Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

THUYẾT GIẢNG KINH LUẬN-TRUNG QUÁN LUẬN


 
THUYẾT GIẢNG KINH LUẬN
Hòa Thượng Thích Duy Lực
Thích Đồng Thường Ghi Thành Văn
-o0o-
Giảng giải 
TRUNG QUÁN LUẬN
 Vì sợ người ta chấp văn tự, không hiểu rõ nghĩa “Tất Cánh Không” kinh Đại thừa do Phật Thích Ca nói ra, nên Bồ Tát Long Thọ trước tác Trung Quán Luận này, mục đích lấy sự hiểu biết của người ta chấp thật để chứng tỏ là sai lầm. 
  
Sự hiểu biết hiện tượng thế giới này không có pháp nào thật cả, tất cả đều là Tất Cánh Không. Nhưng người ta hiểu lầm cho là đoạn diệt không, kỳ thật là để phá chấp tâm của mình. Ngày xưa tình hình xã hội khác, đến đời ngài Long Thọ khác nữa, sự hiểu biết cũng theo đó mà khác. 
  
Ngày nay khoa học tiến bộ thì sự hiểu biết lại khác. Nhưng lời của Phật không khác biệt, vì Phật đã nói ra nghĩa rốt ráo. Do mình có sự hiểu sai biệt, nên ngài Long Thọ lấy sự hiểu của mình để chứng tỏ là không đúng. 
  
Đáng lẽ, Trung Quán Luận thấp hơn kinh liễu nghĩa của Phật mới đúng, nhưng người ta không hiểu cho rằng cao hơn. Bởi vậy giảng theo ở trong này, nhiều chỗ người ta không hiểu. Vì mục đích để cho người ta hiểu rõ, mà theo đó lại làm cho người ta càng thêm không hiểu. Bây giờ, khoa học tiến bộ chứng tỏ sự hiểu biết mình sai và không thật có. Vậy khỏi cần y văn trong này, từ câu từ chữ mà giảng.
PHẨM NHÂN DUYÊN
Chánh văn: 
   
Bất sanh cũng bất diệt, 
Bất thường cũng bất đoạn, 
Bất nhất cũng bất dị, 
Bất lai cũng bất xuất. 
Thường nói là nhân duyên, 
Khéo diệt các hý luận, 
Tôi kính đảnh lễ Phật, 
Trong các thuyết đệ nhất.
Giảng giải: 
  
Theo trong này lấy hạt lúa để giải thích, mình biết người nào cũng có cái thân. Thân này rõ ràng là do cha mẹ sanh, nhưng cha mẹ cũng có cha mẹ sanh là ông nội bà nội sanh. Rồi ông bà nội cũng có cha mẹ sanh nữa, cứ từ đời truy cứu không hạn chế, cho đến cha mẹ đầu tiên được không? 
  
Giả thuyết muôn triệu kiếp trước có cha mẹ đầu tiên, vậy cha mẹ đầu tiên ai sanh ra? Nếu có ai sanh ra thì còn có cha mẹ, không phải đầu tiên. Nói không có cha mẹ sanh ra thì ở đâu mà có? Truy cứu cha mẹ đầu tiên không có, tức là đời thứ nhì không có, đời thứ ba cũng không có, cho đến đời thứ mười,… đến đời mình cũng không có. Vậy là bất sanh bất diệt. 
  
Bây giờ, mình biết có diệt thì phải có sanh, nên sự hiểu biết của mình chứng tỏ là bất sanh. Mình chấp cái thân là thật, nhưng truy cứu ra cứu cánh là không thật. 
  
Bất sanh cũng bất diệt thì cũng bất thường bất đoạn. Nếu sanh là có thì sự có vĩnh viễn, phải thường. Nhưng sự thật không thường, cũng như tôi già rồi phải chết, tức là không phải thường. Từ con nít biến thành người già, người già rồi sẽ chết. 
  
Nếu không có thường thì phải có đoạn, có đoạn thì trược ác sanh khởi. Nhưng cha mẹ sanh con, con lớn lên rồi làm cha mẹ sanh con nữa, không có đoạn. Sự thật vì đoạn là đối với thường, diệt đối với sanh. 
  
Thường không có thì đoạn cũng không có, thường không có thì cái nhất và cái dị cũng không có. Tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi, nếu nói là nhất, tại sao mắt không nghe không ngửi được? Tai không thấy không ngửi được? Mũi không thấy không nghe được? Nói là nhất thì không đúng, vì sao chung một người nói là khác? Lục căn đâu có độc lập mà nói khác! 
  
Cha mẹ đầu tiên không có, vậy mình từ đâu đến đây? Như thời gian có bắt đầu không? Thời gian không có bắt đầu thì mình từ đâu đến đây? 
Triệu Luận có bài Vật Bất Thiên thí dụ: Nếu có xưa mà đến nay, có nay đến xưa thì xưa là trẻ nay là già. Nếu nay là già, xưa có tướng trẻ thì xưa đến nay. Bây giờ già không có tướng trẻ, chứng tỏ là xưa không có đến nay. Nếu mà nay có đến xưa thì xưa phải có tướng già, nhưng xưa không có tướng già. Sự thật là vậy, tức là không có lai không có xuất.
Người ta giảng kinh lấy nhân duyên để giải thích, nhưng ở đây lại phá nhân duyên, nhân duyên không phải thật. Kinh Lăng Nghiêm nói phi nhân duyên và phi tự nhiên là phá nhân duyên và phá tự nhiên.
Mình thấy thân mình là do cha mẹ sanh ra, nhưng truy cứu không có cha mẹ đầu tiên. Lý nhân duyên không thành lập được, vì không có nhân thứ nhất, làm sao có nhân thứ nhì, cho đến nhân bây giờ. Tất cả cái gì cũng vậy, vì bệnh chấp trước, như tôi lấy thân để ví dụ thì dễ hiểu dễ tin hơn.
Tự nhiên trong này cũng có phá, nếu tự nhiên thì không cần nhân duyên. Nhưng không có cha mẹ, làm sao sanh ra mình được? Lý tự nhiên cũng không thể thành lập, mà nhà khoa học cho là tự nhiên.
Nguồn gốc các pháp và thế giới này từ đâu sanh ra? Được sanh ra là do 3 thứ không gian, thời gian và số lượng. 3 thứ này là cái gì? 3 thứ này không có bản thể, chỉ là 3 khái niệm vọng tâm tạo ra.
Vũ trụ vạn vật lấy 3 khái niệm này làm cái sườn nhà, vũ trụ vạn vật là cái nhà. Nếu không có sườn nhà thì không thể cất lên cái nhà được. Cái sườn nhà rút ra thì cái nhà sụp đổ. Như 3 khái niệm không gian, thời gian, số lượng, 1 trong 3 cái tiêu mất thì vũ trụ vạn vật cũng tan rã.
Vũ trụ vạn vật do 3 khái niệm này thành lập, cho nên Phật nói “tất cả đều do tâm tạo”. Tất cả vật nào cũng không rời 3 khái niệm này, nếu rời 3 khái niệm này thì phải tiêu diệt. Như tôi ngồi đây chiếm mất một không gian, năm nay tôi 61 tuổi, 61 là số lượng, tuổi là 61 năm là thời gian. Nếu 3 thứ này rút ra vậy tôi ở đâu?
Nhưng 3 thứ này là hư vô không có bản thể, vì mình chấp thật nên bị 3 khái niệm này bó buộc, không được tự do tự tại. Cho nên ở Thiền tông có người kiến tánh gọi là đập bể hư không, tức là phá khái niệm không gian. Kinh Kim Cang nói: “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc” là đập tan khái niệm thời gian.
“Pháp thân vô vi bất đọa chư số”, nghĩa là vô vi pháp chẳng đọa nơi số lượng. Đây là phá khái niệm số lượng. Không gian, thời gian và số lượng không thể rời nhau được. Nếu đập tan 1 cái thì 2 cái kia cũng tan luôn. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Một người trờ về tự tánh thì 10 phương hư không đều tiêu diệt” là đập tan khái niệm không gian.
3 khái niệm đập tan thì được tự do tự tại, vì mình bị 3 khái niệm này ràng buộc nên không được tự do. Muốn đập tan 3 khái niệm này là chỉ tham thiền đến kiến tánh. Nếu chưa kiến tánh, mặc dầu mình hiểu biết, nhưng vẫn bị 3 khái niệm này bó buộc.
Lập trường Phật pháp nói kiến thức khoa học là si mê. Tại sao? Vì họ chấp thật, Phật nói tất cả các pháp không có sự bắt đầu, tức là vũ trụ vạn vật không có bắt đầu. Tại sao các pháp không có bắt đầu? Vì thời gian không có bắt đầu. Thời gian có bắt đầu thì các pháp mới có bắt đầu, có sự bắt đầu thì phải có thời gian đầu tiên! Cho nên, các pháp không sanh không diệt.
Ở trên nói: Đoạn – thường, nhất – dị, lai – xuất làm sao sanh ra được? Nếu hiểu nguồn gốc như vậy thì mấy vấn đề đó cũng giải quyết.
Tất cả có duyên đều thu nhiếp trong 4 duyên này. Do 4 duyên này nên vũ trụ vạn vật mới sanh khởi. Cho nên, lấy nhân duyên để nói tất cả hữu vi pháp.
Thứ Đệ Duyên là từ quá khứ, hiện tại ở trong tâm và tâm sở. Duyên Duyên, Tăng Thượng Duyên, tất cả các pháp đều có trong bài kệ thứ nhì. Nếu quá khứ, hiện tại, tâm tâm sở pháp, làm sao có Thứ Đệ Duyên, có Nhân Duyên, có Tăng Thượng Duyên và tất cả pháp?
Có quả phải từ duyên sanh hay phi duyên sanh. Nếu nói có duyên thì phải có quả hay không có quả. Nhưng sự thật có quả không đúng và không quả cũng không đúng. Tại sao? Nếu quả chưa sanh thì lúc đó không được gọi là duyên, nhưng mắt thấy duyên sanh quả, nên mình gọi là duyên.
Duyên thành do quả, lấy quả sau duyên trước. Nếu chưa có quả làm sao gọi là duyên? Duyên trước thì chưa có quả không được gọi là duyên. Cho nên, duyên đó không thành lập được, vì có quả mới gọi là duyên.
Ở đây ví dụ cái bình là do nước và đất hòa hợp làm thành. Nếu cái bình chưa có, tại sao không gọi đất và nước là phi duyên? Vì vậy, quả không từ duyên sanh, duyên còn không sanh huống là phi duyên!
Nếu quả trước ở trong duyên thì không cần sanh; nói có không được, nói không cũng không được. Nếu trước không có thì làm duyên cho ai? Trước có thì không cần duyên. Nếu duyên được sanh quả thì phải có 3 thứ: Nếu có, nếu không, nếu có không.
Như bài kệ nói, nếu ở trong duyên có quả trước thì không được là sanh, vì trước đã có sanh rồi. Nếu trước không có quả thì không được gọi là sanh. Nếu duyên cũng vô duyên thì vẫn vậy.
Có – không thì chẳng sanh, vì nửa có nửa không là có với không trái ngược nhau, nên ở trong một pháp không được 2 tướng có – không ở chung. Nếu có trong 3 thứ này, muốn cầu tướng quả không được, làm sao nói có nhân duyên?
Tất cả pháp tâm tâm sở ở trong quá khứ, hiện tại, vị lai, tức là thứ đệ từ lớp sanh ra. Hiện tại pháp tâm tâm sở đã diệt, vị lai làm duyên cho thứ đệ. Pháp vị lai chưa sanh làm sao thứ đệ cho ai? Nếu pháp vị lai đã có thì đã sanh rồi, đâu cần thứ đệ duyên nữa!
Vì pháp tâm tâm sở không người, không trụ. Nếu không trụ sao làm thứ đệ duyên? Nếu trụ không phải pháp hữu vi. Tại sao? Vì pháp hữu vi có tướng diệt, nếu đã diệt sao làm thứ đệ duyên được!
Pháp đã diệt, mà nói thường thì cái thường đó không tội phước, không nhân quả. Nếu pháp làm thứ đệ duyên, lúc nửa diệt nửa chưa diệt thì không có pháp thứ 3, gọi là lúc diệt. Như sự đi vừa rồi nói.
Phật nói: “Tất cả pháp hữu vi niệm niệm diệt, không có một niệm thời gian trụ”. Vậy làm sao nói có pháp hiện tại có sự muốn diệt mà chưa diệt? Tức là nửa diệt nửa chưa diệt làm sao có?
Nếu nói ở trong một niệm có muốn diệt và chưa diệt thì pháp tự phá. Có pháp diệt có pháp không diệt thì pháp diệt là hiện tại pháp sẽ muốn diệt và chưa muốn diệt, trừ hiện tại sẽ muốn diệt pháp đó, dư pháp hiện tại, quá khứ, vị lai vô vi pháp gọi là pháp không muốn diệt. Cho nên, không có thứ đệ duyên. Ở trên phá nhân duyên, tiếp theo phá thứ đệ duyên.
Nói đến duyên thì phải có quả mới gọi là duyên, quả chưa sanh thì không có diệt, nếu có pháp diệt thì không duyên. Cho nên, không có thứ đệ duyên. Vì pháp trước đã diệt, làm sao pháp sau làm thứ đệ!
Phá Duyên Duyên:
Nếu không nhân duyên, tại sao có duyên? Đây gọi là Thánh Ngôn Lượng, tức là lấy lời của Phật để chứng tỏ. Hiện Lượng, Phi Lượng, Tỉ Lượng và Thánh Ngôn Lượng gọi là Tứ Lượng. Nếu lấy vi diệu chân thật thì không có duyên, như kinh nói “phi nhân duyên”. Nếu không có duyên làm sao có nhân duyên?
Phật thuyết kinh Đại thừa: “Phàm có sắc hay không có sắc, có hình hay không có hình, hữu lậu hay vô lậu, hữu vi hay vô vi, tất cả pháp tướng do pháp tánh đều không”. Nghĩa này vô tướng vô duyên, cũng như tất cả sông chảy ra biển đều một vị. Nếu tin pháp Thánh Ngôn Lượng thì không có nhân duyên. Ở đây chỉ lấy Thánh Ngôn Lượng để chứng tỏ.
Phá Tăng Thượng Duyên: 
  
Kinh nói 12 nhân duyên, việc có cho nên nói việc có, ở đây không phải vậy. Tại sao? Tất cả pháp đều do nhân duyên sanh, nếu do nhân duyên sanh thì không có tánh nhất định. Không có tánh nhất định thì không có tướng có. Tướng có không thành được thì sao có việc có! Cho nên không có Tăng Thượng Duyên. 
  
Phật tùy phân biệt của phàm phu mà nói có, nói không, nói nhân duyên,… nhưng sự thật lời nói của Phật là phương tiện tạm thời, không được chấp thật. 
  
Ở trong nhân duyên hòa hợp thì không có quả là duyên, trung là mỗi mỗi duyên không có quả, thì duyên trung tất cả nhân duyên đều không có quả. Đã không có quả làm sao nói từ nhân duyên mà sanh ra? 
  
Nếu nói ở trong nhân duyên không có quả, mà lại trong nhân duyên sanh ra quả thì cái quả sao không ở phi duyên mà sanh ra? Cũng như  trong nhân duyên tìm quả không được, tại sao không ở cái khác (ngoài nhân duyên) mà tìm quả? 
  
Như cái bình do đất và nước hợp thành nói là duyên, ở trong đất và nước tìm không có bình thì ở nhân duyên tìm không có quả. Cho nên, duyên không được và phi duyên cũng không được. 
  
Quả từ duyên sanh, mà duyên không có tự tánh; nếu không có tự tánh thì không có pháp, không có pháp tại sao được sanh? Cho nên, quả không từ duyên sanh, không từ phi nhân duyên sanh. Vì duyên phá rồi, nên nói là phi duyên. 
  
Kỳ thật  không có pháp phi duyên, nên không từ phi duyên sanh. Nếu không từ duyên sanh, không từ phi duyên sanh, vậy thì không có quả. Nếu không có quả thì duyên và phi duyên cũng không, nên cuối cùng phá Tăng Thượng Duyên. 
  
Đây giảng theo Trung Quán Luận, nhưng tôi cảm thấy giảng theo Trung Quán Luận rất phức tạp làm cho người ta khó hiểu. Nên tôi giảng cho giản dị để người ta dễ hiểu dễ tin. Vì vậy tôi không theo từng bài mà giảng. 
  
Đáng lẽ, Trung Quán Luận là thấp hơn kinh Đại thừa, vì luận là để diễn bày kinh, người ta không hiểu mà nói Trung Quán Luận cao, đó là sai lầm. Làm sao nói cao mà giảng cái thấp được? Tại y theo bài luận mà giảng, vì sự hiểu biết thời đại ngài Long Thọ có khác. Thời đại hiện nay sự hiểu biết khác nữa. 
Vì vậy, phải theo tư tưởng hiện tại để giảng cho thích hợp, dễ hiểu dễ tin. Nếu người ta nghe không hiểu thì không tin được, nên tác dụng của luận cũng như không. Giới luật của Phật là hoạt bát, nếu chấp chặt giới luật là nghịch ý Phật.
Sự thật tôi không có nghiên cứu giới luật, tôi nói chuyện các vị luật sư hoằng luật thì người ta tưởng tôi có nghiên cứu luật. Phải biết, Phật nhân duyên gì chế ra giới luật? Ban đầu Phật chưa chế ra luật, đến 12 năm sau, có người phạm giới nên mới chế ra điều luật.
Phải hiểu nguồn gốc thì ứng dụng giới luật mới hoạt bát. Phải biết ý Phật, nếu không hiểu ý Phật mà y văn giải nghĩa, nhớ y theo giới luật thì nghịch ý Phật. 
Như Tu sĩ ở Trung Quốc không làm ruộng là phạm, nên hoằng dương Phật pháp ở Trung Quốc không được. Tu sĩ ở Aán Độ không làm ruộng là trì, nên hoằng dương Phật pháp ở Aán Độ được. Ý của Phật sợ hoằng pháp bị chướng ngại, nên mới chế ra giới giá.
Ý Trung Quán Luận không phải muốn giải thích danh từ đó, mà muốn phá bệnh chấp danh từ đó. Vì tất cả danh tướng đều là giả danh, luôn cả danh từ Phật cũng giả danh, do lý nhân duyên không thành lập được.
PHẨM KHỨ LAI
Chánh văn:
Đã đi chẳng phải đi 
Chưa đi cũng chẳng đi 
Lìa đã đi, chưa đi 
Đang đi cũng chẳng đi
Giảng giải: 
  
Đang đi mà lấy đã đi để chứng tỏ đang đi chẳng phải đi. Vì đang đi, trừ ra cái đã và cái chưa thì đâu có cái đang. Nhưng muốn lấy đã đi để chứng tỏ đang đi không phải đi, nên phải tin cái đã đi chẳng phải đi trước, mình mới lấy đó làm chứng được. 
  
Vậy có tin cái đã đi chẳng phải đi không? Đã đi chẳng phải đi, nhiều người không thể tin được. Đã đi không phải đang đi, nhưng có đi. Tại sao nói đã đi chẳng phải đi? Khoa học bây giờ có chiếu bóng, phim của chiếu bóng từ mỗi hình nối tiếp theo. Đây là giải sự đang rất dễ dàng. 
  
Muốn hình cho nó đi, bước 1 bước cần 10 cái hình, bước thêm 1 bước nữa cần 100 cái hình. Vậy 100 cái hình thấy có hình nào đi không? Không có hình nào đi. Nhìn thấy thì 100 cái hình nào cũng đang đi. Cho nên, đang đi chẳng phải đi, đã đi chẳng phải đi. 
  
Ngược lại, lấy đang đi để chứng tỏ đã đi, đã đi để chứng tỏ đang đi. Đang đi còn không phải đi, làm sao đã đi cho là đi! Đây là nghĩa kinh Pháp Hoa: “Pháp đó trụ nơi ngôi pháp, tướng thế gian thường trụ”. Như hình số 1 thì trụ hình số 1, hình số 2 thì trụ hình số 2, hình số 3 thì trụ hình số 3. Ngôi pháp nào trụ nơi ngôi pháp đó, tướng thế gian thường trụ là như vậy. 
  
Như tôi là Tăng thì trụ ngôi pháp Tăng, nếu tôi hoàn tục thì trụ ngôi pháp tục. Nếu ngôi pháp tục còn sống thì trụ nơi ngôi pháp sống, nếu chết thì trụ nơi ngôi pháp chết. Thường thường người ta thắc mắc chỗ này, tại sao tướng thế gian thường trụ? 
  
Vì tướng thế gian sanh diệt, do có câu trên là “pháp đó trụ nơi ngôi pháp”, tức là ngôi pháp nào trụ nơi ngôi pháp đó. Ngôi pháp sanh trụ nơi ngôi pháp sanh, ngôi pháp diệt trụ nơi ngôi pháp diệt. Tướng thế gian thường trụ, cũng như nghĩa 3 câu kinh Kim Cang. 
  
Đi, tức phi đi, thị danh đi. Câu thứ nhất chấp đi là thật có đi, câu thứ nhì là chấp chẳng phải đi, câu thứ 3 thì đi là giả danh, phi đi cũng giả danh, thị danh đi cũng giả danh; tức là câu thứ 3 phá câu thứ nhất, phá câu thứ nhì, phá luôn câu thứ 3. 
  
Tất cả đều là nghĩa 3 câu, như phẩm Tác và Tác Giả, Nhiễm và Nhiễm Giả,… của Trung  Quán Luận đều là nghĩa 3 câu phá hết. 
  
Ở trong luận cũng có tứ cú kệ để lìa, nghĩa tứ cú và nghĩa 3 câu không khác. Nếu thông suốt nghĩa này thì kinh Đại thừa liễu nghĩa và luận chư Tổ cũng thông suốt, khỏi cần nghiên cứu từng câu từng chữ, từng bài hay từng cuốn kinh. Cho nên mình phải biết nguồn gốc. 
  
Nguồn gốc là do 3 khái niệm không gian, thời gian, số lượng sanh ra vũ trụ vạn vật này, tức là nghĩa “tất cả do tâm tạo”. Nếu không có 3 khái niệm này, làm sao vũ trụ vạn vật sanh ra được? Chính 3 khái niệm này là hư vô. Nếu đã biết thì còn chấp thật chi nữa! 
  
Vừa rồi giảng xong phẩm Nhân Duyên và phẩm Khứ Lai. Các vị có thắc gì đề ra hỏi, tôi sẽ giải đáp. 
Hỏi: 
  
Ý Trung Quán Luận không phải 1 cũng không phải  2, vậy ở chính giữa phải không?
Đáp: 
  
Nếu có 2 đầu mới có chính giữa, 2 bên chẳng có thì chính giữa ở đâu? Trung đạo này cũng nghĩa 3 câu và tứ cú. 3 câu ấy là: Trung, tức phi trung, thị danh trung. Trung là đối với biên, trung là cú thứ nhất, biên là cú thứ nhì, chẳng trung chẳng biên là cú thứ ba, cũng trung cũng biên là cú thứ tư. 
  
Trung đạo không phải thật, chỉ là giả danh. Nghĩa trung đạo là lìa tứ cú và nghĩa 3 câu. Nếu cho trung đạo ở chính giữa là sai lầm. Vì tròn ở giữa là trung, trên vòng tròn là biên hay trung có 2 đầu biên. Không có biên làm sao có trung? Không có 2 bên làm sao có chính giữa? Nói đến biên gồm có 1 thứ trong 5 thứ ác kiến: Biên kiến, thân kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.
Hỏi: 
  
Có phải xa lìa điên đảo chứng Niết Bàn không?
Đáp: 
  
Như vậy là chấp cứu cánh Niết Bàn, kỳ thật đâu có điên đảo để xa lìa. Trung Quán Luạân đã phá hết, tất cả chẳng có thật, làm sao điên đảo lại có thật? Kinh Viên Giác nói: “Vô minh không phải thật”, mà ở trong vô minh sanh ra điên đảo mộng tưởng làm sao thật được? Vì tất cả đều do vô minh sanh ra là tại bệnh chúng sanh chấp thật mới thành có vô minh và minh làm đối đãi. 
  
Nếu không chấp thật thì đi đâu tìm vô minh? Vô minh là do vọng tâm tạo ra. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô minh diệc vô vô minh tận”, nghĩa là vô minh đã không có, làm sao hết vô minh? Cũng như cái tách này có nước, tôi uống hết mới nói tôi uống hết nước. Nếu cái tách này vốn không có nước, làm sao nói uống hết nước được? 
  
Kỳ thật,  có thì mới có sanh, hết mới nói là diệt; vừa rồi nói sanh còn không có, làm sao nói diệt? Nếu có là thật thì có phải vĩnh viễn. Cũng như thân tôi, nếu nói có thì quá khứ phải có và vị lai cũng phải có; mà thân tôi quá khứ không có, vì cha mẹ chưa sanh ra tôi. Vị lai là thân chết đem thiêu thành tro cũng không có, hay là chôn dưới đất rồi biến thành đất cũng không có. 
  
Quá khứ không có, vị lai không có sao thật có được? Nói không có làm sao tôi ngồi đây nói chuyện? Cho nên, cái có không thành lập và cái không có cũng không thành lập. Nhưng bệnh chấp thật của chúng sanh chấp có rồi lại chấp không. 
Ngài Lai Quả nói: “Bệnh chấp thật làm cho mình phải bị sanh tử luân hồi, muốn trị bệnh sanh tử chỉ có thuốc thoại đầu mới trị được, nếu không dùng thuốc thoại đầu thì không thể trị bệnh sanh tử”.
Đã biết thân này không phải thật, tại sao ham tìm những cái ở bên ngoài để hưởng thụ và tranh giành làm cho mình tạo nghiệp khổ? Chấp nặng là chấp thân này, nếu không chấp thân này thì dễ giải quyết. Cho nên tôi không theo Trung Quán Luận để giải, mà theo cái thân để thí dụ.
Hỏi:
 Nghiệp bất tùng duyên sanh 
 Bất tùng phi duyên sanh 
 Thị cố tắc vô hữu 
 Năng khởi ư nghiệp dã 
 Vô nghiệp vô tác giả 
 Hà hữu nghiệp sanh quả 
 Nhược kỳ vô hữu quả 
 Hà hữu thọ quả giả.
Tạm dịch:
 Nghiệp chẳng từ duyên sanh, 
 Chẳng từ phi duyên sanh, 
 Cho nên không thật có. 
 Thường khởi ở nơi nghiệp, 
 Không nghiệp không tác giả, 
 Làm sao nghiệp sanh quả? 
 Nếu không có quả đó, 
 Sao có người thọ quả?
Xin thầy giảng bài kệ nói về nghiệp?
Đáp: 
  
Truy cứu thân này là vô sanh, làm sao nói tạo nghiệp? Đây là căn bản. Nếu thân này không phải thật thì tạo ra nghiệp này cũng không phải thật. Theo nghĩa 3 câu kinh Kim Cang thì nghiệp, tức phi nghiệp, thị danh nghiệp. 
  
Trong này nói nghiệp chẳng từ nhân duyên sanh, cũng không phải từ phi duyên sanh. Cho nên, nghiệp không thật có, vì nghiệp không tự sanh, phải người tạo mới có. Nếu nghiệp đó là thật thì không cần người tạo, tức là nó đã có hay người làm nghiệp trước. Nếu người làm nghiệp có trước, chưa có làm nghiệp sao nói là tác giả? Trung Quán Luận nói: Nếu không nghiệp, không làm nghiệp, vậy từ đâu sanh? 
Bây giờ nghiệp sanh ra quả báo, cũng như ở trong trái cây, quả thì không cần nhân duyên (nó đã có rồi). Nếu nói không có thì sao sanh ra cái quả? Kỳ thật, biết không phải thật là do cái không thật tạo ra, nên tất cả đều không thật có.
Nghiệp từ đâu sanh ra? Tất cả nghiệp không có sự bắt đầu. Nếu nói người tạo nghiệp sanh, còn cái nghiệp không sanh, làm sao có cái nghiệp đây? Nói không cần tạo nghiệp, tức là không có duyên (phi duyên), phi duyên làm sao sanh? Không sanh được thì cái nghiệp là hư vô, không có thật.
Bài sau cũng có ý này, Phật có thần thông biến ra người, người biến hóa được làm ra gọi là nghiệp. Người biến hóa không phải thật tạo ra nghiệp, làm sao thật được? Truy cứu thân mình không có sự bắt đầu, giống như người biến hóa.
Theo thời đại của ngài Long Thọ thì sự hiểu biết theo thời ấy. Hiểu biết thời nay tiến bộ nên có tầm nhìn khác hơn. Vậy tôi không y cứ trong Trung Quán Luận để giải thích từng bài, vì mục đích của ngài Long Thọ lấy kiến giải phá kiến giải.
Trung Quán Luận giải thường lấy trước sau để chứng tỏ. Như lấy con gà và trứng gà để ví dụ: Nếu có trứng gà thì trước phải có con gà, sự thật con gà có trước không được. Vì không có trứng gà làm sao ấp ra con gà? Nếu trứng gà có trước cũng không được, vì không có con gà làm sao có trứng gà?
Theo sự hiểu biết của mình thì con gà do trứng gà ấp ra, trứng gà do con gà sanh ra. Nhưng 2 thứ đó không thể đầu tiên được! Nếu 2 thứ đó là 1 thì trứng gà là trứng gà, con gà là con gà. Nếu 2 thứ là khác thì lìa con gà không có trứng gà, lìa trứng gà không có con gà, độc lập không được, cũng là nghĩa bất nhất bất dị trong tám thứ bất.
Vì con gà cũng do tâm tạo, trứng gà cũng do tâm tạo, làm sao kết hợp được?
Bài kệ kinh Hoa Nghiêm:
 Nếu người muốn biết rõ, 
 Tất cả Phật ba đời, 
 Đều thấy tánh pháp giới, 
 Hết thảy do tâm tạo.
Nếu còn 1 pháp không phải do tâm tạo thì Phật vọng ngữ, không có pháp nào không phải do tâm tạo, nên gọi là “hết thảy do tâm tạo”, luôn Phật ba đời cũng vậy.
Nói tánh pháp giới là danh từ của đạo Phật, vũ trụ là danh từ khoa học. Khoa học nói vũ trụ vạn hữu, còn pháp giới bao gồm cả vạn hữu và vạn vô. Vạn hữu cũng ở trong pháp giới, vạn vô cũng ở trong pháp giới; tức là nghĩa pháp giới rộng hơn nghĩa vũ trụ. Hữu do tâm tạo và vô cũng do tâm tạo. Cho nên, hữu không phải thật, vô cũng không phải thật.
Tất cả nói trong Trung Quán Luận đều là vô. Nếu chấp vô là thật thì nghịch ý Trung Quán Luận. Vô là do hữu sanh ra, hữu diệt rồi mới nói là vô. Hữu không phải thật thì vô làm sao thật? Hữu với vô đối đãi, tất cả 62 kiến chấp đều do hữu với vô sanh ra. Ngài Long Thọ mượn chữ “vô” để phá bệnh chấp thật của chúng sanh, cũng là tùy theo thế lưu bố tưởng.
Ca Diếp đại diện đương cơ hỏi Phật: Phàm phu có điên đảo tưởng sanh ra phiền não, bậc Thánh có điên đảo tưởng sao không sanh ra phiền não?
Phật nói: Sao ông nói bậc Thánh có điên đảo tưởng?
Ca Diếp đáp: Bậc Thánh thấy trâu cũng gọi là trâu, thấy ngựa vẫn gọi là ngựa thì không phải điên đảo tưởng sao?
Phật nói: Tưởng có 2 thứ, thế lưu bố tưởng và trước tưởng. Phàm phu ở trong thế lưu bố tưởng sanh ra trước tưởng, còn bậc Thánh chỉ có thế lưu bố tưởng không có trước tưởng. Có trước tưởng mới có điên đảo tưởng, không có trước tưởng thì không có điên đảo tưởng.
Tại sao gọi là trước tưởng? Vì phàm phu thấy trâu chấp trâu là thật, nên dính mắc vào trâu; thấy ngựa cho ngựa là thật, nên dính mắc vào ngựa. Còn bậc Thánh thấy trâu không chấp thật trâu, nên không dính mắc vào trâu; thấy ngựa không chấp thật ngựa, nên không dính mắc vào ngựa. Bậc Thánh chỉ tùy theo danh từ thế gian lưu hành mà gọi trâu gọi ngựa. Aáy là thế lưu bố tưởng. Nếu không theo danh từ thế gian thì lấy gì để nói!
Ngài Long Thọ nói hữu nhưng không chấp thật hữu, nói vô nhưng không chấp thật vô. Trong Trung Quán Luận từ đầu đến cuối đều là “vô”, nếu mình chấp cho là “vô” thì bệnh chấp càng nặng, không hiểu ý ngài Long Thọ.
Vì chữ “vô” là thế lưu bố tưởng, cũng để phá chấp thật chúng sanh, không phải nói vô là thật vô. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô lục căn, vô lục trần, vô lục thức”, chữ “vô” này là tác dụng như cây chổi để quét bệnh chấp thật của chúng sanh, không phải vô là không có gì!
Hỏi:
Vừa rồi thầy nói thời gian không có thật thể, chỉ là khái niệm. Phẩm Quán Thời của Trung Quán Luận có 6 bài kệ. 
Phẩm Quán Thời.
Nhược nhơn quá khứ thời 
Hưởng vị lai hiện tại 
Vị lai cập hiện tại 
Ưng tại quá khứ thời 
 Nhược quá khứ thời trung 
Vô vị lai hiện tại 
Vị lai hiện tại thời 
Vân hà nhân quá khứ 
Bất nhân quán khứ thời 
Tắc vô vị lai thời 
Diệc vô hiện tại thời 
Thị cố vô nhi thời 
Dĩ y thị nghĩa cố 
Tắc chi dư nhị thời 
Thượng trung hạ nhất di 
Thị đản giai phát ngôn 
Vân hà thuyết thời tướng 
Nhân vật cố hữu thời 
Ly vật lìa hữu thời 
Vật thượng vô hữu thời 
Hà huống đương hữu thời
Xin thầy giảng bài kệ cho đại chúng được rõ?
Đáp: 
  
Ngài Tăng Triệu nói: “Xưa không có đến nay thì nay không có đến xưa”. Nếu nay không có đến xưa thì có quá khứ, xưa không có đến nay thì có hiện tại. Ở đây nói, nếu do quá khứ thì có vị lai có hiện tại. Như vậy vị lai và hiện tại thì ở trong quá khứ. 
Thí dụ cái đèn có ánh sáng gọi là đèn, tùy theo chỗ có đèn mới có sáng. Vì quá khứ nên có vị lai và hiện tại, trong quá khứ phải có vị lai và hiện tại. Nếu ở trong thời quá khứ có thời hiện tại và vị lai, tức 3 thời đều là quá khứ rồi!
Tại sao còn nói vị lai, hiện tại? Nếu không có vị lai, hiện tại thì thời đó không có quá khứ. Vì tương đối sanh ra, như gà sanh trứng, trứng sanh gà, không thể lìa nhau được. Vậy do có quá khứ nên mới có vị lai, hiện tại. Vì có vị lai, hiện tại nên mới có quá khứ.
Nếu không có quá khứ chỉ có vị lai, hiện tại thì không được. Nếu không có vị lai, hiện tại chỉ có quá khứ cũng không được, tức là 3 thời đó đều không có thật. Cho nên, kinh Kim Cang nói 3 thời không thể được, chỉ là do tâm tạo.
Như không có con gà thì không thể có trứng gà, không có trứng gà thì không thể có con gà, chỉ vì tương đối mà ra. Con gà và trứng gà không có thật, nếu có thật thì phải có bắt đầu mới sanh ra được. Bởi không có bắt đầu thì không có sanh, nên không có thật. 
Vì vậy, 3 thời quá khứ, hiện tại, vị lai không sanh, tức là không thật có.
Hỏi:
Không sanh là không có lời nói, có nhân đầu tiên nên có sanh. Trong hiện tại của thế gian thì có trụ, có trụ nên nói có diệt. vậy như thế nào?
Đáp:
Trong này có bài phá cái trụ, lấy thân này để thí dụ. Thân này có trụ không? Thân này có quá khứ, rồi từ nhỏ đến lớn; nếu thật có trụ thì thân con nít đâu thể lớn? Đâu thể già? Nếu có trụ là thường  làm sao diệt được? Hay có trụ là thật thì không thể diệt, sự thật không trụ. Phải biết tế bào mình thay đổi luôn luôn, 7 năm thay đổi tức là 7 năm hoàn toàn khác.
Phật lấy ngọn đèn để ví dụ, đốt ngọn đèn lên, thấy ngọn lửa có trụ, không thay đổi. Sự thật ngọn lửa giây thứ nhất khác ngọn lửa giây thứ nhì, ngọn lửa giây thứ ba không phải ngọn lửa giây thứ nhất. Con mắt mình không thấy biến đổi, tưởng nó trụ. Nhưng nó luôn luôn thay đổi liên tục.
Như mình cho cái ghế là trụ, nhà khoa học phát hiện cái ghế đang hoạt động thường xuyên, nó gồm có 2 thứ động: Một thứ động là do trái đất xoay, hai là do nguyên tử tổ chức thành, mỗi hạt nguyên tử ở chính giữa có một trung tử, xung quanh có nhiều điện tử, điện tử đó ngày đêm xoay chuyển không ngừng.
Vì con mắt mình không thấy cho là trụ, ấy sai lầm. Vậy tất cả không có cái nào trụ, nếu trụ thì không thể biến đổi, khắp thế gian này đều chết và làm sao có sanh diệt? Trung Quán Luận có phá vấn đề này. 
Ở trong xã hội khoa học tiến bộ, nên lấy khoa học để giải thích thì người ta dễ tin. Vì thế tôi không theo trong Trung Quán Luận giải thích, nếu giải thích làm người ta khó hiểu khó tin. Ngài Long Thọ lấy sự hiểu biết trước mắt để chứng tỏ sự hiểu biết của mình không đúng.
Hỏi:
Phẩm Quán Chúng Sanh: 20. 
Nếu chúng duyên hòa hợp 
Mà có cái “quả” sanh 
Trong hòa hợp đã có 
Đâu cần hòa hợp sanh 
Nếu chúng duyên hòa hợp 
Trong đó chẳng có quả 
Tại sao từ chúng duyên? 
Hòa hợp mà sanh quả.   
Đáp: 
  
Nhân quả đó nếu hòa hợp sanh ra quả thì ở trong hòa hợp đã có, làm sao cần hòa hợp mà sanh? Nếu chúng duyên hòa hợp, ở trong đó có quả thì ở trong hòa hợp phải có, nhưng sự thật thì không có. Nếu chúng duyên hòa hợp, ở trong đó không có quả thì ở trong chúng duyên và không phải nhân duyên giống nhau. 
  
Như hạt lúa làm nhân thứ nhất, nói trong hạt lúa có quả, khi hạt lúa thấm nước thì nó lên mộng. Nếu đập hạt lúa tan nát, thấy hạt lúa có mộng không? Tìm mộng lúa không có. Mộng lúa không có thì sao nói hạt lúa sanh mộng? 
  
Nếu nói trong hạt lúa có quả sẵn thì khỏi cần sanh, vì đã sanh rồi. Nếu trong hạt lúa không có quả thì sao sanh được? Cho nên, sự thật nhân quả do tâm tạo. 
  
Nếu nói nhân quả đồng thời nên mình không thấy được, đồng thời là một, sự thật không phải vậy. Mộng lúa và hạt lúa thì khác nhau, nếu nói trong nhân duyên phải chịu phi nhân duyên. Nếu là phi nhân duyên ở trong cái khác, làm sao nó không sanh ra mộng lúa? 
  
Cho nên, chấp thật có không đúng, chấp thật không có cũng không đúng. Ở trong này phá nhân quả, nhưng mình không phải không ở trong nhân quả! Nếu chấp “không” mình cũng chịu cái khổ, tuy cái khổ không phải thật. Giống như lúc khổ ở trong chiêm bao, mình vẫn đau khổ vậy.
Hỏi: 
  
Tất cả lời giảng đều không thật, vì do tâm tạo. Vậy ý niệm không thật đó có không thật không? Và nếu không thật thì lấy gì tu để đến chỗ nhất như?
Đáp: 
  
Nếu tất cả đều không thật thì ý niệm đó làm sao thật được! Nếu thật là không phải do tâm tạo thì nghịch với ý Phật. Hay có nhất như để cho mình đạt đến cũng ở ngoài tâm tạo. Vừa rồi nói 8 thứ bất, trong đó có bất nhất, bất dị. Như vậy làm sao có nhất như!
Hỏi: 
  
Trước khi nhân quả chưa tạo, vậy nó là cái gì?
Đáp: 
  
Theo nhân quả làm thiện được quả thiện, làm ác thị chịu quả ác. Nếu nói trước khi chưa có nhân quả, tức là không có làm thiện làm ác thì ai lên thiên đường, ai xuống địa ngục? Không lẽ không có tội lại bị đọa địa ngục và không có phước mà lên thiên đường! 
  
Phật đã nói rõ, tất cả các pháp không có sự bắt đầu. Đã không có sự bắt đầu, sao còn nói trước chưa có nhân quả! Nói đến chưa có nhân quả thì phải có trước thời gian. Vậy thời gian có trước khi có thời gian không? 
  
Nếu trước khi chưa có nhân quả, mà thình lình sanh ra nhân quả thì có sanh. Tất cả pháp đều vô sanh, chứng quả là chứng vô sanh pháp nhẫn, tức là nhẫn khả, không phải nhẫn nhục. Như mình không biết ngọt thế nào, chỉ cần nếm một chút đường, lúc đó cảm thấy ngọt của đường thì nhẫn khả là hình dung như vậy. 
  
Bây giờ, mình chưa biết vô sanh, khi nào chứng được pháp vô sanh thì mới rõ hết.
Hỏi: 
  
Thế nào bất liễu nghĩa và liễu nghĩa?
Đáp: 
  
Bất liễu nghĩa của Phật và bất liễu nghĩa của ngoại đạo khác nhau. Bất liễu nghĩa của ngoại đạo thật là bất liễu nghĩa, bất liễu nghĩa của đạo Phật thì còn con đường thông vào liễu nghĩa, chỉ tạm thời làm cái cầu cho người ta đi lên vào liễu nghĩa. 
  
Liễu nghĩa là phá chấp thật, bất liễu nghĩa là chất thật. Có kinh phá chấp phàm phu, có kinh phá chấp ngoại đạo, có kinh phá chấp của Tiểu thừa và có kinh phá chấp Đại thừa. Kỳ thật đều phá kiến chấp mà thôi! Như Trung Quán Luận phá 62 kiến chấp, vì sợ người ta hiểu lầm Tất Cánh Không của Đại thừa. 
  
Tiểu thừa tu phá được nhân ngã chấp, được ra khỏi sanh tử luân hồi. Nếu cho mình tu Đại thừa, không phá nhân ngã chấp mà lại chấp thêm pháp ngã thì không thể được! Người thế gian có nhân ngã chấp, chứ không có pháp ngã chấp, vì họ không biết Phật pháp thì không lấy gì để chấp. 
  
Còn cho mình tu Đại thừa đã học hết Sơ Đẳng, Trung Đẳng, Cao Đẳng. Nếu không phá chấp, mà học Sơ Đẳng thì pháp ngã còn nhỏ, đến Trung Đẳng thì pháp ngã lớn thêm, đến Cao Đẳng thì pháp ngã càng lớn hơn. Chấp pháp là chỉ mình học biết thì còn thấp, đến tu rồi chấp sự tu là thật, đến chứng thì chấp sự chứng là thật. 
  
Tiểu thừa chứng quả A La Hán và Bích Chi Phật đã ra khỏi sanh tử luân hồi, còn bị Phật quở là “hạt giống bị cháy”, vì quả A La Hán và Bích Chi Phật không chịu tiến lên Đại thừa. 
  
Bát Nhã Tâm Kinh quét tri kiến phàm phu, quét tri kiến Tiểu thừa, quét tri kiến Đại thừa và quét luôn tri kiến Phật. 
  
“Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn” là quét tri kiến Phật. Phật nói trong kinh Kim Cang: “Nếu ta chứng quả Vô Thượng Chánh Giác (cứu kính Niết Bàn) thì Nhiên Đăng Phật không thọ ký cho ta hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni”. Bởi vì còn chấp pháp. 
  
Nếu chứng Sơ Quả còn chấp thì không lên được Nhị Quả, chứng Nhị Quả còn chấp thì không lên được Tam Quả, cho đến chứng Đẳng Giác còn chấp thì không lên đến Diệu Giác. Nếu chấp Diệu Giác chưa phải thành Phật. 
  
Cho nên, Tổ Sư thiền nói: “Ngộ rồi đồng như chưa ngộ”. Vì đối với mê nên mới có ngộ. Nếu hết mê làm sao có ngộ? Đối với sanh tử nên mới nói Niết Bàn. Sanh tử không có thì Niết Bàn sao có? 
Kỳ thật, chư Phật chư Tổ dạy mình cách thực hành, có lý luận cũng để cho mình thực hành, không phải lý luận cho mình hiểu biết giáo lý cao siêu để dạy cho người khác hiểu biết.
Bây giờ người học Phật ngày càng nhiều cho là Tăng tài, nhưng Tăng tài đó trong thế gian không dùng được, vì công thương kỹ nghệ đều không dùng cái đó. Còn ở trong Phật pháp cần sự giải thoát, nếu chấp vào giáo lý thì không thể giải thoát, mà lại chướng ngại cho sự giải thoát.
Vì không theo ý Phật để thực hành, cho đó là thật, cho đó là cao nhất, kinh nào cũng biết, ta dạy các ngươi biết. Nhưng cái biết ấy đối với việc sanh tử không liên quan gì. Mặc dù tu và chứng cũng không được chấp, huống là thuyết suông! Nếu thuyết suông không có sự tu chứng thì sự tu hành có thể không biết.
Trí Giả đại sư là Tổ thứ 3 của tông Thiên Thai nói 3 thứ ngoại đạo:
-Ngoại đạo thứ nhất: Là treo bảng hiệu ngoại đạo, không có liên quan đến Phật Giáo. Những ngoại đạo này tu lên cõi trời, vì họ cũng làm việc thiện.
-Ngoại đạo thứ nhì: Là lấy bảng hiệu Phật Giáo, mà hành pháp ngoại đạo, để cho người hiểu lầm cho đó là Phật pháp. Nên những người đó phải bị đọa địa ngục, vì làm hại người ta đi sai lầm. Hiện nay thứ này rất nhiều.
-Ngoại đạo thứ ba: Là học Phật pháp thành ngoại đạo, vì người ấy lấy ý mình thay cho ý Phật, tưởng là mình đã hiểu rồi. Hiểu lầm ý của Phật thành ngoại đạo, nhưng tự mình không biết rồi cũng giảng kinh thuyết pháp, sự thật không đúng chánh pháp. Cho nên, Phật nói: “Những người này giống như con trùng ở trong thân sư tử, tiêu diệt Phật pháp”. 
Những người lấy bảng hiệu Phật Giáo mà hành theo ngoại đạo, họ có thể quay lại chánh pháp, vì họ còn biết mình là ngoại đạo. 
Người học Phật pháp thành ngoại đạo thì không biết mình ngoại đạo, nên không thể trở về chánh pháp, vì cho mình là chánh pháp. Người nghe pháp tưởng đúng, vì thấy Pháp sư cũng lấy kinh luận để giảng. Nhưng họ dạy sai lầm, không đúng ý Phật, lấy ý mình thay cho ý Phật.
Ngài Bá Trượng nói: “Nếu Pháp sư chỉ giảng được 2 câu thì Pháp sư đó phải bị đọa địa ngục, Pháp sư giảng được nghĩa 3 câu, người nghe không thấu hiểu là lỗi của người nghe, chứ không do Pháp sư”.
“Chúng sanh, tức phi chúng sanh” là nghĩa 2 câu và câu thứ 3 là “thị danh chúng sanh (giả danh chúng sanh)”. Nếu chỉ quét được câu thứ nhất, quét câu thứ nhì, còn chấp câu thứ ba; tức là chấp giả danh, nên chỉ giảng được 2 câu. Họ giảng được tương đối lại chấp trung đạo, trung đạo là câu thứ 3. Vậy câu thứ ba tự quét bản thân, quét câu thứ nhất và quét luôn câu thứ nhì.
Hỏi:
Khi làm việc gì đều giữ chánh niệm vào việc đó, vậy làm phương pháp để tu giải thoát được không?
Đáp:
Lúc hiện tại thì đã qua quá khứ, làm sao lấy hiện tại để làm chánh niệm? Như nói uống nước giữ chánh niệm trong lúc uống nước, nhưng uống nước chấp uống nước là thật; tức là tùy duyên nào chấp thật duyên đó thì bệnh chấp thật đâu bớt để giải thoát! Nếu có chánh niệm thì không thể thưởng thức được mùi vị.
Phật dạy 84.000 pháp môn làm phương tiện cho mình tu được giải thoát. Kỳ thật, 84.000 pháp môn quy nạp có 4 loại: Tham thiền, niệm Phật, trì chú, quán tưởng. Loại nào cũng lấy phá ngã chấp làm gốc, nếu không lấy phá ngã chấp làm gốc thì thành ngoại đạo, không được giải thoát.
Cho nên, chánh pháp luôn phá ngã chấp, tức là không chấp thật. Như chấp thật thưởng thức mùi vị của quít thì không thể phá chấp được. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp”. 
Nếu còn muốn thưởng thức miếng quít, tức là còn muốn hưởng vị trần (chấp vị trần), vậy làm sao giải thoát được? Nếu lấy cái ấy dạy người là tội địa ngục, vì dạy người chấp ngã.
Hỏi:
Mình ăn phải biết ngon chứ! Nếu không biết ngon đâu khác gì vô tri vô giác ư?
Đáp:
Ăn ngon cho là ngon thì còn chấp vị trần, tức là còn chấp thiệt căn thì bệnh chấp thật vẫn còn nguyên. Mình đề câu thoại đầu, khởi lên nghi tình được thuần thục, đi không biết đi, ngồi không biết ngồi. Như người ta hỏi ngài Lai Quả: Ở trên chánh điện thờ Phật gì?
Ngài Lai Quả đáp: Không biết. 
  
Người ấy lại hỏi: Ngài tên gì? 
  
Ngài Lai Quả đáp: Không biết.
Trạng thái này là ngài Lai Quả đạt đến chân tham, nếu người ấy được cảnh giới này thì sao biết mùi vị ngon hay không ngon! 
  
Người ta thấy người tham thiền đạt đến thoại đầu thì giống như khờ ngốc, nhưng cảnh giới đó là đại trí huệ, tức là hiện ra cái dụng Bát Nhã Tự Tánh.
Hỏi: 
  
Tâm con hay rối loạn suy nghĩ lung tung làm khổ sở, xin thầy có phương pháp nào để cho con được hết khổ?
Đáp: 
  
Đề câu thoại đầu lên phát khởi nghi tình liên tục thì cái dụng automatic tự tánh hiện ra. Nếu mình  không có nghi tình, mà để ý chuyện khác thì tâm sẽ loạn. 
  
Như Trương Quốc Anh là thủ môn, đang tham thiền không để ý trái banh, bất cứ trái banh nào đến thì y đều chụp được hết. Nếu y để ý trái banh mà khó chụp được hết. 
  
Cô Hằng Thiền đang tham thiền và tay đang cắt vải để may, không biết mình đang cắt, nhưng công việc cắt may không sai. Nhiều Phật tử đang tham thiền đi xe không để ý xe, nhưng không bị xe đụng.  
Vì dụng tự tánh hiện ra trong lúc nghi tình có liên tục. Nếu mình có chỗ sợ thì nghi tình không được liên tục, nên cái dụng tự tánh không hiện ra được.
Cho nên, tôi dạy tham thiền luôn luôn nhắc đến “vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”, ấy là cho mình phá ngã chấp. Có sở đắc thì còn chấp ngã, có sở cầu thì còn chấp ngã, có sở sợ thì còn chấp ngã.
Hỏi: 
  
Ai có tư cách lập ra pháp môn tu giải thoát?
Đáp: 
  
Chỉ có Phật và Tổ kiến tánh triệt để mới có tư cách lập ra pháp môn tu giải thoát. Vì Phật và Tổ đã kiến tánh triệt để đã đi qua con đường đến chỗ giải thoát, nên mới dạy người ta tu được. Nếu chưa có đi qua con đường đó, mà dạy người ta tu thì phải có tội. Vì mình chưa đến đó làm sao dạy người ta được!
Hỏi: 
  
Ngoại đạo hỏi Phật: Ngài tu pháp môn gì? 
  
Phật trả lời: Tôi chỉ đi, đứng, nằm, ngồi, ăn chỉ biết ăn, ngồi chỉ biết ngồi. 
  
Vậy đó có phải là pháp môn để tu không?
Đáp: 
  
Có một công án: Quan hỏi Thiền sư kiến tánh: Ngài có tu hay không có tu? 
Thiền sư đáp: Có tu chứ! 
 Quan hỏi: Tu như thế nào? 
Thiền sư nói: Tôi đói bụng thì ăn cơm, buồn ngủ thì đi ngủ. 
Quan nói: Nếu vậy, người nào cũng đều tu! Người nào đói bụng thì ăn cơm, buồn ngủ thì ngủ đâu có khác? 
Thiền sư nói: Khác chứ! 
Quan hỏi: Khác thế nào? 
Thiền sư nói: Tôi ăn cơm chỉ ăn cơm, các người ăn cơm thì phân biệt đủ thứ; tôi ngủ chỉ là ngủ, các người ngủ thì suy nghĩ đủ thứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét