Chương 11
THÀNH CHÂN, CHỨNG THÁNH
Từ trước đến nay, chúng ta toàn bàn về lý
thuyết, về phương pháp tu Chân chứng Thánh. Chương này sẽ đưa ra ít
nhiều tiêu chuẩn để đoán định thế nào là Thánh Nhân, Chân Nhân. Nó cũng
có mục đích bổ sung cho chương Con đường giải thoát trên đây.
Trước hết, tôi hiểu chữ THÁNH một cách
rộng rãi hơn, siêu tuyệt hơn chữ 'thánh' mà dân gian thường hiểu. Đối
với tôi, thánh là những người đã:
– đạt tới THIÊN TÂM.
– đạt tới TRUNG TÂM ĐIỂM hằng cửu của vũ
trụ và của lòng người.
– ĐẮC NHẤT, ĐẮC THIÊN, ĐẮC ĐẠO.
– ĐÁO BỈ NGẠN; NHẬP NIẾT BÀN.
Tôi cũng thường hay gọi các vị Thánh, vị
Tiên, vị Phật là những người sống 'huyền đồng, huyền hóa với đất trời',
mà Âu Châu thường gọi là 'MYSTICS'.
– Tùy đạo giáo, mà THÁNH NHÂN có thể được
gọi là Phật, là Chúa, là Tiên, là Chân Nhân, là ĐẠI GIÁC, ĐẠI NGỘ.
Tôi nảy ra ý tưởng viết chương này, khi
đọc quyển Cosmic Consciousness của Richard Maurice Bucke, M.D.,
xuất bản lần thứ 1, năm 1901, và lần thứ 24 năm 1967. Lần xuất bản cuối
cùng do New York, E. P. Dutton and Company, Inc. phát hành.
Bác sĩ Bucke, sinh năm 1837, là con một vị
mục sư, gốc Anh quốc. Ông sinh ra được một năm thì gia đình di cư sang
Canada. Cuộc đời thơ ấu và niên thiếu của ông hết sức là cơ cực. Khi ông
lên bảy tuổi, mẹ chết; 17 tuổi, mẹ ghẻ chết. Sau đó ông bỏ nhà nhà đi
lang thang, là đủ nghề cực nhọc, như làm vườn, làm phu hỏa xa, làm nghề
đi tìm vàng v.v... Năm 20 tuổi, đi lên núi tìm vàng, bị lạnh, suýt chết
cóng. Tuy được cứu sống, nhưng bị cưa hoàn toàn một chân, và một phần
chân còn lại. ông khổ công học tập, và nhờ một số tiền do mẹ để lại, ông
vào trường thuốc năm 21 tuổi, và năm 26 đỗ bằng bác sĩ y khoa. Tuy là
một bác sĩ, nhưng ông lại rất thích thơ, thích triết. Ông tự học tiếng
Pháp, tiếng Đức, để đọc các triết gia Âu Châu. Một buổi tối mùa xuân,
1872, khi ấy ông 35 tuổi, ông cùng 2 người bạn họp nhau đọc thơ của
Wordsworth, Shelly, Keats, Browning, và Whitman. Nửa đêm, khi chia tay,
ông đánh xe ngựa ra về. Trên đường trường, khi còn đang say sưa với
những lời thơ, bỗng nhiên ông như có một làn mây màu lửa bao quanh.
Thoạt tiên ông tưởng là có cháy ở đâu đây trong tỉnh, nhưng sau mới biết
là ánh sáng đó tự trong mình ông phát ra. Ông tả rằng ánh vinh quang của
Brahman đó tuy là như điện xẹt trong giây phút, nhưng đã soi sáng cho
suốt đời ông sau này. Một chút hồng ân của Thượng đế khi ấy đủ làm cho
đời ông từ đó như vẫn hưởng được dư vị của thiên đường. Sau đó ông bắt
đầu viết sách để mô tả lại sự giác ngộ của ông. Quyển sách đầu tiên của
ông ra đời năm 1877 nhan đề là Man's moral nature (G.P.Putmam & Sons,
New York); quyển thứ hai chính là quyển Cosmic Consciousness,
ra đời năm năm 1901. Đêm ngày 19 tháng Hai, 1902, ông cùng vợ đi ăn tiệc
ở nhà bè bạn về, vì đêm đó trời đầy sao, nên trước khi đi ngủ ông ra
ngoài hiên ngắm sao một lần nữa. ông trượt chân vì một tảng đá băng, và
ngã đập đầu vào hiên nhà, chết lập tức (Xem chương đầu sách: The man
and the book).
Quyển sách của ông đã được Triết gia
William James, giáo sư triết học Đại Học Harvard, và P. D. Ouspensky,
một triết gia Nga Sô, hết sức ca ngợi.
Đọc sách của ông, biết ngay ông cũng là
một bậc đại giác, đại ngộ. ông dựa vào chứng nghiệm tâm linh của mình,
dựa vào những dữ kiện lịch sử, khoa học, tâm lý, đạo giáo để tìm cho ra
những nét chính yếu, để có thể minh định được ai là những người đã thành
chân chứng thánh. Tôi mượn sách này tại thư viện Huntington Beach, dưới
ký hiệu 126 BUC. Đó là một cuốn sách nên đọc, cho nên nhân tiện, tôi
giới thiệu nó với các độc giả.
Sau đây tôi toát lược tư tưởng của Bucke,
và sẽ góp ý với Bucke.
– Tuy cha ông là mục sư, nhưng từ bé, ông
không chấp nhận giáo lý của Giáo Hội. ông coi Chúa Jesus chỉ là một
người giác ngộ, cao cả. ông không tin con người có thể bị phạt đời đời
(tr. 8).
– Ông cho rằng trần gian này phải trải qua
3 cuộc cách mạng:
Trước hết là Cách
Mạng Kỹ
Thuật.
Thứ đến là Cách
Mạng Xã Hội
để quân bình hóa kẻ giàu, người nghèo.
Sau hết là cuộc
Cách Mạng Tâm Linh, khiến con người từ thân phận một con
người phàm tục, sẽ đạt Thiên tâm mà ông gọi là Cosmic Consciousness, để
thành Chân, chứng Thánh (tr. 4).
Thánh đường, thánh thất, hàng giáo phẩm
sau này sẽ không còn là cần thiết, con người sẽ trực tiếp tiếp xúc với
Thượng đế bằng tâm linh mình (tr. 5).
Richard M. Bucke nhận định rằng con người
có ba phần.
– Con người cảm giác, tri giác, mà ông gọi
là Simple Consciousness.
– Con người tâm tư mà ông gọi là Tư Tâm
(Self Consciousness).
– Con người siêu tuyệt, có linh tri, linh
giác mà ông gọi là
Vũ Trụ Tâm (Cosmic Consciousness) (Xem
sách trích dẫn trang 1– 18; nhất là trang 1– 2).
Theo ông, Vũ Trụ Tâm, nói theo từ ngữ Công
Giáo, đó chính là Đấng Cứu Thế, đấng Christ nội tại trong mỗi con người
(sách trích dẫn tr. 6).
– Đối với ông, Chúa, Phật, hay Thánh, hay
Tiên là những người đã đạt tới Vũ Trụ Tâm nơi con người, hay đã có
Thượng Đế sống động, linh hoạt trong tâm hoàn mình (tr. 147).
– Bucke cho rằng Vũ Trụ Tâm, đối với Chúa
Jesus, là 'Nước Chúa', 'Nước Trời' (kingdom of God); đối với Paul, đó là
Đấng Christ nội tại, hay Thần Chúa; Dante gọi đó là Béatrice (Making
happy = Nguồn hạnh phúc); Balzac gọi là
«Specialism»
(Toàn giác)
[1]; Phật gọi đó là Niết
Bàn (Nirvana).
[2]
– Con người có thể từ Tư tâm mà đạt tới
Thiên tâm, nhưng đó là một sự kiện hết sức hãn hữu. Theo ông, từ khi có
lịch sử loài người mới có khoảng 40 hay 50 chục người, ví dụ như Moses,
Lão Tử, Phật Thích Ca,, Socrates, Jesus, Paul, Plotinus, Mohammed,
Dante, John Yepes (John of the Cross) Spinoza v.v... (xem tr. 81)
Như vậy, họa hoằn mới có một thánh nhân ra
đời. Trong nhiều triệu người sống ở gian trần này, may ra mới có một
người thành chân chứng thánh.
Và theo thống kê của ông thì từ Đức Phật
Thích Ca đến Dante, là 1800 năm chỉ có 5 vị thành thánh, nghĩa là trung
bình 360 năm mới được một người. Từ Dante tới nay là 600 năm, có khoảng
8 người; trung bình cứ 75 năm mới được 1 người (Xem tr. 67).
Ông Bucke còn cho rằng khi con người đạt
Thiên Tâm sẽ biến thể, biến dạng (transfiguration), và sẽ siêu phàm nhập
thánh, siêu nhân hợp Thiên (transhumanization, theo từ ngữ Dante) (Xem
tr. 77). Sau khi khảo sát từng đời sống của những vị đã thành Chân,
chứng Thánh, ông Bucke đã tìm ra được những dữ kiện hết sức độc đáo như
sau:
– Muốn thành chân chứng thánh con người
cần phải «giác ngộ»
mà ông gọi là Illumination. Sự giác ngộ này thường xảy ra trung
bình vào khoảng 34–36 tuổi.
Cũng có những trường hợp sớm hơn hay muộn
hơn, nhưng hãn hữu. Ví dụ, Chúa Jesus, Paul, Phật Thích Ca, Dante v.v...
đều giác ngộ khi 35 tuổi.
Socrates, Mohammed giác ngộ khi 39 tuổi
(xem đồ bản tr.81).
– Thường giác ngộ vào những mùa Xuân, Hạ
(xem tr. 81).
– Giác ngộ thường kèm theo một cảm giác
phát quang trong đầu hay trước mắt.
– Nữ giới cũng đã có người đạt Thiên tâm
nhưng ít hơn nam giới.
– Những người giác ngộ thường là những
người nhiệt tâm cầu đạo.
– Sự giác ngộ đến một cách hết sức thình
lình và bất ngờ.
– Sau khi giác ngộ con người sẽ được
chuyển hóa: Sống cao siêu hơn, khinh khoát hơn, hạnh phúc hơn; hết còn
sợ hãi tội khiên và chết chóc.
– Cảm thấy rằng mình sẽ sống vĩnh cửu cùng
trời đất.
– Có thể tỏa ra một sức hấp dẫn phi
thường.
– Sau khi giác ngộ, sẽ sống hết sức hoạt
động, phong phú và có thể sẽ bắt đầu sáng tác rất nhiều. (xem tr, 78-
79).
– Những người sau khi đã giác ngộ đều
giống nhau khó mà phân cao thấp, và những lời giảng giáo hầu như là
giống nhau. ông viện dẫn lời Victor Hugo:
«Phân biệt ai hơn ai kém,
chọn ai hơn ai, thực là không thể được.»
[3]
Và lời của Arthur Lillie:
«Phật hay Chúa Kitô cũng dạy
một bài.»
[4]
Sau đó, tác giả dùng một phần lớn cuốn
sách để trình bày đời sống của từng vị đã thành chân chứng thánh, trường
hợp giác ngộ, tư tưởng, khẩu khí v.v...
Theo ý tôi, thì quyển sách trình bày tư
tưởng một cách vững vàng, khoa học.
Tiện đây, tôi góp thêm ít nhiều suy tư về
từng vấn đề.
– Tác giả nhìn thấy nơi con người có
Simple consciousness Self Consciousness, Cosmic Conscious- ness (sách
trích dẫn tr, 1- 3). Danh từ tuy khó hiểu nhưng vẫn không ngoài ba bình
diện nơi một con người: Đòa, Nhân và Thiên, (Xác, Hồn, Thần).
Đã từ mấy chục năm nay, tôi đã nhận thấy
rằng:
Nếu không chấp nhận con người có ba bình
diện: Xác, Hồn, Thần, thì chúng ta sẽ bế tắc, từ tư tưởng cho đến đời
sống, cho đến tương lai. Chúng ta sẽ không thấy cùng đích con người,
không bao giờ tìm được chân hạnh phúc.
– Tác giả cho rằng con người có thể tiến
vào được Vũ Trụ Tâm.
Tôi hết sức đồng ý. Năm 1968, khi viết
quyển Lecomte du Noüy và học thuyết Viễn Đích tôi đã viết như
sau:
«Mở rộng tầm mắt bao quát vạn vật và không
gian thời gian, Lecomte du Noüy cho rằng vũ trụ có hai chiều, hai hướng,
biến dịch, tiến hóa.
«Một chiều tiến hóa theo các định luật vật
chất một ngày một tiến tới bất động, ù lì, lạnh lẽo, hỗn loạn.
«Một chiều tiến hóa theo các định luật
tinh thần một ngày một tiến tới tinh vi, kỳ ảo, linh động sáng tươi, đẹp
đẽ, trật tự, hòa hợp. Và khi tinh thần tiến tới chỗ tinh hoa tuyệt diệu,
thì vật chất sẽ tiến tới chỗ hỗn loạn và triệt tiêu.
«Ta thấy nó giống với các định luật "Dương
tiêu Âm trưởng", và "Âm tiêu Dương trưởng" của Dịch Kinh, cũng như hai
chiều hướng tinh thần, vật chất, tiên thiên hậu thiên mà các tiên nho
thường đề cập tới khi vẽ các đồ bản Hà Đồ, Lạc Thư cách đây mấy nghìn
năm.
«Những vấn đề triết học, siêu hình, đạo
giáo, và định mệnh con người mà Lecomte du Nouy đề cập tới trong các tác
phẩm của ông, có thể hiểu được dễ dàng, nếu ta đem lồng chúng vào trào
lưu tư tưởng của các hiền thánh bốn phương xưa nay.
«Thực vậy, song song với các đạo giáo các
triết thuyết hiện hành, còn có một thứ triết thuyết và đạo giáo của các
nhà huyền học tứ phương.
«Về triết lý, các ngài chủ trương con
người gồm đủ tam tài thiên, địa, nhân. Nói theo từ ngữ triết học Âu
Châu, con người gồm có: Xác (địa), Tâm (Nhân), Thần (Thiên).
«Đó là quan niệm Tam Tài mà chính Thánh
Kinh cũng nhiều lần đề cập tới (I Thess. 5:23. Mat.22:37)
«Theo nhãn quan trên, thì con người có ba
thứ đạo, tức là ba thứ bổn phận:
«- VẬT ĐẠO: lo cho xác thân được khang
kiện, no ấm; chế ngự được ngoại cảnh.
«- NHÂN ĐẠO: lo cho tâm hồn được khinh
khoát, thoát vòng kiềm tỏa của dục tình, ăn ở xứng đáng với danh nghĩa
con người, tiếp nhân xử kỷ cho phải phép.
«- THIÊN ĐẠO: vươn lên tới bình diện tâm
linh, tâm thần, sống phối hợp cùng Thượng đế, bỏ lốt "phàm tâm", thể
hiện "Thiên tâm". Đó là giai đoạn "tâm tử, thần hoạt" của các nhà huyền
học Lão giáo, hay "nhân dục tận, Thiên lý hiện" của các nhà huyền học
Nho giáo.
Đó là luận điệu của các nhà huyền học muôn
phương, và giở thánh thư thánh Paulô, ta cũng thấy đầy tràn âm hưởng
tương tự (Rom. 8:14. I Cor. 7:10. Gal. 4:6- 7; 5:18; 11:20).
«Theo nhãn quan này, thì con người sinh ra
chưa phải là con người thực; còn phải tốn công mài dũa, tu luyện lâu lai
mới thành người; lại Đi từ con người đến địa vị thần thánh cũng thực là
nhiêu khê vất vả. Sinh ra là phàm nhân, con người phải dùng đời mình để
cố gắng trở nên hiền thánh. Như vậy thì càng về chiều, càng về già, thời
gian càng trở nên quí báu, quan trọng, và con người không bao giờ được
ngừng nghỉ, phải tiến bước mãi để đạt đích hoàn thiện. Con người chỉ trở
nên bất tử khi đạt Thiên địa tâm. Các hình thức bên ngoài, các giáo lý,
mới đầu rất cần thiết vì nó hỗ trợ con người trong công trình đi tìm
chân lý, nhưng khi đã nhìn nhận thấy con đường nội tâm, và đã biết
phương pháp suy tư, định tâm, định trí bên trong, thì các phương thức
bên ngoài trở thành tùy thuộc. Tất cả các phương thức, chỉ có giá trị ở
chỗ giúp đỡ con người tìm ra được CHÂN THẦN, sống cao siêu, phối hợp
được cùng Thượng đế, ngay từ khi còn ở gian trần này. Khi đã đạt đích,
thì mọi sự không còn cần yếu nữa.
«Con người phải chứng nghiệm được những
giai đoạn mình đã băng qua, những kết quả đã thâu lượm được, ngay từ khi
còn ở trần hoàn; cho nên mới đầu thì phải nhờ người hướng dẫn, sau dần
dà phải tự mình điều khiển, lèo lái lấy cuộc đời mình, theo đúng đường
lối, gương tích của các bậc thánh hiền tiền bối...
«Định mạng mỗi cá nhân và định mạng nhân
quần chỉ là một. Định mạng ấy rất cao siêu, sang cả. Tuy nó đã được tiền
định do Thiên ý, nhưng sự thực hiện định mạng này hoàn toàn lệ thuộc vào
thời gian, tuổi tác cá nhân và nhân loại, vào tầm nhìn lối nghĩ, trình
độ hiểu biết của cá nhân và nhân loại, cũng như vào sự cố gắng và sự tha
thiết tìm cầu. Vì thế nó cần có một tiến trình vô hạn để thực hiện.»
[5]
– Bác sĩ Bucke cho rằng thành Chân, chứng
Thánh là một chuyện rất sức hi hữu. Trước kia, cứ ba trăm năm mới được
một người. Trong khoảng năm trăm năm gần đây, ngót 100 năm mới lại có
một người. ông xếp Chúa, Phật, Lão tử vào trong 1 bảng thành chân chứng
thánh như mọi người khác.
Thực ra không ai phủ nhận được rằng Thành
Chân Chứng Thánh là một chuyện hết sức hi hữu. Chúa Jesus cũng đã nói:
«Kẻ gọi thì nhiều, kẻ
chọn thì ít.» (Mat.
22: 14). Đông phương cũng thường nói:
«Vào đạo như lông trâu;
đắc đạo như sừng thỏ».
Nhưng thực sự không đến nỗi ít như vậy. Sở dĩ tác giả thấy quá ít,
chỉ vì tác giả không đi sâu vào từng đạo giáo mà tìm. Nguyên tìm trong
các thư mục Âu Châu bàn về các bậc Chân Nhân (Mystics), ta cũng đã thấy
có khá nhiều Chân Nhân thuộc Thiên Chúa giáo, Hồi Giáo v.v...ấy là ta
còn chưa đi vào các Mật tông, Mật giáo Âu Châu, như Kabbalah (Do Thái
giáo), Free Masonry, Rosi-crucians, Alchemy, hoặc Huyền học Hồi giáo,
như Sufism (Bạch Y). ấy là ta cũng chưa khui ra các vị thánh nhân trong
Bà La Môn, như Gandhi, như Ramakrishna, như Sri Aurobindo v.v..., chưa
tìm được đầy đủ danh sách các vị Thiền Sư Trung Hoa đắc đạo, như Bồ Đề
Đạt Ma, Tuệ Khả, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng, Lâm Tế, Bách Trượng, Mã Tổ, Qui
Sơn, Vân Môn, hoặc các vị Phật, các vị Bồ Tát, như Ma ha Ca Diếp, Vô
Trước, Thế Thân, Long Thọ, hay các vị thánh hiền Khổng giáo, mà Nho gia
gọi chung là các vị đã đạt đạo Trung Dung, như Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang,
Văn, Chu Công, Khổng tử, Mạnh Tử, Chu Liêm Khê, Trình Di, Trình Hạo
v.v... và các vị Chân tiên trong đạo Lão như Quảng Thành Tử, Lão Tử,
Trang Tử, Liệt tử, Trương Tam Phong, Hán Chung Li, Lã Đồng Tân, Bạch
Ngọc Thiềm, Vương Trùng Dương, Khưu Xử Cơ, v.v...
Có một điều chúng ta dễ dàng nhận xét thấy
được rằng, từ hai thế kỷ nay, khi mà Đông Tây gặp gỡ nhau, trao đổi nhau
về văn hóa, khi mà các thánh thư, thánh truyện Đông Tây đã được đăng
tải, khi mà chúng ta có nhiều phương tiện, có nhiều sách vở hơn, nhiều
thư viện hơn, thì số người Thành Chân, chứng Thánh càng ngày càng trở
nên đông đảo hơn. Nhưng tuy gọi là đông đảo, nhưng cứ nhiều triệu người
sinh ra, mới có một đôi người thành chân, chứng thánh.
– Bucke cho rằng Chúa Jesus cũng chỉ là
một con người giác ngộ.
Về điểm này, chúng ta cũng nên nhận định
rằng dưới con mắt tín đồ, thì Phật, hay Chúa, hay Lão, đó chính là những
vị Tiên, Phật, Chúa giáng trần, tuyệt luân, siêu việt.
Nhưng khi xem thái độ các Ngài, thì thấy
các Ngài hết sức khiêm cung. Chúa Jesus tuy xưng mình là một với Chúa
Cha, là Con Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng đã dùng lời Kinh Thánh cũ,
long trọng tuyên xưng mọi người đều là Chúa, là Thần (John 10:34- 35);
tuy Ngài làm nhiều phép lạ, nhưng đồng thời vẫn long trọng nói rằng, nếu
ai tin vào những khả năng con người, thì cũng có thể làm được những phép
lạ, cũng có thể đảo hải di sơn (Luke 17:6. Marc 11:23. Mat. 17:20;
21:21); chẳng những làm được phép lạ như Ngài, mà còn hơn Ngài nữa (John
14:12).
Ngài cũng tuyên xưng: Chúa Cha là Chân
Chúa duy nhất, còn Ngài chỉ là sứ giả của Chúa Cha (John 17:3); Chúa Cha
lớn hơn Ngài (John 14: 28).
Phật cũng tuyên xưng: «Ta là Phật đã
thành, các bạn là Phật sẽ thành.»
Ngài chỉ nhận
«mình là ngón tay chỉ trăng»,
và khuyên mọi người hãy tự thắp đuốc mà soi cho chính mìmh. Thực là
khiêm cung vô hạn.
Còn như đối với các triết gia, các bậc
giác ngộ, thì các Ngài chỉ là những bậc giác ngộ trước chúng ta mà thôi.
William Blake (1757- 1827) nói với
Robinson: «Chúa Jesus Christ, là Thượng đế duy nhất, và tôi cũng vậy, và
bạn cũng vậy.»
[6]
Daniel Rope, khi phê bình quyển Định
Mệnh con người (L'Homme et sa destinée) của Lecomte du Noüy, đã nhận
định rằng, đối với Lecomte du Noüy, Chúa Jésus có lẽ chỉ là một tấm
gương hoàn thiện nhân loại hơn là Thiên Chúa giáng trần.
[7]
Ngày 18 tháng 3, 1838, Ralph Waldo
Emerson, đã viết trong Nhật ký (Journal) của ông như sau: «Tôi tiếc rằng
trong loạt bài diễn văn của tôi mới đây, tôi đã không nói rành rẽ và
vạch ra cái điều sai lầm lớn của xã hội hiện nay của chúng ta về phương
diện tôn giáo. Chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới bình an, tới uy dũng,
cho đến khi nào đặt được niềm tin vào cơ cấu tâm linh của con người,
thay vì vào Thiên Chúa Giáo của lịch sử. Cái niềm tin vào Thiên Chúa
giáo mà nhiều người đang có là một sự 'bất tín' về con người. Họ coi
đấng Kitô như là một Vị Chúa thay vì như là một Người Anh. Đấng Kitô rao
giảng sự cao cả của con người, nhưng chúng ta chỉ nghe thấy sự cao cả
của đấng Kitô.»
[8]
Trong bức thư đề ngày 24- 7- 1966, Đức
Hồng Y Ottaviani gửi cho các Chủ Tịch Giám mục đoàn, Ngài đã có đề cập
đến những dư luận «kỳ dị và
nguy hiểm» đang làm xao
xuyến giáo dân, ví dụ... có người coi Chúa Cứu Thế như là một người
thường «đã dần dà nhận ra mình là Con Thiên Chúa»; cũng như sự Chúa sinh
do Đức Mẹ đồng trinh, những phép lạ của Ngài, và sự Ngài sống lại, tuy
vẫn được «chấp nhận trên từ
ngữ», nhưng sự thực đã được
coi là những sự kiện tự nhiên...[9]
Nhìn sang phía trời Đông, ta cũng thấy Cát
Hồng nhận định về Lão tử như sau: «Các
học giả có óc chất hẹp hòi đã coi Lão Tử như là một người Trời siêu xuất
quần sinh, và khuyên các thế hệ tương lai bắt chước Ngài; nhưng làm như
thế tức là ngăn cản không cho mọi người tin được rằng có thể nhờ học
hành mà tìm ra được bí quyết trường sinh bất tử. Thực vậy, nếu Lão tử
chỉ là một hiền nhân đã đắc đạo, thì mọi người phải hết sức để theo
gương, bắt chước Ngài; nhưng nếu ta nói rằng: đó là một nhân vật đặc
biệt, có thiên tính, thì ta không thể nào bắt chước Ngài được nữa.»
[10]
– Bucke cho rằng giác ngộ thường vào
khoảng 34-36 tuổi.
Theo ông, Chúa Jesus sinh năm – 4, trước
Công nguyên, giác ngộ khoảng 35, 36 tuổi, chết vào năm 35 Công nguyên
(xem sách trích dẫn, tr.97- 98).
Thực ra cho đến bây giờ quần chúng được
dạy dỗ rằng Chúa sinh ra năm 1, ra giảng đạo năm 30 tuổi, chết năm 33
tuổi.
Nhưng khảo sát lại lịch sử, thì ta thấy
Giáo Hội Công giáo, vào khoảng giữa thế kỷ thế VI, đã dựa vào một sự
tính toán sai lầm của tu sĩ Dyonisius the Dwarf, nên mới dạy rằng Chúa
sinh năm 1 (Sách trích dẫn, tr.98, chú thích *). Cho nên, Giáo Hoàng
Gregory 1 (540- 604), khi cải lịch đã lấy năm La Mã 754 làm năm 1, vì
tưởng Chúa sinh năm ấy. Ngày nay, các học giả thế giới đều biết đó là
kết quả của một sự tính lầm. Các tác giả Bible de Jerusalem, một
bản văn Thánh Kinh mà Công Giáo chấp nhận, nơi cuối sách đã ghi Chúa
Jesus sinh khoảng năm – 7, hay – 6 trước Công Nguyên. Thánh sử Luke ghi
Chúa ra giảng đạo «khoảng
năm 30 tuổi» (Luke 3:1- 23).
3 thánh sử Matthiew, Marc, Luke chép Chúa đi giảng đạo một năm. Theo
John, thì khoảng 3 năm. Như vậy Chúa sinh năm nào, chết năm nào, đi
giảng mấy năm cũng không hoàn toàn chính xác.
Cho nên, nếu Bucke suy toán Chúa giác ngộ
năm 35 cuõng có thể chấp nhận,
Từ năm 1956, tôi cũng đã tìm ra được định
luật về tuổi tác này. Tôi dựa vào Dịch, và thấy Dịch bàn về Giác Ngộ nơi
quẻ Phục. Dịch cho rằng khi con người giác ngộ, tức là khi con người tìm
thấy được Thiên tâm nơi lòng mình. Nhìn vào vòng Dịch tiên thiên, nếu ta
coi Cấu là lúc sơ sinh, thì Phục sẽ là giữa cuộc đời. Nếu tính trung
bình cuộc sống con người là 70, thì Phục sẽ là vào khoảng 35. Sánh với
Thiên Văn Học Âu Châu, thì quẻ Cấu ứng với Cung Cự Giải (Cancer), và
Phục ứng với cung Ma yết (Capricorn). Người Âu Châu cho rằng cung Cự
Giải là Cửa Người, cung Ma yết là Cửa Thần Minh.
Phục là Tí, là điểm NHẤT DƯƠNG SINH, nên
Tí cũng hàm nghĩa sinh lại, hàm nghĩa phục sinh, chẳng những cho mặt
trời mặt trăng, cho vạn vật, và cũng cho cả tâm linh con người.
Nên phối hợp Dịch và Chiêm Tinh học Á và
Âu, ta thấy con người sống như là Con Người cho đến 35 tuổi, sau đó Tâm
Linh có thể bừng nở, và từ ấy con người có thể sống một cuộc sống Thần
Linh, huyền hóa với trời đất.
Và như vậy, con người cũng như một cây, có
lúc chỉ sinh lá; muốn sinh hoa, kết trái, cần phải có một thời gian
nào...
Nếu ta coi đó là một định luật vũ trụ, thì
sẽ thấy không ai có thể là Phật, là Thánh từ khi mới lọt lòng...
Trong quyển Chân Dung Khổng Tử của
tôi, đã xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1987, nơi Chương VI, tôi đã nhận định về
vấn đề này như sau:
«Thế nhân thường cho rằng đã là Thánh
nhân, đã là giáo chủ, thì phải là Thánh nhân ngay từ trong bụng mẹ, phải
có một thai sinh kỳ bí, thoát khỏi hết các định luật và trật tự chi phối
vũ trụ, nhân quần, lại thông minh tuyệt đối, sinh nhi tri chi, không cần
học hỏi suy tư gì, mà đã biết hết mọi sự trên trời dưới đất, quá khứ vị
lai, ngay từ tấm bé.
Nói thế chẳng khác nào nói rằng có những
cây vừa mới mọc đã cao vút từng mây, đã sinh hoa, kết quả sum sê, hay có
những người vừa mới sinh ra đã trưởng thành ngay không cần cúc dục, cù
lao, không cần thời gian, tuổi tác...
Thiết tưởng muốn tìn hiểu thánh hiền, ta
không nên bắt chước đường lối phàm tục đó, mà phải tìm cho ra những tiêu
chuẩn chính xác hướng dẫn sự suy khảo của chúng ta.
Tuân tử nói: Quân tử thời nói điều chân
thường, hợp lý; tiểu nhân nói điều kỳ quái. (Vinh nhục VI) (Xem Trần
Trọng Kim, Nho giáo tr. 308).
Sách Minh Triết, thánh thư Công giáo nói:
Ta đây cũng phận hèn như chúng,
Cũng tổ tông xác đất vật hèn,
Cũng từ bụng mẹ thai nên,
Tinh cha huyết mẹ, đôi bên tạo thành.
Cũng mười tháng, mới sinh, mới nở,
Khi lọt lòng cũng thở khí phàm,
Như ai cũng kiếp trần gian,
Mới sinh cũng khóc mà toan chào đời,
Cũng tã lót, cũng thời cúc dục,
Cũng cù lao cực nhọc như ai.
Xưa nay vua cũng như tôi,
Tử sinh một phép, có đời nào đâu?
(Phỏng dịch Livre de la Sagesse VII,
1:6)...
Mạnh tử viết: «Phàm những vật đồng loại,
thì bản tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại, người ta lại nghĩ
rằng bản tính chẳng tương tự? Những vị thánh nhân và chúng ta đều là một
loại.» (Mạnh tử, Ly lâu chương cú hạ, tiết 12).
Khảo về đời sống và những lời giảng giáo
của các vị giáo chủ, ta thấy:
1. Sự khôn ngoan, thông thái của các Ngài
cũng cần phải có đủ thời gian, tuổi tác, mới phát triển được.
[11]
2. Nhiều khi các ngài cũng phải học hỏi
với các bậc tiền bối, trrước khi trở nên minh giác.
[12]
3. Học thuyết các Ngaøi, tư tưởng các Ngài
cũng có nhiều vay mượn ở nơi các học thuyết, hoặc các luồng tư tưởng đã
có từ trước.
4. Các Ngài có công ở chỗ là làm cho những
tư tưởng cũ kỹ trở nên linh động, có thần lực tác động, lôi cuốn, hoán
cải được quần chúng.
Chủ trương rằng các vị thánh hiền xưa cũng
cần phải có thời gian tuổi tác mới phát huy được trí tuệ và đức độ mình,
mới đi đến chỗ giác ngộ, chủ trương rằng các Ngài cũng phải cố
gắng nhiều mới tiến tới địa vị siêu việt, là một chủ trương hết sức lành
mạnh.
– Nó phản ảnh lại chân thực cuộc đời các
Ngài, giúp ta gạt bỏ được hết mọi huyền thoại.
– Nó hợp với các định luật tự nhiên.
– Nó cũng chẳng làm giảm giá trị các Ngài
chút nào.
– Nó vạch cho ta thấy con đường và phương
pháp để trở nên hiền thánh.
– Nó phù hợp với quan niệm của các danh
nho, vì Nho gia vốn chủ trương rằng nếu chúng ta cố gắng tiến hóa, tu
trì theo đúng đường lối, thì cũng có thể nên như vua Nghiêu, vua
Thuấn (Cf. Mạnh tử, Ly Lâu chương cú hạ, tiết 28- 32...)
– Nó cũng phù hợp với những học
thuyết tiến háa, thuyết viễn đích mới mẻ nhất, cho rằng nhân loại sẽ còn
tiến hóa lâu dài, để trong một thời gian còn xa lắc, sẽ tiến tới cực
điểm tinh hoa: đó là sống một cuộc đời thần tiên, phối hợp với Thượng
đế. Các Thánh Hiền chẳng qua là những người đã sớm lãnh hội được định
mệnh cao cả của con người và đã thực hiện được ngay trong đời mình định
mệnh sang cả ấy. Như vậy các Ngài chỉ là những người tiền phong khả
kính, soi đường, chỉ lối cho chúng ta noi theo mà bắt chước để nên giống
các Ngài (Xem Nguyễn văn Thọ, Chân Dung Khổng Tử, tr. 85- 88).
Trong khi bàn về các quẻ «Dịch Tiên Thiên»
tôi đã nhiều lần nói rằng con người trong nửa đời đầu, sẽ là CON NGƯỜI,
sẽ sinh con đẻ cái, sẽ làm mọi nhiệm vụ trần hoàn. Còn nửa đời sau, bắt
đầu từ 34, 35 tuổi, con người sẽ có thể thành CON TRỜI. Và suy ra, thì
NHÂN LOẠI trong tương lai, sẽ có rất nhiều người trở thành CON TRỜI.
Chính vì vậy mà trong quyển Lecomte du
Noüy và Học Thuyết Viễn Đích, xuất bản năm 1968, nơi đầu chương IV,
tôi đã viết:
Hoàn cầu phục vụ con người,
CON NGƯỜI nay trước, CON TRỜI mai sau.
Nội tâm cố tiến vào sâu,
Cửa trời dần mở. cơ mầu dần hay.
Chớ còn gàng quải đó đây,
Ngoài tuy muôn nước, nhưng nay một
nhà,,,,
Thiên sơn vạn thủy băng qua,
Muôn ngươì như một, thái hòa khắp
nơi...
Và với viễn tượng ấy, nơi đầu Chương III,
trong sách trên của tôi, tôi đã mượn ý thơ Plein Ciel của Victor
Hugo mà viết như sau:
Thuyền nhân loại hướng về đâu tá?
Thuyền quang hoa băng ngả thần tiên,
Tiến về mai hậu siêu nhiên,
Tiến về đức hạnh, nguyên tuyền tinh
hoa.
Ánh khoa học trời xa lóng lánh,
Thuyền quang hoa băng cảnh thần tiên,
Tiến về đẹp đẽ tinh tuyền,
Tiến về mai hậu, về miền muôn sao.
– Bucke nhận định rằng sự giác ngộ nó đến
một cách bất thình lình, không sao mà ngờ trước được.
Có thể nói đó là một định luật, tất cả
những người đã giác ngộ đều thấy như vậy.
Nho gia xưa đã dùng hai chữ
«Hoạt Tý»
(Cái giờ Tý linh động) để tả sự đến bất kỳ đó.
Thiền tông đã dùng hai chữ ĐỐN NGỘ.
Chúa Jesus giác ngộ sau khi chịu phép rửa
nơi sông Giorđanô; thánh Paul giác ngộ khi đang đi lo bắt các người Công
giáo trên con đường tới thành Damas; Phật giác ngộ sau khi ngồi thiền
định lâu lai, dưới gốc bồ đề; thiền sư Nghĩa Hoài giác ngộ khi đang gánh
nước mà thùng nước bị bể; Linh Vân đồ đệ của Qui Sơn, nhân nhìn hoa đào
mà giác ngộ; Thủy Lạo hòa thượng, bị Mã Tổ tống cho một đạp té nhào, hốt
nhiên giác ngộ. Thật hết sức kỳ lạ.
Phúc âm khi viết: Không biết Con Người
đến lúc nào và giờ nào (Mat. 24:42- 44; 25:13) cũng là nói lên ý ấy.
Bác sĩ Bucke cho rằng:
– Giác ngộ thường kèm theo một cảm giác
phát quang trong đầu hay trước mắt.
Bucke tự thuật đêm phát huệ có thấy phát
quang. ông cũng dẫn nhiều chứng tích cho thấy khi phát huệ thường có
hiện tượng phát quang, như trường hợp thánh Paul, thánh John of the
Cross, hay Mohammed v.v...
Những ai trải qua kinh nghiệm này rồi mới
thấy Bucke nói là đúng. Khi giác ngộ, thần quang trong người như tụ lại
trong đầu, hoặc người giác ngộ, phát huệ có thể thấy như được bao phủ
bởi một bởi một làn điện khí...
Một vị La Hán trong bộ kinh Nikaya, tuyên
bố về tâm sự giải thoát: «Tâm tôi bỗng bừng sáng lên chứng quả giải
thoát vô thượng. Đây là thọ thân sau rốt của tôi, từ đây dứt hết nghiệp
tái sinh rồi.» Lúc ấy, con người sẽ đạt tới trạng thái «soi thấy
trong một niệm».
Suzuki viết trong quyển Thiền Luận: «Khi
tâm chuyển ngược lại nếp vận động thường, thay vì phân tán ra ngoài thì
thu nhiếp vào trong đến chỗ nhất như, đó là bắt đầu thành tựu trạng thái
"soi thấy trong một niệm" (nhất tâm kiến chiếu), vô minh hết tạo tác, và
những cảm nhiễm (lậu) hết hoành hành. Giác như vậy, là một trạng thái
tuyệt đối của tâm dứt bặt hết phân biệt: vọng tưởng... Giác như vậy, là
một trạng thái tuyệt đối của tâm dứt bặt hết phân biệt.» (Xem Suzuki,
Thiền Luận I, Trúc Thiên dịch, tr. 200).
Và chính nhờ cái biết vô phân biệt này,
hết còn khách thể, chủ thể, mà con Người đồng hóa mình với Thöôïng đế và
vũ trụ. Cho nên, nói theo từ ngữ Phật giáo, thì khi chưa Giác Ngộ con
người còn ở trong Vô Minh. Mà trong Vô minh, thì
«người biết»
tách rời «sự biết»,
ngoại giới biệt lập với nội tâm, nghĩa là luôn luôn có những cặp mâu
thuẫn đối lập nhau...
– Bucke đã nhấn mạnh rằng khi con người đã
giác ngộ, ngoài sự đạt được siêu thức, còn thấy mình được hạnh phúc,
bình an trong tâm hồn. Pascal, John of the Cross. Bucke v.v... đều đề
cập tới một nguồn vui, một nguồn hạnh phúc tràn ngập tâm hồn.
Nhiều người sau khi giác ngộ đã đánh dấu
giây phút ấy bằng những bài thơ, như Thiệu Khang Tiết, như Chu Hi...
Tôi cho rằng:
«Đạo tâm khai, thi văn
xuất...»
Tôi còn thấy rằng phần đông sau khi giác
ngộ các Thánh Hiền xưa đều đã thấy thần lực tăng thêm rất nhiều, và bắt
đầu đi giảng giáo, đi hoằng hóa chúng sinh, như trường hợp đức Phật,
Chúa Jesus, Khổng tử, Mohammed v.v...
– Bucke cho rằng thánh hiền sau trước đều
có chủ trương giống nhau. Điều đó không sai. Mạnh tử cho rằng: Thánh
trước, thánh sau đều cùng một đường lối (Tiên thánh, hậu thánh kỳ
quĩ nhất dã).
Cát tiên ông cũng viết:
Thiên hạ vô nhị
đạo, 天 下 無 二 道
Thù đồ nhi đồng
qui. 殊 途 而 同 歸
Thánh nhân vô lưỡng tâm,
聖 人 無 兩 心
Bách lự nhi nhất
trí. 百 慮 而 一 致
Dịch:
Đạo trong thiên hạ há pha phôi,
Đường nẻo khác nhau, đích một thôi.
Thánh hiền sau trước lòng không khác,
Lo lắng trăm đàng đích một thôi.
(Tây sơn quần tiên hội ký, tr. Ia)
Tại sao lại có sự tương đồng như vậy?
Ta có thể nói như Marc Semenoff, trong bài
tựa của ông ở đầu quyển sách La Pensée du Bouddha (Tư Tưởng Đức
Phật) rằng: «Sự tương đồng ấy chẳng phải ngẫu nhiên... Cái duyên do đã
tạo nên sự tương đồng ấy – một sự tương đồng vượt lên trên không gian và
thời gian – chính là Thực Thể duy nhất.
Thực Thể ấy là nguồn gốc thế giới chúng
ta, và nhân quần.
Thực Thể ấy là sự phát triển, tiến hóa của
thế giới chúng ta và nhân quần.
Thực Thể ấy cũng chính là cùng đích của
thế giới chúng ta và nhân quần.
Chân lý chính là sự biểu dương, là sự phát
huy của Thực Thể ấy.
Những chân lý (địa phương) là những cách
thức mà Thực Thể ấy dùng, để biểu dương, qua những lời giảng giáo, những
bút tích của các vị Chân nhân, các vị Tiên tri, các vị Hiền triết. Những
cách thức dùng để phát biểu chân lý ấy, dĩ nhiên lệ thuộc vào chủng tộc,
vào tính tình, vào tâm tư của từng dân nước. Vì thế cho nên tuy hình
thức khác nhau, tuy cách trình bày khác nhau, nhưng căn cốt và nội dung
chính yếu thì giống nhau, bởi vì căn cốt, nền tảng ấy, chính là chân lý
phát xuất từ một Thực Thể duy nhất.» (Xem Chân dung Khổng tử
tr.337- 338).
Riêng tôi, sau khi đọc kỹ về đời sống
Khổng tử, và Tứ Thư Ngũ Kinh, vào khoảng những năm 1956-1957, tôi đã tìm
ra lẽ nhất quán của trời đất. Sau đó, đọc Bà La Môn, hay Phật giáo, hay
Lão giáo, hay Thiên Chúa Giáo, Hồi giáo, tôi chỉ toàn nhìn thấy cái
tương đồng... Từ đó, cứ nhờ đọc đạo này mà tôi lại thấu hiểu thêm đạo
kia... Và câu «Tiên thánh
hậu thánh, kỳ quĩ nhất dã»
của Mạnh tử đối với tôi là một chân lý. Chính vì quan niệm như vậy,
nên tôi rất mến đọc Meister Eckhart, John of the Cross, Paul,
Ramakrishna, Vivekananda và các hiền thánh Đông, Tây, kim cổ, bất kỳ là
các Ngài thuộc đạo giáo nào trong thiên hạ. Tôi càng ngày càng thấy rằng
nếu ta không đồng thanh đồng khí được với các Ngài, thì các Ngài nói một
đàng, ta sẽ hiểu một nẻo, hoặc lời lẽ các Ngài sẽ trở nên tối tăm, xa
lạ. Còn như ta mà cảm thông được với các Ngài thì tất cả những lời các
Ngài sẽ trở nên minh thị, trong sáng, và có năng lực chuyển hóa tâm linh
chúng ta, bất kỳ là ta đọc thánh hiền Đông hay Tây, kim hay cổ.
Người xưa thường tránh nếu không gặp người
«thanh khí»,
sẽ không thể thố lộ tâm tình, chính là vì vậy.
Mới hay:
«Lộ
phùng kiếm khách, tu trình kiếm,
Bất thị
thi nhân mạc hiến thi.»
Dịch:
Gặp tay kiếm khách, âu bàn kiếm,
Chẳng phải thi nhân, chớ tặng thi.
Chúa Jesus cũng đã phán: «Đừng cho chó
những gì thiêng quí, đừng cho lợn những thứ ngọc châu. Chúng nó sẽ dẵm
lên, và quay lại cắn xé bạn.» (Mat. 7,6)
Lời này sâu sắc biết bao: Xưa nay bao
thánh hiền chỉ vì nói hay, nói phải, nói cao siêu, mà đã bị tiểu nhân,
bị phàm phu tục tử bách hại...
Nhờ ở định luật
«Thanh khí lẽ hằng»
mà Eckhart đã dám viết: «Tôi thấy Chúa bằng con mắt nào, thì cũng bằng
con mắt ấy Chúa thấy tôi. Mắt tôi, và mắt Chúa chỉ là một mắt, một khuôn
mặt, một hiểu biết, một tình thương.» (Suzuki, Thiền luận I, tr.197).
Câu này cũng y thức như câu của Chúa Jesus: «Cha ta và ta là một.»
(John, 10:30).
Để chứng nghiệm được là khi nào đạt Thiên
Tâm, Bucke đã toát lược tư tưởng thánh John of the Cross đại khái như
sau:
Yepes cho rằng Thượng đế luôn hiện diện
trong tâm hồn con người, nhưng thường thì là ở thế
«thụ động»
hay «tiềm ẩn»,
hay ít ra cũng vượt lên trên tầm trí lự con người, Tâm hồn nào biết có
Chúa ngự bên trong đã là diễm phúc, nhưng tâm hồn nào có được Chúa linh
hoạt bên trong, mới thực có diễm phúc siêu tuyệt. Trong quyển sách này
(Cosmic Consciousness) gọi sự có Chúa linh hoạt bên trong tâm hồn là
«Vũ Trụ Tâm, Thiên Tâm».
[14]
Theo sự khảo sát của tôi thì tự ngàn xưa
đã có những người đạt Thiên Tâm, dữ Thiên đồng đức, thấy như có Trời
hoạt động trong lòng mình.
Điển hình là trong Kinh Thi, thiên Đại Nhã
cho chúng ta thấy Văn Vương đã đạt trạng thái ấy:
Kinh Thi viết:
Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm,
Nên dùng dạng thức Vua Văn hiển hình,
Cho muôn dân thấy mà tin...
(Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn
vương chi thập tam chi nhất).
Văn vương trọn một niềm kính nể,
Làm chói chang Thượng đế ra ngoài,
Muôn nghìn phúc lộc chiêu lai,
Một niềm nhân đức chẳng phai lòng
vàng...
(Kinh Thi, Đại Nhã, Văn vương thất
chương, bát cú).
Trung Dung chương 31 cũng mô tả trạng thái những vị thánh nhân đạt
Thiên đạo như sau:
Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,
Mới có đầy đủ thông minh, trí tuệ,
Y như thể có Trời ẩn áo giáng lâm;
Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần,
Y như có dung nhan Trời phất phưởng;
Phấn phát, tự cường, kiêm cương, hùng
dũng,
Y như là đã cầm giữ được sức thiêng;
Trang trọng, khiết tinh, trung chính,
triền miên,
Y như thừa hưởng được đôi phần kính
cẩn;
Nói năng văn vẻ, rõ ràng, tường tận,
Y như là chia được phần thông suốt tinh
vi..
Huỳnh Đình Kinh của Đạo Lão cũng
thường đề cập đến trạng huống của những người có Trời ngự trị, có Trời
hoạt động trong lòng. Nơi chương 23
Huỳnh Đình nội cảnh viết:
«Cao
nghiên điềm đạm, Đạo chi viên,
高 研 恬 淡 道 之 園
Nội thị
mật phán, tận đổ chân,
內 視 密 盼 盡 睹 真
Chân
nhân tại kỷ, mạc vấn lân,
真 人 在 己 莫 問 鄰
Hà xứ
viễn sách, cầu nhân duyên?»
何 處 遠 索 求 因 緣
Dịch:
Điềm đạm, hư vô chơi vườn Đạo,
Phản quang nội chiếu sẽ thấy Thần.
Thần tại lòng ta, gần thật gần,
Còn phải đi đâu hỏi với thăm?
Thánh Paul mô tả trạng thái này như sau:
«Tôi sống, chẳng phải là tôi sống, mà là Chúa sống trong tôi.» (Galates,
1:20).
Bucke cho rằng muốn đạt tới Thiên Tâm,
trước hết phải là những người có tâm tình trí lự đặc biệt.
Nho gia xưa đã nói:
«Tận nhân đạo, tắc Thiên Đạo
chí.»
Chúng ta cũng có khi đặt câu hỏi: Khi
Thiên đạo chí, người giác ngộ thấy gì?
Ta có thể mượn lời một tác giả, khi viết
về Jacob Behmen mà thưa rằng: «Tất cả những điều huyền vi mà Ngài bàn
luận, không phải là Ngài đã nghe kể lại, mà chính là Ngài đã thấy thế.
Ngài nhìn thấu gốc rễ của mọi điều huyền vi, thấy CĂN CƠ hay NGUỒN MẠCH
từ đó đã phát sinh ra mọi mâu thuẫn, khắc phạt, như cương nhu; nghiêm
từ; cam khổ; ái ố; thiên đường địa ngục. Ngài thấy chúng từ căn nguyên;
Ngài cố mô tả chúng 'tòng đầu tuyệt vĩ', để cuối cùng hòa hài mọi mâu
thuẫn, khắc phạt...
Ngài thấy chúng từ lòng Hóa công; thấy
chúng từ đó tung tỏa ra thành muôn hình trạng. Các bức màn che vạn hữu
đã rơi xuống; Ngài đã nhìn thấy 'tim đen' của vạn loài, sống thung dung
trong chân tâm vạn hữu. Sách đọc của các Ngài, chính là Toàn thân các
Ngài; cái tiểu vũ trụ của con người với ba tầng sinh hoạt của nó đã phơi
bày ra trước mắt Ngài.»
[15]
Bucke cho rằng nhân loại sẽ đi đến một
cuộc cách mạng tâm linh, và sau này
sẽ có nhiều người thành chân chứng thánh.
Đã từ lâu tôi cũng có một niềm tin sắt đá
như vậy.
Thánh Paul chắc cũng đã tin như vậy, khi
viết: «Tạo vật đang trông chờ, ao ước sự xuất hiện của những Con Thiên
Chúa.» (Rom. 8:19).
Chúa Jesus cũng nói: «Nếu ai tin ta, thì
cũng sẽ làm được những việc như ta đã làm; mà còn làm được hơn ta nữa.»
(John 13, 12).
Cho nên, nếu chúng ta không thành chân,
chứng thánh được đó là lỗi tự chúng ta, đã không chịu tìm cầu, không
chịu cố gắng, không chịu kiên trì, không chịu tinh tiến, không chịu gạt
bỏ thiên kiến, có vậy thôi.
Chính vì vậy, mà tôi mượn lời Mạnh tử để
kết thúc chương này. Mạnh tử nói: «Đạo
thực như là một con đường lớn, đâu có khó biết? Chỉ tại người ta không
chịu tìm. Bạn hãy trở về nước, về nhà mà cầu đạo, đừng sợ thiếu thày.»
[16]
CHÚ THÍCH
[5] Nguyễn Văn Thọ,
Lecomte du Noüy và Học Thuyết viễn đích, tr. 344–350.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét