Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

PHẬT HỌC CHỈ NAM - THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ VỚI THIÊN THAI TÔNG

Chương 17
THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ
VỚI THIÊN THAI TÔNG

Từ lâu, khi nghiên cứu về Phật Giáo, tôi thấy các Tông lớn Phật Giáo, thường có liên lạc mật thiết với thuyết Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.
Về Thiên Thai Tông, tôi sẽ cốt yếu dựa vào tài liệu của Linh Mục P. Léon Wieger, trong quyển Histoire des Croyances religieuses et des Opinions Philosophiques en Chine depuis l’origine jusqu’à nos jours, Imprimerie de Hiến Huyện, 1922. Tài liệu này, không phải do Wieger viết, nhưng là do Ông tường thuật lại từ những sách Trung Hoa. Ông cho luôn chữ Hán. Lời lẽ trang nghiêm. Ta có thể tin là trung thực. Tôi sẽ lần lượt trình bày sau đây.
Thiên Thai Tông do Trí Khải Đại Sư (571-597) sáng lập tại núi Thiên Thai, một ngọn núi tại Thai Châu, miền Nam Trung Hoa, vào thế kỷ thứ sáu. Nhưng nói đúng hơn, ở Trung Hoa, Trí Khải chỉ là vị tổ ngứớửi Trung Hoa thứ ba. Thiên Thai công nhận 10 vị tổ:
1. Long Thọ Bồ tát (Nagarjuna, Thế kỷ 2, người Ấn Độ)
2. Huệ Văn (505-577) hay Bắc Tề Thiền Sư. (Người Trung Hoa)
3. Huệ Tư (514-577) hay Nam Nhạc Thiền Sư.
4. Trí Khải (571-597) hay Trí giả Thiền Sư hay Thiên Thai Đại Sư.
5. Quán Đỉnh (561-632) hay Chương An Thiền Sư. 6. Pháp Hoa Thiền Sư.
7. Thiên Cung Thiền Sư.
8. Tả Khê Thiền sư.
9. Kinh Khê Thiền Sư (Trạm Nhiên, 717-782)
10. Đạo Toại Thiền Sư. 
Sau đó tông phái này truyền sang Nhật, do thiền sư Nhật là Truyền Giáo Đại Sư, hay Tối Trừng (Saicho), sáng tổ Thiên Thai Tông tại Nhật (803), nơi núi Tỷ Vệ
Ngài còn được vua Nhật Bản thụy phong là Truyền Giáo Đại sư. Tối Trừng là đồ đệ của Đạo Toại, tới ở Trung Hoa, từ khi môn phái này truyền sang Nhật, thì ngày càng suy đồi. Đến đời nhà Tống, thì đổi tên là TỨ MINH. Sau lại chia thành hai phái Sơn Gia và Sơn Ngoại. Sơn gia chủ trương VỌNG TÂM. Sơn gia là Tứ Minh chính thống. Sơn Ngoại theo tổ Ngộ Ân, chủ trương QUÁN CHÂN TÂM.
Ta nên biết, Phật Học Trung Quốc từ đời Đường trở về sau bao quát 4 phái (Thiền, Tịnh, Giáo, Luật) hoặc 5 phái (Thiền, Tịnh, Giáo, Luật, Mật). Thiên Thai Tông được xếp vào phái Giáo Tông, nghĩa là chuyên khảo và chiêm nghiệm Giáo Lý cũng như Hoa Nghiêm, Tam Luận, và Duy Thức.
Ta thấy, từ đời nhà Tống về sau, Thiên Thai tông mất dần ảnh hưởng và nhường bước cho Tịnh Độ Tông và Tịnh độ Chân Tông vì hai tông này dễ tu: Ai tin nơi sức cứu vớt của Phật A Di Đà thì sẽ được vãng sinh về cõi Cực Lạc.
CÁC KINH KHAI THÁC 
Các tổ Thiên Thai là những triết gia lỗi lạc đương thời. Trọng tâm nghiên cứu là kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Saddharma-pundarika-sutra). Các kinh phụ thuộc khác như:
- Đại Trí Độ Luận (Mahaprajnaparamita sutra) của ngài Long Thọ (Nagarjuna);
- Niết Bàn kinh (Nirvana sutra),
- Kim Quang Minh Kinh (Suvarna-pravasa sutra),
- Đại Nhật Kinh (Mahavairocabhisambodi sutra),
- Kim Quang Đỉnh Kinh (Vajra sekharatantraya-sutra),
- Bồ đề tâm luận (Bodhihrdayacastra) 
HỌC THUYẾT 
1. Mọi vật đều có Phật Tánh. 
Học thuyết này cũng hơi giống Hoa Nghiêm Tông. Thiên Thai Tông chủ trương Vạn vật với Người, Trời, Phật đều đồng một thể tính tuyệt đích, mà ta thường gọi là Phật Tính, hay Chân Như. Tức là Phật và chúng sinh đều cùng một gốc, một nguồn mà ra.
Vạn vật đều có Phật Tính, đều có thể thành Phật: Người thú, cỏ hoa, vật mọn đều có một ngày giải thoát. Nói cho dễ hiểu hơn nữa, người, thú, đồ vật chung quanh ta, cỏ hoa trong vườn ta, tảng đá ta đang ngồi, con dế đương gáy, cho đến hột cát trong sân, giọt sương trên cành, và lớn như mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao trên không trung, cùng mạt như côn trùng dưới đất, cả thảy không trừ vật nào, đều có thể thành Phật Tông Hoa Nghiêm chú về người hơn hết, còn tông Thiên Thai không từ bỏ vật gì, dầu là vật có mạng sống, hay không có mạng sống, đều có thể tấn hóa đến cõi Phật được hết. Tông này rất hoan hỷ đối với cuộc giải thoát chung trong vũ trụ. Cho đến một hạt nguyên tử cũng là đương tựu sức để làm một vị Phật về sau. [1]
Cái Phật tánh trong mọi người, là TẤN chứ không phải THOÁI, TÍCH chứ không phải TIÊU, nó lướt tới mãi, nó làm cho cảnh trần càng đẹp càng thuần, nó đưa lần mọi vật đến gần tới tuyệt đẹp, tuyệt cao, tuyệt diệu, tuyệt sáng. Mỗi vật có chứa trong mình cái Phật tánh, dầu cho kẻ nào đê hạ đến đâu cũng có hi vọng thành Phật được. Không bỏ ai, không đày ai, không có kẻ nào bị sa thải hết.
Mọi người có thể yên lòng mà tự nói rằng: Dầu cho ta có hèn mạt, xấu xa tới đâu đi nữa, ta cũng không phải là người bỏ đi. Ta cứ giữ cái hi vọng và chắc rằng một ngày nọ ta đạt đến cảnh an lạc giải thoát.
Đồng là kẻ có Phật Tính, thời ai có hung ác bực nào cũng có chứa cái CÁI MẦM LƯƠNG THIỆN chớ chẳng không. Cái đó nó sẽ phát lần ra và mở rộng ra mà đưa người đến cảnh trọn lành., trọn sáng. Cục than với hột xoàn đều là một tánh. Đến một lúc kia, cục than sẽ trở nên hột xoàn, cũng như chúng sinh đến một ngày kia sẽ thành Phật. (Ibidem, p. 54).
2. Chân như và Vạn pháp
Vũ Trụ này tuy phiền tạp, nhưng thực ra chỉ gồm có 2 phần:
- 1 phần bất biến, hằng cửu, đó là Chân Như, Phật Tính. Đó là Bản thể muôn loài. Đó là Niết Bàn.
- 1 phần biến thiên, sinh diệt, nguồn gốc sinh lão bệnh tử. Đó là Vạn Pháp, đó là Chúng Sinh. Đó là những dụng trong cuộc đời. Đó là Luân Hồi. Thiên Thai Tông còn gọi Vạn Pháp là 3000 cái Pháp. Vạn Pháp là cái gì thuộc Hình, Danh, Sắc, Tướng.
Chân Như là cái tinh túy của mọi vật, không rời mọi vật, thì đâu có khác gì mọi vật. Như vậy Phật tức chúng sanh, chúng sanh tức Phật. Ấy là hai mặt không rời nhau của một kiếp sống, một cuộc đời. Chân như là nước, chúng sinh là sóng. Khi nào chúng sinh hết mê, hết xao động, thì sẽ thành Chân Như, sẽ thành Phật.
3. Năm Thời Kỳ Phật dạy 
Trí Khải cho rằng các lời Phật dạy chia làm 5 thời kỳ: 
1. Hoa Nghiêm (Avatamsaka) 21 ngày.
2. Lộc Uyển hay A Hàm (Agama) 12 năm.
3. Phương Đẳng. (8 năm)
4. Bát Nhã (Prajnaparamita) 22 năm.
5. Pháp Hoa (Saddharma-punda-rika) và Niết Bàn (Nirvana) 8 năm. 
Năm thời kỳ này tương ứng với 5 thời kỳ trong dụ ngôn Người Cùng tử trong Kinh Pháp Hoa (Kinh Pháp Hoa, Phẩm IV, Tín Giải). Đại khái:
I. Có một đứa con hoang bỏ nhà cha mẹ và ra đi phiêu lưu khắp nơi 50 năm. Một ngày nọ, nó định trở về nhà cha nó. Trong khi nó lưu lạc xứ xa, cha nó trở nên giàu có lắm. Mỗi ngày Ông ở trong đền, dựa lưng vào nơi ghế đẹp, gác chân trên gối thêu vàng mà bàn luận đạo lý với mấy ông hiền sĩ. Đứa con thấy sự giàu có thình lình như vậy, thì chóa mắt. Nó đến bên cửa không nhìn ra cha nó. Nó trở ra và nghĩ rằng không phải nhà này, tôi đâu có đáng ở đây. Ông cha nhìn biết đứa con và muốn thâu rước nó. Liền sai một đày tớ chạy theo kêu nó lại. Đứa con hoang thấy có người đuổi theo, nó tưởng là họ muốn bắt hay muốn giết nó. Sợ quá, nó ngã ra bất tỉnh. Cha nó lấy nước tạt cho nó tỉnh lại. Nhưng ông không xưng tên thật với nó. Đoạn này tiêu biểu cho thời kỳ đầu trong cuộc truyền giáo của Phật, hồi Kinh Hoa Nghiêm (Đại Thừa- Trung Luận). Phật đem triết học quí hóa của Hoa Nghiêm giáo hóa mọi người, song Ngài thấy họ không hiểu. Con mắt yếu ớt của họ lúc ban sơ không trông được ánh sáng hoàn toàn như vậy. Nên Ngài định lần lần mở sáng ra từng chút. Và Ngài giữ chừng cho mọi người lướt tới cho dễ và cho quen, tùy cỡ và tùy sức mỗi người.
II. Người Cha bèn sai hai người làm theo con mình. Hai đứa này ăn mặc nghèo nàn, nên đứa con được vững lòng. Hai người này mới khuyên nó làm kẻ tôi tớ trong nhà để có tiền tiêu xài. Nó nghe theo. Ngưới Cha đãi con rất tử tế. Ông phát tiền cho nó rộng rãi và bảo nó coi như là ở nhà nó vậy.
Đoạn này ăn khớp với Kinh A Hàm (Tiểu Thừa-Hữu Luận). Thời kỳ nhì của người học Đạo. Họ học những lý đơn sơ chẳng có pha siêu hình học, và thi hành theo trật tự và điều luật hằng ngày.
III. Kế đó, người Cha kêu đứa ở mới của mình là «con» và đãi nó như con ruột. Đứa con vẫn chưa nhận ra Cha, tuy nó rất mená lòng tốt của chủ. Tuy nó vẫn nằm trong cái lều cạnh đền Cha, coi mình chưa đáng vào ở trong đền, nhưng nó đã quen với khu vực này và muốn ở đó luôn.
Ấy là thời kỳ thứ ba, ứng với kỳ Kinh Phương Đẳng (Tiểu Thừa, Quyền Đại Thừa-Hữu Luận) Con người nhận ra đạo lý trong các giáo đại thừa. Song bỡ ngỡ chẳng dám vượt lên mấy đỉnh cao nghiêm. Tưởng mình còn kém, con người chưa dám bước vào con đường về tinh thần mà Phật vì lòng từ đã dọn sẵn cho họ. Nhưng trong bụng thì đã muốn.
IV. Sau đó, người cha thọ bệnh.Ông cho kêu đứa con lại. Ông cũng chưa tỏ sự thật. Ông mới giao cho nó lĩnh và cai quản gia tài đồ sộ của Ông. Đứa con làm tròn phận sự một cách ngay thật, đúng mực. Nó đâu có biết rằng sẽ về tay nó một ngày kia. Nó vẫn ở nơi lều nhỏ ngoài đền.
Tới đây là thời kỳ kinh Bát Nhã (Quyền Đại Thừa-Không Luận). Con người đã lên bậc Bồ Tát. Song chưa đến quả Phật, vì chưa được tỏ sáng hoàn toàn.
V. Sau rốt, biết mình gần mãn phần, người cha kêu bà con thân quyến lại. Ông nói với họ hàng rằng:»Đây là đứa con tôi, nó đi biệt đã năm mươi năm, nay mới trở về. Vậy tôi để cả gia tài tôi cho nó.» Bấy giờ đứa con mới bỏ cái lều tranh. Bèn vào ở vỉnh viễn trong đền lộng lẫy.
Đoạn này là thời kỳ Kinh Pháp Hoa và Kinh Niết Bàn (Đại Thừa- Trung luận). [2]
4. Bản Thể và Hiện Tượng với Học Thuyết Hữu Vô của Đạo Lão, và Học Thuyết Bổn Tích của Phật Giáo Trung Hoa và Nhật Bản.  
Thay vì dùng hai chữ Bản Thể và Hiện Tượng như ngày nay, Đạo Lão, từ thời Nhà Hán (206 TCN - 25 CN) trở về trước, thường dùng 2 chữ Vô (Bản Thể- Tuyệt Đối) và Hữu (Hiện Tượng- Tương Đối) để chỉ Bản Thể và Hiện Tượng.
Cho nên các bậc Chân Nhân, Chí Nhân của Đạo Lão bao giờ cũng muốn vượt Hữu tức là thế giới Hiện Tượng, để trở về với Vô là thế giới Bản Thể.
Từ thời Tam Quốc (220-264) trở đi họ mới bắt đầu dùng hai chữ Thể, Dụng để chỉ Bản Thể và Hiện Tượng.
Phật Giáo thời Tam Quốc chẳng ít thì nhiều cũng chịu ảnh hưởng những tư tưởng trên, và họ sánh Vô hay Thể với Chân Đế (Absolute truth) và Hữu hay Dụng với Tục Đế (Conventional truth).
Tăng Triệu (Sheng Chao 374-414) một môn đệ của Đại Sư Cưu Ma La Thập (Kumarajiva), khi bình giải Đại thừa Đỉnh Vương Kinh (Vimalakirti nirdesa Sutra) bắt đầu dùng chữ BỔN để chỉ Bản Thể, và chữ TÍCH để chỉ Hiện Tuợng Đối với Tăng Triệu thì Bổn hay Thể là Pháp Thân Phật (Dharmakaya) hay Bổn Phật; còn Tích là Báo Thân Phật hay Tích Phật. Bổn Phật thời không sinh diệt; Tích Phật thời có sinh, có diệt (về phương diện nhục thể). Bổn Phật là Phật Tính hằng cửu. Tích Phật là chư vị Phật, chư vị Bồ Tát giáng trần.
Về phương diện triết học, Tăng Triệu cho rằng Bổn sinh ra Tích. Tích là sự hiển dương của Bổn. Không Bổn, thì không có Tích. Nhưng không có Tích, thì chẳng làm sao biết được Bổn. [3]
Sau này đại sư Trí Khải đã dùng hai chữ BỔN TÍCH để giải kinh Pháp Hoa.
Nửa đầu kinh Pháp Hoa, Ông gọi là Tích Môn (The Manifested and the Provisional):
1. Vì muốn giảng chân lý, nên phải dùng phương tiện (Vị thực thi quyền 為 實 施 權).
2. Bửa banh phương tiện cho thấy Chân lý (Khai quyền hiển thực (開 權 顯 實)
3. Bỏ phương tiện, giữ nguyên Chân Lý (Phế quyền lập thực (廢權 立 實)
Nửa sau kinh Pháp Hoa, ông gọi là Bổn Môn (The Origin and the Truth)
1. Có căn bản, rồi mới có vết tích. (Tòng bản thùy tích 從 本垂 跡).
2. Bửa banh vết tích cho thấy Căn Bản (Khai tích hiển bản 開跡 顯 本).
3. Bỏ vết tích, giữ nguyên Căn Bản (Phế tích lập bổn 廢 跡 立本). 
Nói nôm na, thì Kinh Pháp Hoa nói riêng, và Phật giáo nói chung cho ta thấy con người chúng ta có hai  phương diện:
Chân như và vạn pháp.
Bản thể hay hiện tượng.
Chân tâm hay Vọng tâm. 
1. Chân tâm sinh ra vọng tâm.
2. Banh bửa cái Vọng tâm, cái Vạn Pháp biến thiên bên ngoài, sẽ làm hiển lộ cái Chân Tâm, Chân như vĩnh cửu, bất biến bên trong.
3. Bỏ cái Hữu Hạn, biến thiên bên ngoài, giữ lấy cái Chân Như, Vô Cùng bất biến bên trong.[4]
 
THIÊN THAI TÔNG THEO WIEGER (Lược dịch từ trang 545 đến 559). 
1. Phật Tính
Phật cũng là một con người như ta. Ngài khác ta ở chỗ là Ngài đã Giác Ngộ, còn ta thì chưa. Tất cả chúng sinh ai nấy đều có Phật Tính, ai cũng có thể thành Phật. Ta là người đang mê, Phật là người đã tỉnh. Ta là quả hồng còn xanh. Ngài là quả hồng đã chín. Vậy thôi.
Phật Tính là chân lý vũ trụ. Muôn vật đều thôngcông với Phật Tính đó. Lá xanh, hoa muôn màu, chim hót véo von, tất cả những vẻ đep tự nhiên trong trời đất, đều phát lộ ra cái Chân lý vũ trụ ấy ra bên ngoài, đều hiển lộ ra cái Phật Tính đó.
Phật tính đó tiềm ẩn trong mọi người chúng ta. Một ngày nào đó, tỉnh mộng, ta sẽ thấy chân lý vũ trụ đó hiện ra trước mắt ta. Ta sẽ thấy TA VÀ CHÚNG SINH LÀ MỘT. TA LÀ CHÚNG SINH, CHÚNG SINH LÀ TA.
Thực ra, bản thể vũ trụ cũng dễ thấy: Con người vì phiền não trùng trùng, nên không thấy nó. Nó là BẢN THỂ duy nhất, khuất lấp sau muôn vàn HIỆN TƯỢNG sai biệt, biến ảo bên ngoài. Chúng sinh hay Hiện Tượng y như muôn ngàn đợt sóng, phủ bên ngoài trùng dương BẢN THỂ. Bản Thể đó là Chân Như, là Phật Tính, là Biển Cả. Chúng sinh là sóng. SÓNG, và NƯỚC trước sau là một.
2. Vạn sự vô thường (biến thiên, mau qua) 
Nếu vạn vật hay vạn pháp chỉ là Sóng, thì một lúc nào đó, nósẽ trở lại thành Nước, không còn là Sóng nữa. Nghĩa là Vạn Hữu không có cái Ngã riêng biệt.. Vạn hữu sinh ra từ CÁI MỘT, từ CHÂN NHƯ, sinh sinh, hóa hóa rồi lại trở về CHÂN NHƯ.
Sự đời biến thiên sinh hóa chia làm 4 thời kỳ là:
Thành, Trụ, Hoại, Không.
Thành là Sinh Ra, Trụ là Lớn Lên, Hoại là Già Đi,
Không là Tử Vong. 
Vạn vật đều biến hóa theo chu kỳ trên.  
Nhưng đừng tưởng chết rồi là hết. Không! Bốn mùa đời vần xoay, nên Đông hết thì lại Xuân sang. Sự Sống chúng ta là một sự BIẾN DỊCH TUẦN HOÀN VÔ BIÊN TẾ. Sự Sống chúng ta được kết thành bởi một chuỗi Sát Na vô thường. Sự biến dịch vô thường xảy ra là do Nhân Duyên. Muôn loài đều vô ngã (Chư Pháp vô Ngã). Con người là do Tứ Đại giả hợp (Đất, Nước, Gió, Lửa) mà thành. Đất là cái gì Cứng trong người. Nước là cái gì Ẩm trong con người. Lửa là cái gì nóng trong con người. Gió là cái gì hoạt động trong con người. Tứ Đại hợp là Sinh. Tứ Đại Tan là Chết. Hợp là do Duyên Nghiệp. Vũ trụ cũng như vậy.
3. Nguyên Nhân và Nhân Duyên 
Phật Giáo cho rằng, trên đời cái gì cũng do Nguyên Nhân và Nhân Duyên tạo thành. Nguyên Nhân là căn nguyên chính. Nhân duyên là căn nguyên phụ.Ví dụ muốn làm ấm trà, phải có đất gốm (Nguyên nhân chính), và tài khéo người thợ (Nhân Duyên phụ). Cũng vậy, muốn gieo mạ, phải có lúa giống (Nguyên nhân chính), nhưng nếu lúa giống cứ để trong bao, không đem ra gieo (Nhân duyên phụ), thì lúa không sao mọc được. Ví dụ ta có tre, giấy, keo (nguyên nhân chính), lại có thợ khéo (Nhân duyên phụ), ta có thể có cái diều, cái quạt hay cái bình phong, tùy ý. Từ một nguyên nhân chính, với muôn vàn nhân duyên phụ thuộc, ta có muôn vàn vật dụng khác nhau. Nghĩa là từ một chất liệu duy nhất, một nguyên nhân duy nhất (Thể duy nhất), ta có thể có muôn vàn vật dụng khác nhau, tùy nhân duyên (Dụng vạn thù). Đó là một giáo điều then chốt của Phật Giáo). Chân Như là cái Nguyên nhân duy nhất, chính yếu. Mà Duyên nghiệp (Karma) là tất cả những căn do phụ nói trên. Như vậy, Đạo Phật cho rằng thế giới này sinh ra là do Chân Như (Nguyên nhân chính) và Duyên nghiệp (Các căn do phụ)
Nhân duyên, có từ vô thủy. Nhân thành quả, quả thành nhân. Không lệ thuộc không gian, thời gian. Chẳng qua là trên Bản thể của Vũ Trụ đã phủ thêm lớp sóng nữa mà thôi.
Trên mặt trùng dương, sóng lúc khởi, lúc diệt, nhưng nước biển cả không hề tăng giảm.
Sóng thì có sinh diệt, có thủy có chung, có đầu có đuôi, nhưng nước biển thì vô thủy, vô chung.
Hiện tượng trong vũ tru có sinh diệt, thủy chung, nhưng Bản Thể vũ trụ thì bất sinh, bất diệt, bất tăng bất giảm. Bản Thể vũ trụ là Chân Như. Hiện Tượng trong vũ trụ là Vạn pháp. Bản thể vũ trụ không Vô thường cũng không Vô Ngã.
Chân Như hay Bản Thể vũ trụ thời không sinh, không diệt, không tăng, không giảm, vô thủy, vô chung.
Vạn pháp là những hiện tượng trong vũ trụ, thời có sinh, có diệt, có tăng, có giảm, có thủy, có chung.
Chân Như là Vạn Pháp, vì Vạn Pháp phải nương vào Chân Như mới có Ngã, có Bản thể.
Chân Như vì là Bản Thể vũ trụ, nên Tuyệt đối, nên Bình đẳng, nên Tự do, nên Vô hạn, nên Độc Nhất. Nó như Nước trong trùng dương vạn hữu.
Vạn Pháp thời Tương Đối, thời Sai biệt, thời Hữu hạn, thời Bất tự do, thời Đa tạp. Nó như những đợt sóng trên mặt trùng dương vạn hữu.
Như vậy, nhất thiết chúng sinh đều có Phật Tính.
Bản thể chúng sinh với Bản thể Phật là Một.
Vì Nhân duyên nên họ mới thành ma quỉ, thành súc sinh hay thành người. Nhưng trên phương diện Bản thể, họ cũng có Phật Tính như ta.
Bản Thể là Phật Tính, Hiện tượng là Chúng sinh. Cao thấp khác nhau, tùy sức cảm ứng.
Bản Thể là NIẾT BÀN.
Hiện Tượng là SINH TỬ.
Niết Bàn là Nước.
Sinh tử là Sóng.
Thoát vòng sinh tử là Giải Thoát. 
4. Ba tín lý căn bản 
1. Có một Bản thể trường tồn, bất biến tràn ngập vũ trụ từ muôn thủa.
2. Bản thể ấy (Chân Như) tuy bình đẳng, nhưng đã sinh ra Vạn pháp do Nhân Duyên. Như vậy, gió Nhân Duyên đã thổi lên trên mặt trùng dương Bản thể, sinh ra Vạn Tượng, Vạn Pháp. Vạn Pháp, sinh sinh, diệt diệt theo định luật Nhân Quả.
3. Vạn pháp là Chân Như. Nói rằng Vạn Hữu, là có thật là sai, vì chỉ có Bản Thể là có Thực mà thôi.
Nói rằng Vạn Hữu không có thực cũng sai, bởi vì Bản Thể nó là thựïc. Các bậc Thực Đại thừa cấm không cho nói Vạn Pháp là Không (空) hay là Có (有) xuông.
Phải nói rằng Vạn Pháp không phải không, mà là có. Có vì chúng là những hiện tượng của Chân Như Bản Thể. Thế mới là Trung Đạo (中 道) như Bồ Tát Long Thọ đã nói. 
5. Tứ điên đảo 
Chúng ta phải nhìn vào triết học Phật giáo một cách đứng đắn, hẳn hoi.
Chúng ta đã biết Thiên Thai Tông chia vũ trụ thành 2 phần: Chân Như (Niết Bàn) và Vạn Pháp (Luân Hồi).
Chân Như thời Thường hằng, vĩnh cửu. (Thường 常).
Niết Bàn thời Hạnh Phúc (Lạc 樂).
Niết Bàn là Ngã, là Chân Ngã. (Chân như, Phật Tính) (Ngã ).
Niết Bàn là Thanh Tịnh (Tịnh )
Còn Vạn Pháp, Chúng Sinh hay Luân Hồi thì Vô thường, Khổ, Vô Ngã, Uế Tạp.
Coi Chân Như là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã là Uế Tạp là cái nhìn điên đảo, sai lầm.
Coi Chúng sinh là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh cũng là cái nhìn điên đảo, sai lầm.
Phải nhìn ngược lại cho đứng đắn.[5] 
6. Cái biết đúng đắn 
Người ta sai lầm, vì không hiểu rõ. Hiểu biết có 3 cấp:
1. Nhận định chủ quan, hời hợt, lấy giả làm thật, ví dụ thấy cái thừng tưởng là con rắn.
2. Nhận định tuy khách quan nhưng chưa đúng đắn, ví dụ chỉ biết nguyên nhân mà không rõ nhân duyên. Thấy cái thừng mà chỉ biết là chỉ biết là nó được bện bằng nhiều sợi dây nhỏ hợp lại.
3. Nhận định khách quan hoàn toàn., biết cả Nguyên nhân lẫn nhân duyên, như biết rằng cái thừng là do nhiều sợi gai kết lại, và do tay một thợ tết thành.
Cái hiểu biết chân chính là biết rằng vũ trụ này chỉ có một thực thể hằng cửu, bất biến đã sinh ra vạn hữu. Vạn hữu về phương diện Bản Thể thời bất biến (Chân Như), còn bên ngoài thời biến thiên ảo hóa (Vạn pháp).  
7. Tam Độc 
Con người ngu si hay lầm lạc là vì Tâm bị Tam Độc xâm nhập. Tam Độc là Tham, Sân, Si. Tham là tham lam, ham muốn. Sân là giận dữ, oán thù. Si làngu si, dốt nát. Tam độc làm ta không nhìn ra đạo lý chân chính,
Cho nên Phật Giáo tiên quyết muốn diệt trừ Tam Độc. Tâm ta như tấm gương chiếu soi mọi sự. Hoa đến chiếu hoa, trăng đến chiếu trăng. Nó cần tự chủ được mình, và phải luôn hướng về Phật Tính, bản tính của mình, tìm cầu cho mình được rốt ráo giải thoát. Muốn vậy, phải trừ Tam độc. Trừ Tham bằng Giới, tức là phải biết kiềm chế mình. Trừ Sân bằng Định tức là phải giữ cho lòng định tĩnh. Trừ Si bằng Tuệ, bằng Tuệ Giác. Đó là Tam Học. Có học hỏi, cố gắng như vậy, mới mong thoát Tham, Sân, Si. 
8. Luận về con người 
Con nguời là tập hợp của Ngũ Uẩn. Ngũ Uẩn là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành Thức.
1. Sắc là Sắc Thân, là Nhục Thể. Nó là Thân, Tâm ta, do Tứ Đại (Đất, nước, gió, lửa) sinh ra. Nó có sáu Giác quan: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý hay tâm.
2. Thọ (sensation) là cảm giác.
3. Tưởng (Perception) là Tri Giác.
4. Hành là hành động của Thân, Khẩu, Ý.
5. Thức (Conscience) là sự Hiểu biết.  
Ngoài ra ta còn có thêm Mạt na thức (Manas), và A Lại Da thức (Alaya). Mạt na là sự hiểu biết chưa toàn vẹn, vì còn cho rằng vạn vật là đa tạp. Còn A lại Da là cái biết giác ngộ toàn vẹn, nhìn ra được Chân Như, Phật tính, bản thể của muôn loài, nhận ra muôn loài là Một. Cho nên người ta thường nói Con người có Bát Thức (Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân, Ý, Mạt na thức, A Lại gia thức.) 
9. Bàn về Phật Giáo 
Phật Giáo dạy ta: Đừng làm chi ác (Chư ác mạc tác), phải làm điều lành (Chư thiện phụng hành), giữ lòng thanh tịnh (Tự tịnh kỳ ý), đó là lời chư Phật dạy (Thị chư Phật giáo).
Phải tìm cho ra Chân Như bản thể mình. Chân Như là Chân Lý. Theo Chân Lý đó là tốt, không theo là xấu.
Muốn theo Chân Lý đó ta phải dựa vào Tam Qui hay Tam Bảo.
Tam Qui là Phật, Pháp, Tăng.
Chân lý đứng về phương diện Bản Thể là Phật Bảo. Đứng về phương diện hiện Hiện Tượng là Pháp Bảo. Pháp bảo cũng là những giới luật đưa ta tới hoàn thiện. Đứng về phương diện diệu dụng là Tăng Bảo. Tăng Bảo cũng là toàn thể mọi người tiến tới hoàn thiện.
Trong dĩ vãng, hiện tại và tương lai thì Phật, Pháp, Tăng là Phật, giáo lý ngài và các môn đệ Ngài, tức là giớái tăng lữ.
Qui y Tam Bảo là thuận theo Chân lý Vũ Trụ (Qui y thử Tam Bảo tức tùy thuận vũ trụ nhi hành). Nguyện vọng 1 tu sĩ thường là như vậy. Nhưng Bồ Tát còn làm hơn thế nửa. Bồ Tát phải Tự lợi, Lợi Tha, đem tâm từ giải khắp chúng sinh, dạy cho mọi người biết mình có Phật Tính.  
10. Lánh dữ 
Giữ gìn Thân, Khẩu,Ý
3 điều phải tránh để giữ thân:
Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm. Đó là theo đúng định luật vũ trụ. Trọng sự sống, là trọng bản thể vũ trụ. Trọng của người, vì của cải là của mà vũ trụ cho mỗi người. Không muốn vợ chồng người, vì vợ chồng người là giây liên lạc xã hội để bảo vệ con người.
4 điều phải tránh để giữ miệng:
Tránh vọng ngữ (nói dối), khỉ ngữ (nói thêu dệt), ác khẩu (nói lời xúc phạm đến người), lưỡng thiệt, lưỡng diện ngữ (nói lời hai ý)
3 điều phải tránh để giữ ý:
Không tham, vì ai có phận nấy.
Không gây loạn, vì mọi sự đã tiền định.
Không tà kiến, vì Phật giáo dạy giác ngộ. 
11. Niết Bàn 
Đối với Tiểu Thừa Niết Bàn là thoát vòng sinh tử, là tịch diệt hoàn toàn.
Đối với Đại Thừa, Niết Bàn là Hạnh Phúc, là Chân, Thiện, Mỹ. Những người nhập Niết Bàn sẽ sống vĩnh cửu, trường tồn, bất biến, hạnh phúc, thanh tịnh, khiết bạch, hết biến thiên, hết đau khổ, hết uế tạp, phiền não, vọng tưởng. 
TỔNG LUẬN 
Trong khi trình bày quan điểm của Cha Léon Wieger, tôi đã bỏ đi vài đoạn mà tôi cho là không cần thiết.
Trong khi, viết thiên khảo luận này, tôi hết sức kính phục các vị Thiền sư sáng lập Thiên Thai Tông, như Trí Khải (571-597). Từ thời nhà Đường, mà các Ngài đã có những tư tưởng về đạo giáo cao siêu như vậy. Các Ngài đã nghiên cứu xâu xa về con người, các Ngài chỉ ngừng nghỉ, khi đã tìm ra được cái chốt, cái mộng trong con người. Cái chốt, cái mộng đó chính là cái mà các Ngài gọi là Chân Như, Phật Tính. Chủ trương chính yếu của các Ngài là muốn tìm Đạo, tìm Trời, tìm Phật, thời phải tìm nơi đáy lòng mình. Ngày nay ta gọi đó là Đạo Huyền Đồng (Mysticism).
Thiên Thai Tông thịnh hành bên Trung Quốc tối thiểu là 1000 năm. Đến thế kỷ XIV mới suy yếu dần, Tông phái này truyền sang Nhật, hồi thế kỷ thứ IX, và trở nên rất là phồn thịnh. Ở Nhật, ai cũng hoan nghênh học thuyết mới này. Nghe rằng bất kỳ vật nào cũng có một lúc thành Phật, họ ưa thích lắm. Thật là một tông phái nhân từ mở rộng cửa Phật cho chúng sinh.
Tại sao thành Phật không khó, mà xưa nay chúng ta ít ai thành Phật?
Thưa trước hết là vì chúng ta không tin xác quyết rằng mọi người chúng ta đều có Phật tính, đều có thể thành Phật. Sau nữa, chúng ta đòi hỏi những chuyện quá khó như là mình phải có lục thông, lên cõi trời phi phi tưởng v.v...
Sao ta không nói như Thiền Sư Mã Tổ (709-788), chỉ việc đói ăn, khát uống, sống theo đúng Bình Thường Tâm, sống cho tiêu sái, tự nhiên.
Chúng ta phải sống cho thực tế, không được sống theo tưởng tượng.
Phật giáo dạy ta làm sao đạt được Chân, Thiện, Mỹ mà thôi...
Wieger luôn luôn cho rằng Phật giáo đã vay mượn những tư tưởng trên của nền triết học Vedanta của Ấn Độ. Nhưng thực ra không phải vậy.
Tôi đã bỏ ra hơn 40 năm để nghiên cứu vấn đề này. Tôi thấy rằng bất kỳ ai trên thế giới này nếu thực tâm tìm cầu, thì tự nhiên, một ngày nào đó, cũng giác ngộ được là mình có Tính Trời, có Phật Tính, và trở nên thánh hiền, mà chẳng cần đọc sách của nhau. Tuy nhiên, những tư tưởng then chốt họ thường giống nhau. Mạnh tử nói: Tiên thánh, hậu thánh kỳ quỹ nhất dã. (Mạnh Tử, Ly Lâu chương cú hạ, 1).
Công giáo tối thiểu cũng có hơn 100 thánh hiền có những tư tưởng siêu tuyệt như vậy. Ví dụ: Eckhart, John of the Cross, Teresa of Avila...
Hồi giáo cũng có những thánh hiền tương tự: All-Hallag, Abu-Yasid, Yasid Bastami v.v...
Ấn giáo có nhiều thánh hiền danh tiếng như: Ramakhrisna, Vivekananda, Shri Aurobindo v.v...
Lão giáo có Lão tử, Trang tử, Hán Chung Ly, Lữ Đồng Tân, Vương Trùng Dương v.v...
Khổng giáo có Khổng Tử, Mạnh Tử, Lục Tượng Sơn, Vương Dương Minh v.v...
Ở Việt Nam, ngoài các Thiền sư như Trần Nhân Tông, Liễu Quán, ta thấy những văn nhân như Trần Cao Vân (1866-1916), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) cũng đã đi vào con đường Huyền Đồng (Mysticism).
Trong bài vịnh Tam Tài, cụ Trần Cao Vân đã nói:
Trời đất sinh ta có ý không,
Chưa sinh trời đất, có ta trong.
Ta cùng trời đất, ba ngôi sánh,
Trời đất in ta, một chữ đồng.
Đất nứt ta ra, trời chuyển động,
Ta thay trời, mở đất mênh mông,
Trời che, đất chở, ta thong thả,
Trời, đất, ta đây, đủ hóa công.
và:
Sống kỳ hạn, biết thì vô hạn,
Người trở nên Tiên, Phật, Thánh tông... [6]
Nguyễn Đình Chiểu viết:
Có Trời thầm dụ trong lòng,
Tuy ngồi một chỗ, suốt thông trăm đời.
(Ngư Tiều vấn đáp, tr. 372) 
Tìm ra được rằng trong mình có Chân Như, Phật Tính, rũ bỏ được vọng tâm (Vạn Pháp), đó là đắc đạo.
Đạo Lão gọi thế là Đắc Đạo, là Phối Thiên (Xem Đạo Đức Kinh, chương 68), là Đắc kỳ hoàn trung: Vào được Tâm Điểm vòng tròn biến dịch (Nam Hoa Kinh, Tề Vật Luận, Chương II, Đoạn C) v.v...
Đạo Nho cũng dùng hai chữ Phối Thiên (Trung Dung, chương 26 Cao minh phối Thiên).
Các nhà huyền học Công Giáo cũng chủ trương: Thượng đế chính là Cốt Lõi con người, là Trụ Cốt, là Chân tâm con người.
Cái «Bản Thể Thần Linh» ấy, theo lời Ruysbroeck, đã ở ngay «Tâm Đỉnh con người». Eckhart gọi đó là «Thần Quang»; Tauler gọi đó là «Căn cơ»; Giáo phaíù Quakers gọi đó là «Quang Minh nội tại»; các nhà Huyền học hiện đại gọi đó là «Nguyên Lý», nguồn mạch của mọi sự sống thực. [7]
Tôi nghĩ tôi bàn về tôn giáo đối chiếu như vậy đã quá nhiều cho khuôn khổ bài này. Quí vị nào thấy có hứng thú tìm kiếm thêm, xin tự làm lấy.

CHÚ THÍCH
[1] Đoàn Trung Còn, Các Tông Phái đạo Phật. 1943, tr. 53, 54.
[2] Xem Đoàn Trong Còn- Các Tông Phái đạo Phật, trang 56-57.
[3] Xem Bài Bản Thể và Hiện Tượng của tác giả, trong Hoa Sen số 13 tr. 34-64.
[4] Xem bài Bản Thể và Hiện Tượng của Tác Giả, trong Hoa Sen số 13, trang 34-64.
[5] Xem Phật Học Tự Điển, Đoàn Trung Còn, nơi chữ Điên Đảo.
[6] Xem Nhà Cách Mạng Trần Cao Vân với Trung Thiên Dịch, Trung Thiên Đạo, Lương Vĩnh Thuật, Trần Công Định, tr. 24.
[7] The «divine» essence or substance, which the introvertive mystic finds dwelling, as Ruysbroeck says, at the apex of man’s spirit is the «Spark of the Soul» of Eckhart, the «Ground» of Tauler, the «inward light» of the Quakers, the «divine Principle» of some modern Transcendentalists, - the fount and source of all true life. (Everlyn Underhill, Mysticism p. 100).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét