (Vol. 27, p. 76), she lists some seventeen passages from the Pali Canon which make this clear. The "lesser self" and "the greater self" are clearly distinguished, and the "great self" is described as "a dweller in the immeasurable." But the Dhammapada, the most famous text in the Canon, will itself suffice. "Self is the lord of self. What other lord could there be?" And again, "Self is the lord of self, and self's bourn," i.e. the very goal of all endeavour. If it is possible to lift the Buddha teaching nearer still to the Hindu original, look at: "The Self in thee knows what is true and what is false." Every mystic since the world began would agree.
"If," Humphreys continues, "the Buddha, then, taught Atta, as his brilliant predecessors in the field of Indian thought, what did he say was Not- self, An- atta? He is quite specific. It is the five skandhas, the constituents of personality in which there is no permanent Self to be found...But the monks would not leave this statement alone. Attacking the concept of the Atman as degraded in the Buddha's day to a thing, the size of a thumb, in the human heart, they swung too far. 'No self, no self' they cried, and in time produced the joyless, cramping doctrine as drearily proclaimed today," especially in Theravada Buddhism.
Elsewhere Humpreys concedes that the attack of the Theravada monks, or Bhikkus, is legitimately "directed against the concept of an unchanging individuality, a separate Self, distinct from the vast totality of Life and its illimitable forms." However, he adds, "the Bhikkus ignore the 'Unborn, Unoriginated, Unformed' of their own Scriptures, as inherent in every manifested thing." "Clearly the phenomenal self, whether called ego, shadow, or the evolving soul, is changing all the time," but this does not mean "no soul", no soul, no self at all."
Libro citato, tr.63 và 75- 76).
[6] If you would free yourself of the sufferings of samsara (rebirth), you must learn the direct way to become a Buddha. This way is no other than the realization of your own Mind. Now what is this Mind? It is the true nature of all sentient beings, that which existed before our parents were born and hence before our own birth, and which presently exists, unchangable and eternal. So it is called one's Face before one's parents were born... When we are born it is not newly created, and when we die it does not perish. It has no distinction of male and female, not has it any coloration of good and bad. It cannot be compared with anything, so it is called Buddha- nature. (Xem sách trích dẫn, tr. 89).
[7] The knower is never born nor dies, nor is it from anhywhere, nor did it become anything. Unborn, eternal, immemorial, this ancient is not slain, when the body is slain...Smaller than small, greater than great, this Self is hidden in the heart of man...In all beings it shines not forth; but it is perceived by the piercing subtle soul of the subtle- sighted...Understanding this great Lord the Self, bodiless in bodies, stable among unstable, the wise man cannot grieve... He is released from the mouth of Death, having gained the lasting thing which is above the great, which has neither sound nor touch nor form nor change nor taste nor smell, but is eternal,, beginninless, endless.
Cf.libro citato, p. 40. cf. Katha Upanishad, dialogue between Nichiketas and Death.
[8] Nichiketas thus having received the knowledge declared by the Death, and the whole law of union, became a passionless dweller in the Eternal, and Deathless; and so may another who thus knows the union with the Self.(Cf. sách đã trích dẫn, tr. 41).
...Two syllables are death; three syllables the eternal Brahma. "Mine" (Mana) is death, and "not mine" (na mana) is the eternal...
Ib. p. 50.
[9] When I was a boy, the thought of Heaven used to frighten me more than the thought of Hell. I pictured Heaven as a place where there would be perpetual Sundays with perpetual services, from which there would be no escape, as the Almighty, assisted by cohorts of angels, would always be on the look- out for those who did not attend. It was a horrible nightmare. The conventional Heaven with its angels perpepually singing, etc... nearly drove me mad in my youth and made me an atheist for ten years. My opinion is that we should be reincarnated... and that hereafter we shall suffer or benefit in accordance with what we have done in this world. For example, the employer who sweats his workpeople will be condemned to be sweated himself....
(Libro citato, p.354).
[10] The souls must re- enter the absolute substance whence they have emerged. But to accomplish this end they must develop all the perfections, the germ of which is planted in them: and if they have not fulfilled this condition during one life, they must commence another, a third, and so forth, until they have acquired the condition which fits them for reunion with God.
(Libro citato, p. 131. Isaac Myer's Qabbalah, p. 413. (The Zohar ii, 99b, Sab- ah D'Mishpatim, Brody edition, Cremena edition, ii. fol. 45a, col. 177- 78).
Joeph Head and S.L. Cranston,Reincarnation, The Phoenix Fire Mystery, p. 131.
[11] The Nirvana as a symbol of eternal indicates the life of absolute fullness, not the death of absolute nothingness. The life of Nirvana is beyond all distinction of subject and object; it is everything because it is nothing definite...
But in order to reach this, many reincarnations are necessary. They are continuations of temporal existence and consist of punishment and suffering. Only the end of temporal existence brings full particiption in eternal life. In it individualization is transcended by participation. A full recession to the "Ground" has taken place...
Libro citato, p. 523.
[12] Our word "personality" comes from the Latin persona which originally meant the mask an actor donned as he stepped onto the stage to play his role. The mask carried the make- up of the role, while the actor behind it remains hidden and anonymous. This mask is precisely what our personalities are - the roles into which we have been cast for the moment in this greater drama of all, life itself.
The disturbing fact, however, is that we have lost sight of the distinction between our true self and the veil of personality that is its present costume, but which will be laid aside when the play is over. We have come completely under the fascination of our present lines, unable to remember previous roles or to anticipate future ones. The task is to correct this false identification. Turning his awareness inward [man] must pierce and dissolve the innumerable layers of the manifest personality until, all strata of the mask at length cut through, he arrives finally at the anonymous actor who stand beneath.
Never during its pilgrimage is the spirit of man completely adrift and alone. From start to finish its nucleus is the Atman - the self- luminous abiding point, "boundless as the sky, indivisible, absolute," the only reality.
Ib. p. 14.
[13] The esoteric doctrine teaches, like Buddhism and Brahmanism, and even the Kabala, that one infinite and unkown Essence exists from all eternity, and in regular and harmonious successions is either passive or active. In the poetical phraseology of [the Hindu lawgiver] Manu these conditions are called the "day'and the 'night" of Brahmâ. The latter is either "awake" or "asleep"...Upon inaugurating an active period an expansion of this Divine essence, from within outwardly, occurs in obedience to eternal and immutable law, and the phenomenal or visible universe is the ultimate result of the long chain of cosmical forces thus progressively set in motion. In like manner, when the passive condition is resumed, a contraction of the Divine essence takes place, and the previous work of creation is gradually and progressively undone. The visible universe becomes desintegrated, its material dispersed; and "darkness," solitary and alone, broods once more over the face of the "deep." To use a metaphor which will convey the idea still more clearly, an outbreathing of the "unknown essence" produces the world; and an inhalation causes it to disappear. This process has been going on from the eternity, and our present universe is but one of an infinite series which had no beginning and will have no end.
Ib. pp. 502- 503.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét