Chương 18
THUYẾT THIÊN ĐỊA VẠN VẬT ĐỒNG NHẤT THỂ
VỚI THIỀN TÔNG (THIỀN ĐỐN NGỘ)
Tôi đã
viết ba bài về Thiền:
Suy tư về Thiền
[1],
Mạn đàm về Thiền
[2],
Ít nhiều cảm nghĩ và suy tư về
Thiền Học Việt Nam từ triều Lý tới nay
[3], cho nên
muốn viết thêm một bài nữa về Thiền, tôi cũng cảm thấy khó khăn. Trong
bài 3, suy tư về Thiền Học Việt Nam, tôi đã dùng thuyết Thiên Địa Vạn
Vật đồng Nhất Thể, để hệ thống hóa và trình bày tư tưởng các Ngài.
Quí vị
nếu có thì giờ xin đọc lại các bài trên.
Thiền dạy ta bài học
chính yếu gì?
Nói
trắng ra là Thiền chỉ dạy ta Thành Phật. Đại khái rằng Tự tánh ta, Bản
thể ta là Phật, là Chân, Thiện, Mỹ, nhưng Ông Phật ấy bị Vô Minh, Mê
Vọng vây bủa bên ngoài. Tu luyện chính là tháo gỡ, là tước bỏ bức màn vô
minh đó, chính vì vậy mà Thoát vòng vô minh là Giải Thoát..
Đạt Ma
tổ sư nói: Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm,
Kiến Tính Thành Phật. (Không lập chữ nghĩa, truyền ngoài giáo điều, chỉ
thẳng vào tâm, Thấy Tính thành Phật.)
Tôi học
được nơi Ngài Đạt Ma: Hãy đi vào Tâm mà tìm Phật, hãy tìm thấy Tính sẽ
thành Phật.
Mạnh tử xưa cũng nói:
Tận thiện lòng sẽ hay biết Tính,
Hay biết Tính nhất định biết Trời.
(Tận kỳ
tâm giả, tắc tri kỳ Tính dã, tri kỳ Tính tắc tri Thiên hĩ. - Mạnh tử,
Tận tâm chương cú thượng, 1)
Mạnh tử còn có câu bất hủ khác: Đạo
cũng như một con đường lớn vậy. Biết được lẽ đạo há có khó gì? Tại người
chẳng truy tầm đó mà thôi. Ngươi hãy trở về nước ngươi mà truy tầm,
nghiên cứu đạo lý. Đừng sợ thiếu thày. (Mạnh tử, Cáo tử, chương cú
hạ, 2), Như vậy, Đạo là Bản thể, là Phật tánh, là Chân Như. Tìm ra được
Tính là tìm ra tất cả. Chữ Đạo trong Phật giáo cũng là đường đưa tới
Niết Bàn. (Phật Học từ điển, tr. 1598)
Câu Tức tâm tức Phật cũa Mã Tổ, hay của
Đại Tịch (Chân Tâm là Phật) chính là ý này.[4]
Đức Sơn (779-865) chuyên giảng Kinh Kim
Cương. Theo Ông thì sau khi chứng Kim Cương Dụ Định, người
hành giả phải học uy nghi Phật trong một ngàn kiếp, tu tập Phật hạnh
trong một ngàn kiếp rồi sau đó mới thành Phật. Thế mà bọn ma ở phương
Nam lại nói «Tâm chính là Phật». Đức Sơn lấy làm công phẫn, bèn gánh sớ
sao kinh sách đi về phương Nam, để dẹp tan bọn tà ma này.
Không ngờ đi đến Phong Châu, gặp một bà
lão bán bánh rán, dùng Kinh Kim Cương hỏi Đức Sơn một câu, làm
ông không trả lời được. Câu đó là: Kinh Kim Cương nói: «Quá khứ
tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc»,
chẳng hay Thượng Tọa muốn điểm tâm cái nào đây. Đức Sơn không trả lời
được. Bà lão bèn chỉ cho lên yết kiến Hoà Thượng Long Đàm.
Lên gặp Long Đàm, Đức Sơn bị
Hoà Thượng chinh phục. Mấy ngày sau, Đức Sơn đem các sớ sao của mình ra
trước Pháp đường đốt sạch, và bỏ ý định chống đối người miền Nam.
Tóm lại Thiền cốt dạy người đốn ngộ: Nhìn
thấy Bản Tính mình để thành Phật.
Thiền cũng như Hoa Nghiêm
hay Thiên Thai dạy ta rằng: Con người chúng ta có 2 phần:
Một phần siêu không gian, thời gian, đó là
Một, là căn cơ, gốc gác muôn loài. Phần này bất sinh, bất diệt, vô thanh
sắc, vô hình tướng, vô quải ngại, vĩnh cửu, trường tồn, Bất biến, bất
dịch. Đó là cảnh giới Niết Bàn, Đại Ngã.
Nó được gọi bằng nhiều danh từ như Chân
Như, Tự Tính, Thanh Tịnh Tâm, Phật tính, Pháp Thân, Như Lai tạng, Thực
tướng, Pháp giới, Pháp Tính, Viên Thành Thực Tướng, Không v.v... Nhất
Tướng, Vô tướng, Pháp thân, Pháp chứng, Pháp vị, Niết Bàn, Vô Vi, Chân
Đế, Chân tính, Chân Không v.v...
[5] Vì không
lệ thuộc thời gian, nên cõi này không có dĩ vãng, tương lai, mà chỉ là
hịên tại trường tồn, miên viễn.
Một phần lệ thuộc không gian, thời gian:
Đó là Vạn, là chi diệp, ngọn ngành, là Vạn Hữu. Phần này là phần sinh
diệt, luân hồi, sinh tử, hình danh sắc tướng, biến thiên, tạm bợ, ngũ
uẩn, vô ngã.
Đó là Chúng sinh giới, Sum
la vạn tượng, Vạn Pháp. Cõi Niết Bàn và cõi Luân Hồi, cõi Phật và cõi
chúng sinh như đan quyện với nhau, nhưng vẫn tách rời nhau, làm ta không
biết đâu là nẻo về. Muốn tìm về Chân Ngã, về Chân Như ta phải dùng trí
Bát Nhã. Bao giờ trong đầu não ta lóe sáng ra, bao giờ bức màn vô minh
được vén kéo ra, thì lúc ấy ta sẽ nhìn thấy Bản Thể, tìm thấy Bản lai
diện mục của ta.
Ở cõi
Niết Bàn, Tự Tánh, thì Chân Ngã hay Đại Ngã là Thực Thể duy nhất, chi
phối vạn hữu, cho nên chúng ta đừng bao giờ chối bỏ Đại Ngã.
Trong quyển Minh Triết và Đời Sống
(Nguyên Phong tr. 52) có đoạn rất hay: «Có một cái còn quí hơn sự giàu
có, quí hơn gia đình, quí hơn đời sống... Đó chính là Chân Ngã của Anh,
là cái đang ngự trị trong vạn vật, là cái tinh hoa thấm nhuần tất cả mọi
danh tánh, hình tướng, giống như bơ trong sữa, như luồng điện trong sợi
dây điện. Có thể anh chưa nhận biết được cái Chân Ngã này, nhưng sự ý
thức nó, đạt đến nó, là sự thực hiện Chân Ngã chính là mục đích của kiếp
người.»
Đại Niết Bàn kinh quyển 7 viết: «Ngã
chính là Như Lai Tạng. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Như thế thì
cái nghĩa chữ Ngã, từ trước đến nay, thường bị vô số phiền não che mất
đi, nên chúng sinh không nhìn ra được.» (Ngã giả, tức thị Như Lai
Tạng nghĩa. Nhất thiết chúng sinh tát hữu Phật Tính, tức hữu NGÃ nghĩa.
Như thị NGÃ nghĩa, tòng bản dĩ lai, thường vi vô lượng phiền não sở
phúc, thị cố chúng sinh bất năng kiến đắc... Đại Niết Bàn kinh
quyển 7, tr. 24).
Nói ta có Đại Ngã, nhiều người cho là tôi
nói sai, nhưng nếu ta dở báo chí Phật giáo ta sẽ thấy Phật giáo nói tới
Đại Ngã như cơm bữa. Dở Trúc Lâm số 6, tr. 3, Hòa thượng Thích
Thanh Cát viết: «Để giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề, Đức Phật đã hiện
thân xuống miền Trung Ấn Độ cách đây 2541 năm với mục đích chỉ dạy cho
chúng ta biết bỏ tà theo chính, bỏ cái Tiểu Ngã hẹp hòi để hòa mình vào
ĐẠI NGÃ chân thật, nên Ngài đã tuyên bố “Thiên thượng, thiên hạ duy NGÃ
độc tôn” nghĩa là trên trời dưới đất, chỉ có ĐẠI NGÃ chân thật mới là
cao nhất.»
Bà Minh Đức Hoài Trinh viết: «Thiên Thượng
Thiên Hạ» có nghĩa là toàn cõi vũ trụ, duy ngã ở đây là cái NGÃ TUYỆT
ĐỐI, ĐẠI NGÃ. Tức là bất chấp cái tôi nhỏ bé của tự ngã, mà là cái tự
tại của PHẬT TÂM, cũng là cái BẢN THỂ của vũ trụ, cái TÂM TUYỆT ĐỐI, DUY
NHẤT.
Ý nghĩa của cả câu là từ trên trời xuống
dưới đất, bất kỳ thời gian nào, địa điểm nào, bất kỳ người nào cũng đều
có PHẬT TÂM, mà cái vạn vật tồn tại ấy mới là đáng tôn kính... (Trúc
Lâm số 6, trang 9 & 10).
Tóm lại, Tiểu ngã hay Vọng tâm sống trong
luân hồi. Đại Ngã hay Chân Tâm là cõi Niết Bàn. Luân Hồi thì Biến Thiên,
Niết Bàn thời Vĩnh Cửu. Cái gì Biến thiên trong ta không phải là ta, đó
là những gì Vô Minh, Ảo Hóa. Cái gì Bất biến trong ta mới thực là Ta,là
Phật tính, là Đại Ngã trong ta, là Đạo trong ta, là chính Ta nên không
tu mà vẫn đạt, không cầu mà vẫn đắc. Ta chỉ việc liệng cái mê vọng, cái
vô minh đi là xong.
Tôi có
đồ bản sau đây sơ phác 2 phần: Chân, Vọng trong con nguời, 2 phần Luân
Hồi và Niết Bàn. Sao chép lại nơi đây, mong giúp ích cho mọi người. Hình
vẽ nơi bìa quyển sách: The coming new man, của J.Van
Rijckenborgn, 1957 Rozerkruis-Pers, Haarlem-The Netherlands. Hình vẽ
không một lời giải thích.
Ta thấy
chính giữa là Hình Tròn. Đó là Niết Bàn, đó là Chân Ngã, là Không. Hình
Tam Giác bên ngoài với 49 tia sáng là Vọng Ngã, là Luân Hồi. Mục đích ta
là đạt vòng Tròn chính giữa ngay trong đời ta.
Muốn trở
về với Nhất, với Đạo, muốn vào Niết Bàn, trước hết ta phải băng qua Luân
Hồi. Mà Luân Hồi không phải là biến hóa lung tung, khổ đau vô tận, mà
chính là Tiến Hóa. Chúng ta luân hồi, tiến hóa để hoàn thành 3 mục tiêu:
1. Hoàn thành Vật Đạo
2. Chu toàn Nhân Đạo
3. Thực hiện Thiên Đạo, Phật Đạo, Thánh
Đạo. (Ngày nay, nhiều sách đã chủ trương Luân Hồi là Tiến Hóa, như
Những Bí Ẩn của cuộc Đời của Nguyễn Hữu Kiệt, Xuân Thu xuất Bản).
Chúng ta
sẽ dùng 50 năm đầu đời ta, để lo vật đạo, nhân đạo. Dùng 50 năm cuối đời
ta để thực hiện Phật Đạo. Con người lý tưởng mong mỏi khi giã từ thế
tục, tâm hồn sẽ sáng quắc như mặt trời chính Ngọ, hay như trăng đêm rằm.
Con
người lý tưởng lúc sơ sinh cũng như vầng trăng vừa quá rằm đẹp đẽ. Nhưng
dần dà lớn lên, lạc lõng vào cuộc đời tìm sinh kế, cũng như vầng trăng
khuyết dần, mờ dần. Đến lúc công danh ở đời rực rỡ, lợi lộc ở đời dồi
dào nhất, thì lại là lúc mà tinh thần nghèo nàn nhất.
Nhưng
con người lý tưởng không thể bị vật dục che mờ mãi. Nhờ biết suy tư về
sự biến thiên, chất chưởng bên ngoài, con người lý tưởng có ngày sẽ tìm
lại được nguồn sống bên trong, sẽ dần dần tài bồi cho tâm hồn mình thêm
hoàn bị, và lúc thoát ly cuộc đời, sẽ sáng quắc như vừng Dương chính
Ngọ, hay rực rỡ như trăng đêm rằm... Thế là họ đã bước vào con đường Hồi
Phục, Qui Nguyên Phản Bản.
Đức
Khổng nói: Đạo có 2 ngả: Nhân và bất Nhân (Khổng tử viết: Đạo
nhị: Nhân dữ bất Nhân nhi dĩ hỹ. Mạnh tử, Ly Lâu, chương cú
thượng, câu 2)
Đào Hư Tử theo ý đó cũng viết: «Năm
mươi năm đầu là tiến số, là học để giúp đời, càng ngày càng phải rạng
mặt với đời. Năm mươi năm sau là thoái số, là học để treo gương cho đời,
càng ngày càng phải tu nhân, tích đức.» (Nhân sinh ngũ thập chi tiền
vi tiến số, dụng thế chi học, đương nhất nhật chương nhất nhật. Ngũ thập
dĩ hậu, vi thoái số, thùy thế chi học, đương nhất nhật, tích nhất nhật.
Kỷ thượng ngữ, tr. 10)
Luận Ngữ viết: «Đến chừng bốn năm mươi
mà ta chưa nghe danh tiếng họ, chừng ấy ta chẳng còn sợ họ nữa.» (Tứ
thập, ngũ thập nhi vô văn yên, tư diệc bất túc úy dã dĩ. Luận Ngữ,
Tử Hãn đệ cửu, câu 22)
Nhưng con người không phải quay cuồng mãi
trong vũ trụ, mà cũng có lúc được vào trung tâm huyền diệu của lòng mình
và của vũ trụ, để làm chủ chốt không gian, thời gian và vũ trụ,
Bí quyết này được diễn tả bằng hành động
tượng trưng của Thiên tử xưa trong tòa Minh Đường.
Xưa mỗi năm Thiên Tử, sau ngày Hạ Chí, sẽ
vào Trung Cung Minh Đường, mặc hoàng bào, ở đó ít ngày, cốt tượng trưng
quyền Thiên Tử, làm khu nữu không gian, thời gian.
[6]
Nhập Trung Cung là Bí quyết xưa của Đạo
Lão, Đạo Khổng, mà nay Cao Đài gọi là Đột phá Thiên Môn, hay Nê Hoàn
Cung (Nay là Não Thất Ba -Third Ventricle). Chính vì vậy mà Phật giáo
cũng gọi Nê Hoàn Cung là Niết Bàn.
[7]
Chú Án Ma Ni bát minh hồng, chính là dạy
ta bí quyết nhập trung cung Huyền diệu ấy. Anagarika Govinda đã viết
quyển Les Fondements de La Mystique Tibetaine (Có bản dịch Anh
Văn), để dịch lời Chú này, và tôi nương theo ý Ông đã dịch lời Chú như
sau: Ngọc châu viên giác (Tuyệt đối thể) chiếu diệu trong liên hoa tâm
(Trung Tâm não bộ)
Áo Nghĩa Thư Ấn Độ coi Liên Hoa là Trung
Cung Não Bộ, hay là Thiên Cung, nơi Trời (Brahma) ngự trị.
[8]
Từ 1961, tôi đã bàn về Nê Hoàn Cung
[9], thì gần
đây cũng có những nhóm Thiền đã bàn đến đem óc não vào công phu tu
thiền.
Trước hết là nhóm Thiền Tịnh Trực Đáo Chân
Tâm
[10] sách 89
trang nhưng có nhiều trang bàn về Đả phá Thiên Môn bàn về Huyền Quan
Khiếu thật sâu sắc.
[11] Tôi thích
thú nhất đoạn sau đây:
Đại Đạo
vô môn,
Thiên
sai hữu lộ,
Thấu đắc
thử quan,
Càn Khôn
độc bộ.
Đại đạo không cửa, có hàng ngàn lối đi
vào, nhưng một khi hành giả vượt thoát khỏi giới hạn của «Cánh cửa không
cửa» này (Vô Môn Quan), là hành giả sẽ độc bộ vào Càn Khôn. Đại Đạo mà
Vô Môn Huệ Khai thiền sư muốn nói ở đây, là thế giới huyền linh của
Trời, Phật, và «Cánh Cửa Không Cửa» (Vô Môn Quan) chính là Nhất Khiếu
Huyền Quan, ngay tại đỉnh đầu, nơi Bản Thể của mỗi hành giả. Hành giả
chỉ có thể vượt thoát khỏi Thiên Môn (Vô Môn Quan), thì mới có thể vào
Đại Đạo hay thế giới huyền linh của Càn Khôn được...[12]
Bộ sách thứ hai là Đồ Thị dẫn giải
Thiền, dẫn giải phép Thiền trong Quyển Thiền Tông cuối thế kỷ hai
mươi gồm 2 tập, do Tỳ Kheo Thông Triệt biên soạn (Tập I: 438 tr; tập 2:
400 tr.). Sách rất hiện đại, nhưng không nói gì về Não Thất Ba tức là về
Nê Hoàn Cung (Huyền Quan Khiếu), mà chỉ bàn về các vùng như Đồi Thị,
Trung tâm kiến giải tổng quát (Vùng giác trí tâm linh),Trung tâm giải
mã. Thùy Tráng, Thùy Đỉnh, Thùy Thái dương, Thùy Chẩm (Tập Hai, tr, 140)
như ta thấy, đều nằm trong Vỏ Đại Não, chứ không nằm trong Trung tâm não
bộ. Mà cái gì ở ngoài Vỏ, ở Ngoại biên, thì không thể nào giữ nhiệm vụ
quan trọng như là tương xứng với Tánh giác được.
Đây chỉ là một nhận xét của tôi về một
điểm nhỏ nhoi trong quyển sách. Tôi không làm công việc điểm sách. Tôi
thấy đó là bộ sách hay, nên đọc.
Trên đây tôi đã giải 3 vấn đề:
1. Đại Ngã, Nguồn sinh vạn hữu.
2. Luân Hồi chi phối sự Tiến Hóa con
người.
3. Trung điểm Tiến Hóa nằm ngay trong
trung tâm não bộ con người. Trục chuyển Pháp Luân là ở đó. Đó cũng là
Trung Đạo, là Chân Tâm con người.
CHÚ THÍCH
[4] Truyền tâm
Pháp yếu thượng viết: Chư Phật dữ nhất thiết chúng sinh, duy thị nhất
tâm. Thử tâm vô thủy dĩ lai, bất tằng sinh, bất tằng diệt, bất thanh,
bất hoàng, vô hình, vô tướng, bất thuộc hữu vô, bất kế tân cựu, phi
trường, phi đoản, phi đại phi tiểu, siêu quá nhất thiết hạn lượng danh
ngôn, tung hoành đối trĩ, đương thể tiện thị, động niệm tức quai, duy
thử nhất tâm thị Phật. Phật học từ điển, trang 1023 nơi chữ Tức
Tâm tức Phật.
[5] Xem
Thực dụng Phật Học từ điển, tr. 1167- 1630.
[6] Xem Marcel
Granet, La Pensée Chinoise, p. 105. Xem Trung Dung Tân Khảo của
tác giả, tr. 201-221.
[7] Xem Đoàn
trong Còn, Phật Học Từ Điển, tr. 321-322.
[8] Xem
Trung Dung Tân Khảo của tác giả, tr. 557-558.
[9] Xem
Trung Dung Tân Khảo, tr. 77-97. Xem Dịch kinh Đại Toàn, q.1,
chương Vô Cực, Thái Cực.
[10] TTTDCT
P.O. Box 6358, Corona CA 91718, sách ấn tống.
[11] Xem
Thiền Tịnh Trực Đáo Chơn Tâm các tr. 14, 19, 21, 24, v.v...
[12] Xem Thiền
Tịnh Trực Đáo Chân Tâm, tr. 24, 25.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét