Chương 19
THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ
VỚI
CÁC THIỀN SƯ ẤN ĐỘ VÀ TRUNG
HOA
1. Trước hết là Đức
Phật
Tôi quí
nhất lời Phật dạy: «Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.»
Như vậy là một lời xác quyết rằng chúng ta kẻ trước, nguòi sau, ai cũng
thành Phật. Có như vậy, Trời, Phật mới thật là từ bi.
Càng đi
sâu vào Đạo Phật, tôi càng thấy Đức Phật không bao giờ bắt tôi nhắm mắt
tin ngài, mà luôn luôn khuyên mọi người soát xét lại lời Ngài nói xem có
thực đáng tin hay không. Mà những gì Ngài nói tôi hoàn toàn có thể chứng
nghiệm được hết, vì Đức Phật không nghiên cứu gì ngoài CON NGƯỜI, ngoài
TÂM CON NGƯỜI. Tôi chuyên khảo về các đạo giáo, mà không thấy có đạo nào
lạ lùng như vậy. Không thấy những chuyện như Chúa 3 ngôi, Đức Mẹ Đồng
trinh v.v... Cho nên tôi tìm ra được cách giản dị nhất để đi tìm Chân
Lý, Chân Đạo. Thì ra tất cả đều ở trong tôi, tìm bên ngoài là lầm lạc.
Một chuyện tầm thường, giản dị như vậy, mà nay hơn 80 tuổi, tôi mới nhìn
thấy tỏ tường. Tôi mừng đến rơi lệ vì sự phát hiện nhỏ nhặt này của tôi.
Ta cũng
nhớ truyện, một hôm đức Phật ngự ở núi Linh Thứu, ngài xoay một cành hoa
trong tay và đưa ra trước thính chúng. Mọi người đều im lặng. Duy Ma Ha
Ca Diếp (Maha Kashapa) mỉm cười, nhưng vẫn cố giữ nghiêm nét mặt. Đức
Thế Tôn bảo: Ta có Chánh Pháp
Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thật Tướng vô tướng, vi diệu Chính Pháp,
không thể diễn bằng lời, mà chỉ truyền ngoài giáo lý. Giáo Pháp này ta
giao lại cho Ma Ha Ca Diếp.
[1]
Thiền
Tông sau này coi đó là cách Phật truyền Tâm Ấn, khai mở Thiền Tông, nên
Vô Môn Quan mới thêm vào tám chữ Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền.
[2]
Như vậy,
Đức Phật dạy ta Lẽ MỘT, tức là Phật Tính, tức là Niết Bàn.
2. Bồ Đề Đạt Ma (? -
528)
Sang Trung Hoa năm 520 với
thông điệp:
Giáo ngoại biệt
truyền, 敎 外 別 傳
Bất lập văn
tự, 不 立 文 字
Trực chỉ nhân
tâm, 直 指 人 心
Kiến Tính thành
Phật. 見 性 成 佛
(Đạo
truyền riêng ngoài kinh điển, không qua chữ nghĩa, nhắm thẳng vào nội
tâm, kiến chiếu vào Tự Tánh để thành Phật.).
Trong
Cao Tăng Truyện cuả Đạo Tuyên (soạn năm 645) và Truyền Đăng Lục của Đạo
Nguyên (Soạn năm 1004) có chép sự tích của Đạt Ma, và đều có chép Tứ
quán hạnh hay Nhị Nhập (2 đường vào chân tâm) của Đạt Ma.
Sách
viết: «Muốn nhập Chân Tâm, có 2 cách: Phật bảo: Hai đường vào ĐẠO là LÝ
NHẬP và HẠNH NHẬP.
«LÝ NHẬP là tin sâu rằng tất cả chúng sinh
đều đồng nhau một CHÂN TÁNH chẳng phải một, chẳng phải tất cả, khác nhau
chỉ ở chỗ BỊ CHE LẤP BỞI BỤI TRẦN. CHÂN TÁNH xưa nay vốn chẳng lại,
chẳng qua. Hành giả trong một niệm ngưng trụ TỈNH QUÁN sẽ kiến chiếu vào
tánh Phật chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải ta chẳng phải
người, chung đồng với vật vô giác cũng như giống hàm linh, cùng một thể.
Bấy giờ hành giả sẽ kiên trì nơi tâm địa Kim Cương, rốt chẳng xa lìa,
đuọc tịch nhiên, vô vi, hết tâm tưởng phân biệt. Đó là LÝ NHẬP.
«HẠNH NHẬP là đừng để tâm bôn chôn, u trệ,
đừng đắm theo bóng dáng trôi lăn như đợt sóng. Bất cứ đâu cũng giữ tâm
hồn ngươi trong lặng, đừng đuổi theo gì hết. Hãy như đại địa, dầu bão tố
vẫn bất động. Hãy gột sạch heát tư tưởng vị ngã trong tâm, cứu độ tất cả
chúng sinh đưa qua bờ giác. Không sinh tử, không hình tướng, không thủ
không xả, không gì đến, không gì đi trong tâm Bồ Tát. Khi tâm không có
gì đến, gì đi là tâm nhập trong cái Bổn Lai không có nhập. Bồ Tát nhập
pháp là như vậy đó. Pháp chẳng phải là không, và cái pháp “chẳng không”
không thể gạt bỏ coi như không thực. Tại sao? Cái Pháp không chẳng thực,
có tất cả công năng. Đó chẳng phải tâm, chẳng phải bóng dáng, đó thuần
túy là “như”.»
[3]
Đạt Ma
sau khi gặp Lương Vũ Đế liền vào Chùa Thiếu Lâm, đất Ngụy ngồi Diện Bích
(Ngó vào tường (chín năm, nên Thiền đã được Đạo Tuyên gọi là Đại Thừa
Bích Quán và Đạt Ma được gọi là Bích Quán Bà La Môn. Tác giả bộ Pháp
Chánh Truyền của Phật Thích Ca soạn năm 1257 thích nghĩa Bích
quán là Cảnh giới tuyệt đối của Tâm, tuyệt không mảy bụi, bợn nhơ.
[4] Đó là thái
độ Đại định thâm hậu, quyết liệt loại trừ tất cả tưởng niệm và hình
tướng của giác quan..
Thiền Sư Suzuki cho rằng
không phải giáo lý Nhị Nhập hay Tứ Quán
hạnh, mà chính là bài học Bích quán đã đưa Đat Ma lên ngôi Tổ Sư Thiền
Đông Độ.
[5]
Khi tôi đọc Nhị Nhập và Tứ
Quán Hạnh tôi thấy quá hay. Nếu đó chính là của Đạt Ma, thì Ngài làm
giáo chủ Thiền Đông Độ thật xứng đáng vậy.
3. Nhị Tổ Huệ Khả
(486-593)
Pháp
danh Thần Quang là một học giả uyên bác, trước khi theo Đạt Ma. Ngài dạy
ta bài học Nhất tâm cầu Đạo, chịu đứng nhiều giờ trong tuyết, dám chặt
cánh tay, đề mong được Đạt Ma thu nhận làm đệ tử. Ngài bị xử giảo năm
593, thọ 107 tuổi.
4. Tam Tổ Tăng Xán (? -
606)
Ngài để lại bài Tín Tâm Minh. Ta sao lục
ít câu hay:
Đạo lớn chẳng gì khó,
Cốt đừng lựa chọn thôi
(Muốn vào Đại Đao, không được phân biệt,
phải dùng trí vô phân biệt)
Một là tất cả,
Tất cả là một.
Quí hồ được vậy thôi,
Lo gì chẳng xong tất.[6]
5. Tứ tổ Đạo Tín
(580-651)
Trong
Thiền Luận bộ thượng, trang 317-318 có ghi những lời Ngài dạy sư Pháp
Dung về Lẽ Một, về Đại Đạo, về Thường Trụ Pháp Thân, về Kiến Tính, thành
Phật rất hay. Tôi trích một đoạn vắn:
«Người
với chẳng phải người, tánh tướng đều bình đẳng. Đạo lớn vốn hư huyền,
khoáng đạt, tuyệt không có nghĩ, không có lo. Cái pháp như vậy, nay ông
đã được, rốt chẳng khiếm khuyết, đồng với chư Phật, ngoài ra chẳng Phật
nào khác. Ông cứ tự tại mà nhiệm tâm, đừng theo quán hạnh, cũng chớ
trừng tâm, chớ nổi tham sân, chớ mang sầu lự, cứ thản nhiên vô ngại, dọc
ngang nhiệm ý, chẳng làm lành, chẳng lánh dữ, đi, đứng, nằm, ngồi, cứ
tùy duyên mà cảm nghĩ, đó toàn là chỗ diệu dụng khoái lạc vô trụ của
Phật, có thế mới gọi là Phật.... Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu tại
nơi tâm. Tâm ví chẳng đặt ra, vọng tình theo đâu dậy? Vọng tình đã chẳng
dậy, thì chân tâm cứ nhiệm vận mà tỏ tường. Ông chỉ nên tự tại mà tùy
tâm, chẳng cần phải đối trị. Đó tức là Thường Trụ Pháp Thân, chẳng gì
sai khác.»
(std, tr. 318)
6. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn
(601-674)
Ta có
thể coi Ngũ tổ như khởi đầu một khúc quanh quyết định trong Thiền sử. Từ
trước đến nay, các Thiền sư thường lánh ẩn trên núi cao, xa cảnh gió bụi
thế gian, nên không ai biết việc làm các Ngài hay dở rasao, mà định
luận. Nhưng nay, cơ duyên đã đến, để phát triển Thiền Tông, và Hoằng
Nhẫn là người đầu tiên xuất hiện giữa đại chúng, tại chùa Đông Thiền
huyện Hoàng Mai. Ngài có công lớn là phát hiện ra được Huệ Năng. Ngài
nghe khẩu khí bài kệ Thần Tú, cao đệ của Ngài, liền biết ngay là Thần Tú
còn ở trong vọng tâm.
Kệ của Thần Tú:
Thân thị bồ đề thụ,
身
是
菩
提
樹
Tâm như minh kính đài,
心
如
明
鏡
臺
Thời thời cần phất thức,
時
時
勤
拂
拭
Vật
sử nhạ trần ai.
勿
使
惹
塵
埃
Chuyển dịch:
Thần là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Thường ngày hằng chau chuốt
Chớ cho bám trần ai.
Ngài quở Thần Tú: Ngươi làm bài kệ ấy, tỏ
ra chưa thấy Bản Tính. Ngươi mới tới ngoài thềm cửa, chưa vào trong nhà.
Cứ như chỗ thấy hiểu ấy, mà tìm Đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì rõ ràng không
thể được. Theo Đạo Vô thượng Bồ Đề, hễ khi nghe nói Pháp rồi liền phải
thấy Bổn Tâm và thấy Bổn Tính của mình...
[7]
Khi đọc xong kệ của Huệ Năng, Ngài liền
biết Huệ Năng đã đạt tới Chân Tâm thường trụ của đất trời.
Kệ của Huệ Năng:
Bồ đề bản vô thụ
菩
提
本
無
樹
Minh kính diệc phi đài
明
鏡
亦
非
臺
Bản lai vô nhất vật
本
來
無
一
物
Hà xứ nhạ trần ai?
何
處
惹
塵
埃
Chuyển dịch:
Bồ đề vốn không cây
Gương sáng chẳng phải đài
Xưa nay không một vật
Nơi nào bám trần ai?
[8]
Bài kệ này chứng tỏ Huệ Năng khi ấy đã
minh tâm, kiến tánh, thân căn thanh tịnh, nên các lời nói ra đều siêu
phàm thoát tục, vô ngã vô pháp, vô tướng, vô hình, Ngài chẳng luận cái
thân tứ đại giả hiệp, chỉ nói ngay đến cái Bổn Lai Diện Mục mà thôi. Cái
Tánh Bất Nhị này có nhiều tên: Thiền tông gọi là Chánh Pháp Nhãn Tàng,
Liên Tông gọi là Bổn Tánh Di Đà, Đức Khổng gọi là Thiên Lý, Đức Lão Tử
gọi là Cốc Thần, Thiết Hán. Dịch Đạo gọi là Thái Cực. Tên gọi tuy khác
mà đồng chỉ một TÁNH tức là cái Bổn Lai Diệu Giác Chân Tâm của ta vậy.
Tâm này vốn hư không mà vô cùng linh hoạt, tịch diệt mà rất diệu huyền,,
châu biến khắp cả Pháp Giới. Lúc trới đất chưa phân, đã có nó rồi, Cái
thể nó bất sanh, bất diệt, trải qua muôn kiếp mà chẳng hư hoại, cho nên
kinh gọi là Kim Cương. Thế giới có thể tiêu diệt, nhưng nó vẫn còn hoài,
không thay đổi.
[9]
Ngũ tổ
biết Huệ Năng đã đại ngộ. Ngài nói: Nếu
không biết được Bổn Tâm, thời học Pháp vô ích. Nếu biết được Bổn Tâm,
thấy được Bổn Tính, tức gọi là Trượng Phu, là là Phật, Thày cõi Trời và
cõi người vậy.
Sau đó,
đem y bát truyền cho Huệ Năng, tôn xưng là Lục Tổ.
[10]
Thiền
đốn ngộ được hoằng dương từ thời Đại Đường (618 -924) với Hoằng Nhẫn
(601-674).
7. Lục tổ Huệ Năng
(638-713)
Lục Tổ
là một vị Cổ Phật giáng trần, thoạt nghe kinh, là hiểu lập tức. Trí bát
nhã ngài sáng rực, nên ngài giảng đến đâu, ta thấy sâm nhập đến đó. Lời
ngài giảng dạy, được môn nhân là Trí Hải chép lại thành Pháp Bảo Đàn
Kinh. Kinh này ở Việt Nam đã có nhiều người dịch. Tôi quí nhất quyển
do Thích Minh Trực dịch, lý do vì Ông thông Tam Giáo, dịch sát nghĩa,
giải kinh sâu sắc.
Lục Tổ
viên tịch năm 713, mà nay nhục thân ngài vẫn còn nguyên vẹn tại chùa Nam
Hoa (Chùa Bửu Lâm, Tào Khê).
[11]
Ngài nhận đinh sâu sắc về Thuyết Thiên Địa
Đồng Nhất Thể như sau:
«Chúng ta biết rằng Tất Cả ở trong Một và
Một ở trong Tất Cả.
[12]
«Cái tâm lượng khi ứng dụng ra, thì biết
hết thảy sự vật.»
«Cả thảy tức qui về Một, Một tức gồm hết
cả thảy, tới lui thong thả, tâm thể sáng suốt, không ngưng trệ, tức là
Bát Nhã (Trí Huệ) vậy.»
Thích Minh Trực giải: Cả thảy các pháp đều
do tâm tức là Như Lai Tạng mà phát ra, cho nên nói: Cả thảy tức qui về
Một. Tâm bao hàm tất cả các pháp, cho nên nói Một tức gồm hết cả thảy.
Biết rõ ngoài Tâm không có Cảnh, ngoài
Cảnh không có Tâm. Tâm với Cảnh vốn là một, chẳng phải hai. Một gốc sinh
ra muôn vật, muôn vật đồng về một gốc. (Nhứt bổn tán vạn thù; vạn thù
qui nhất bổn). Ấy là tâm suốt thông, cũng gọi là tâm đắc nhứt (Chân
không).[13]
Lục tổ còn dạy ta phải nắm lấy cái không
sanh, không diệt, thấu rõ cái chẳng thời gian, không mau chậm.
[14]
Tóm lại, đức Phật và các Tổ Thiền đều dạy
ta tìm cho ra Chân Tâm, Tự Tính, Phật Tính trong ta. Nó ở ngay trong tâm
ta, sinh ra tâm tình, trí lự của chúng ta, vì thế mới nói: Vạn vật nhất
thiết giai do tâm tạo.
Cho nên, điều cần thiết trước tiên là đi
vào Tâm mà tìm Đạo, tìm Trời, tìm Phật. Phải biết nội quan quán chiếu
chính là vậy.
Hai là Chân Tâm, Chân Tánh, Bổn thể thời
siêu không gian, thời gian, duy nhất, bất biến, Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Đó mới chính là Chân Hạnh Phúc, là Niết Bàn, mà chúng ta tìm kiếm. Đây
là phạm vi hoạt động của Trí Bát Nhã.
Ba là Hiện tượng, là Vạn Hữu. Nếu Chân Tâm
siêu không thời, trường cửu, bất biến, thì Hiện Tượng, hay Vạn Hữu, sẽ
lệ thuộc không gian, thời gian, sẽ vô thường, biến thiên, sẽ nằm trong
vòng sinh tử, luân hồi. Như vậy, Niết Bàn phải tìm trong trục Luân Hồi,
Sinh Tử. Ngôn ngữ và Trí thức ta hoạt động trong vòng hiện tượng này.
Chúng ta không việc gì phải khinh khi Trí Thức và Ngôn Ngữ.. Bổn phận ta
là nhìn vào Bổn Tâm, Bổn Tính ta mà tìm cho ra Chân Lý. Đức Phật khuyên
ta thành thật với chính mình, thấy sao nói vậy. Ta nhìn bằng mắt ta,
nghe bằng tai ta, chứ không qua trung gian của Phật hay tổ.
Phật giáo là thể nghiệm, là tự chứng, là
phóng đạo nhãn vào thực tại, là một cái nhìn chiếu diệu vào bổn thể. Nó
đòi hỏi chúng ta nhìn bằng mắt chúng ta, không lệ thuộc, dựa dẫm vào ai
cả.
Thiền Sư Trường Sa, Cảnh Sầm (t. 868), đệ
tử của Thiền Sư Nam Tuyền (748-835) có thơ:
Học Đạo
chi nhân bất ngộ Chơn,
Chỉ vị
tùng tiền nhận Thức Thần.
Vô lượng
kiếp lai sinh tử bổn,
Si nhân
hoán tác Bổn Lai Nhơn.
Dịch:
Nhiều người học Đạo chẳng ngộ chơn,
Chỉ vị xưa nay nhận Thức Thần.
Vô lượng kiếp lai Sinh tử Bổn,
Người ngu tưởng thấy Bổn Lai Nhân.
Nghĩa là người học Đạo chẳng tỏ sáng Chơn
Tâm, là vì từ đời Vô Thỉ nhận lầm Thức Thần là Chân Tâm. Thức Thần là
gốc sống chết từ muôn vàn kiếp đến nay, mà người mê muội không hiểu gọi
là Tánh Bổn Lai. Ôi người đời nhận tớ làm chủ mà chẳng biết, nhận cướp
làm con mà không hay. Bởi vậy Đức Thế Tôn dạy người tu hành trước hết
phải dứt cái cội rễ sanh tử luân hồi từ Vô Thỉ. Cái cội rễ này dứt rồi,
thì các thức không có chỗ nương tựa. Thế mới phục hồi cái tánh Bổn Lai
được.
[15]
Sau Huệ
Năng, Thiền phân hóa thành nhiều dòng, trong số có hai dòng nay còn tồn
tại ở Trung Hoa và Nhật Bản. Một dòng phát xuất từ Hành Tư ở Thanh
Nguyên (tịch năm 740) nay tiếp tục dưới danh hiệu Tào Động Tông; còn
dòng kia, thuộc pháp từ của Hoài Nhượng ở Nam Nhạc (677-744) nay có Lâm
Tế Tông là đại diện.
Tôi nghĩ
nên ngừng nơi đây. Tôi sẽ không bàn thêm về Thiền la hét, đánh đập của
các Thiền Sư cuối đời Đường (618-907), hay Thiền Công Án cuối đời Đường,
đầu đời Tống với các thiền sư danh tiếng như Nam Dương Huệ Trung (t.
772), quen gọi Quốc Sư Huệ Trung, Thạch Đầu Hy Thiên (700-790), Mã Tổ
Đạo Nhất (709-788), Bá Trượng Hoài Hải (724-814), Dược Sơn Duy Nghiễm
(745-828), Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-835), Đại Mai Pháp Thường
(752-839), Thiên Hoàng Đạo Ngộ (748-807), Qui Sơn Linh Hựu (771-853),
Triệu Châu Tùng Thẩm (778-897), Hương Nghiêm Trí Nhàn (t. 898), Hoàng Bá
Hi Vận (t. 850), Lâm Tế Nghĩa Huyền (t. 866), Tuyết Phong Nghĩa Tòn
(822-908) v.v...
Công Án
đã được nhiều người sưu tập thành sách như sách Bích Nham Lục do thiền
sư Tuyết Đậu Trùng Hiển (980-1052) biên soạn, và Thiền Sư Viên Ngộ Khắc
Cần (1063-1135) soạn lại mà thành, gồm 100 công án, như sách Vô Môn Quan
do Thiền Sư Vân Môn soạn thành, gồm 48 công án, như sách Công Án của
Thiệu Chiêu Phần Dương (947-1024) soạn gồm 22 bài Pháp của Thiền Sư Lâm
Tế. (Xem Thông Triệt, Đồ Thị Diễn Giải Thiền, Tập 1, tr.
123-124)., như sách Thiên Đồng Giác Hòa Thượng hay Thung Dung Am lục gồm
100 tắc. Ở Nhật có thêm Truyền Quang Lục (Denko-Roku) với 90 bài kệ,
Thập Trọng Cấm Giới (Juku-Kinkai) với 90 bài kệ. (Xem Ba Trụ Thiền,
tr. 520).
Công Án
có 1700, nhưng nay các Thiền Sư chỉ dùng khoảng 546 Công Án.
Tại sao
tôi không nghiên cứu các loại Thiền trên? Tôi nghĩ nói đến Thiền không
ai bằng Lục Tổ. Như vậy, tại sao tôi lại bỏ thày học trò? Lý do khác là
con người tôi không thích ai la hét, đánh đập. Quí vị sẽ cho rằng Ngã
Chấp tôi quá lớn. Thưa đây là vấn đề nguyên tắc chứ không phải là Ngã
hay không Ngã.
Tôi đọc
nhiều Công Án, Bích Nham Lục hay Vô Môn Quan. Nhưng càng đọc càng tối.
Cái mặt thật Công Án là phi lý, phi nghĩa, thì làm sao sinh ra được
nghĩa lý? Tôi quen một ông bạn khoe mình giải hết được bí ẩn của 1700
công án. Ông cho rằng Công Án là một bãi mìn không nên đi vào. Và quí vị
đã biết tôi không bao giờ dám khinh miệt những ân sủng mà trời đất ban
cho tôi như Lý Trí và Ngôn Ngữ. Tuy là chúng Nhị Nguyên, nhưng ta vẫn có
thể băng qua chúng mà về Nhất Nguyên. Đó là thiển kiến «ngu xuẩn» của
tôi, mong quí vị cao minh lượng thứ. Tôi không phủ nhận rằng có nhiều
Thiền Sư, đã chứng đắc nhờ la hét, nhờ Công Án. Và sau này có thể tôi sẽ
viết một bài sưu tập lời hay, ý đẹp của quí vị đó. Tuy nhiên nhờ những
biến hóa đó mà Thiền mới còn sinh động cho đến ngày nay. Và chính nhờ
vào la hét, công án, mà thiền có những bộ mặt hết sức độc đáo và có ảnh
hưởng hết sức sâu đậm trong văn hóa Á Đông từ hơn 1000 năm nay.
Sau khi
viết xong bài này, tôi mới có dịp đọc bộ Thiền Tông Việt Nam của Thiền
Sư Thích Thông Triệt trình bày về chủ trương Thiền của Hòa Thượng Thích
Thanh Từ. Tôi thấy Ngài trình bày về Thiền hết sức hợp lý, dễ hiểu. Ngài
hoàn toàn không theo một môn phái Thiền Trung Hoa nào, và cũng ngưng lại
nơi dòng Thiền đốn ngộ của Lục Tổ. Ngài không theo Tào Động, Vân Môn,
Qui Ngưỡng, Pháp Nhãn, hay Lâm Tế... (Xem Thiền Tông V. N. I,
184, 218, 211 v.v...). Những công án của Ngài không còn phi lý mà là
Khẩu quyết đưa ta vào đường Đạo..Như vậy chứng tỏ những nhận định trên
của tôi không sai.
Tưởng
cũng nên nhắc lại có môn phái Phật giáo đã coi Thiền Công Án là một quái
thai trong Phật Giáo vì có nhiều vị Tổ phát ngôn bừa bãi (Xem std. tr.
150)
CHÚ THÍCH
[1] Xem Vô
Môn Quan, tắc 6, xem Vô Môn Quan của B. S. Trúc Lâm Trần văn
Ký, Nguyệt San Y Tế, số 8, Tháng Tám 97, tr. 64.
[2] Xem
Phật Học Từ Điển, tr. 598.
[3] Xem
Thiền Luận, Bộ Thượng, bản dịch Trúc Thiên, tr, 289-290.
[4] Xem
Thiền Luận, quyển Trung, tr. 292.
[5] Xem
Thiền Luận, q. Trung, tr. 292.
[6] Vài chú
giải về thiền đốn ngộ - Phan tấn Hải, tr. 99 và 133.
[7] Xem Pháp
Bảo Đàn Kinh, Thích Minh Trực dịch, tr. 26.
[8] Xem Thích
Minh Trực, Pháp Bảo Đàn kinh tr. 29, và 33.
[9] Xem Thích
Minh Trực, Pháp Bảo Đàn Kinh trang 29-30, Lời chú giải.
[10] Xem
Kinh Pháp Bảo Đàn, Diên Sinh cư sĩ, tr. 23.
[11] Xem
Ngọc sáng trong hoa sen, Nguyên Phong, tr. 137-151.
[12] Nous
savons que Tout est dans l’Un et que l’Un est dans le Tout. - Lucien
Houlné, Houei Neng, p. 58.
[13] Thích
Minh Trực, Pháp Bảo Đàn Kinh, tr. 47.
[14] Xem
Thiền Luận, Bộ thượng, tr. 349.
[15] Xem Thích
Minh Trực, Pháp Bảo Đàn Kinh tr. 30-31.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét