Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Ðức Phật trả lời câu hỏi của Chư Thiên



Ðức Phật trả lời câu hỏi của Chư Thiên
trong Bộ Saṃyuttanikāya Kinh Kiṃ Dadasutta như sau
Ðức Phật dạy
Annado balado hoti, Vatthado hoti vaṇṇado. Yānado sukhado hoti, Dīpado hoti cakkhudo. So ca sabbadado hoti. Yo dadati upassayaṃ, Amataṃdado ca so hoti,
Yo dhammamānusāsati".
...Bố thí vật thực, là bố thí sức mạnh. Bố thí y phục, là bố thí sắc đẹp. Bố thí chỗ ở, là thí sự an lạc... Dạy chánh pháp, là thí pháp bất tử.
Trong bộ Petavatthu: Tích ngã quỷ, đã soi về tiền kiếp những ngã quỷ đã từng là phú hộ. Kiếp hiện tại, người nào được giàu sang,... kiếp vị lai người ấy không chắc được giàu sang phú quý như vậy. Bởi vì, sự giàu sang phú quý là quả của phước thiện bố thí; khi hưởng quả, mà không tạo thêm nhân phước thiện bố thí, có tâm keo kiệt bỏn xẻn, sau khi chết do năng lực ác nghiệp bỏn xẻn cho quả tái sinh vào hàng ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát, khổ cực; dầu cho có được 1 thiện nghiệp nào đó cho quả được tái sinh làm người, thì cũng là người nghèo đói, thiếu thốn khổ cực. Vậy, chỉ có phước thiện cho quả mới hỗ trợ cho chúng sinh được an lạc mà thôi.
Phước Thiện là gì?
Theo Phật giáo: danh từ Phước dịch ra từ Pāḷi là Puñña. Danh từ Thiện dịch ra từ Pāḷi là Kusala.
Puñña: phước có nghĩa là trạng thái làm cho tâm của mình được trong sạch. Ngược với phước là tội (pāpa) là trạng thái làm cho tâm bị ô nhiễm.
Quả báu của phước là sự an lạc thân - tâm.
Kusala: thiện có nghĩa là trạng thái tiêu diệt ác pháp. Ngược với thiện là bất thiện (akusala) chính là ác pháp.
Quả báu của thiện là sự an lạc thân - tâm.
Cho nên, phước  thiện đồng nghĩa với nhau.
Phước (puñña) thường thấy trong Kinh tạng, có nghĩa hẹp.
Thiện (kusala) thường thấy trong Vi diệu pháp tạng, có nghĩa rộng.
Phước sanh lên do bởi nhiều nhân duyên, trong kinh Puññakiriyāvatthu, hành động tạo nên phước thiện, có 10 pháp:
1- Bố thí (dāna).
2- Giữ giới (sīla).
3- Hành thiền (bhāvanā).
4- Cung kính (apacāyana). Đây là sự tôn trọng cung kính từ trong Tâm, không phải lễ độ bề
ngoài
5- Giúp đỡ trong việc thiện (veyyāvacca).
6- Hồi hướng - chia phước (pattidāna).
7- Hoan hỉ với phước của người khác hồi hướng (pattānumodanā).
8- Thuyết pháp (dhammadesanā).
9- Nghe pháp (dhammassavanā).
10- Chánh kiến (diṭṭhijukamma).
Ðó là 10 con đường để tạo nên phước thiện.
Bố thí để tạo phước thiện là thí chủ sử dụng của cải, tiền bạc, sự hiểu biết của mình đem ban bố cho người khác với thiện tâm tế độ, mong mỏi sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc đến cho chúng sinh khác. Sự bố thí như vậy gọi là phước thiện bố thí.
Để sự bố thí có thể trở thành dục giới thiện nghiệp, thí chủ cần phải có tác ý thiện tâm (kusalacetanā) trong sạch, không bị tham, sân, si... làm ô nhiễm.
Nếu sự bố thí này thuộc về dục giới thiện nghiệp, thì cho quả báu trong cõi dục giới như giàu sang, phú quý, đời sống sung túc, được an lạc, song vẫn còn quanh quẩn trong cảnh khổ tử sinh luân hồi.
Nếu sự bố thí này trở thành bố thí Balamật là 1 trong 10 pháp hạnh Balamật, thì hỗ trợ cho các phẩm hạnh khác, dẫn đến sự thành tựu Siêu Tam giới thiện pháp, đó là sự chứng đắc 4 Thánh Ðạo liền cho quả là 4 Thánh Quả trở thành bậc A-ra-hán cao thượng.
Để bố thí trở thành pháp hạnh bố thí Balamật, khi thí chủ bố thí, với thiện tâm hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi tà kiến, tham ái, ngã mạn và hợp với tâm từ bi, đức tin, trí tuệ, phát nguyện chỉ mong chứng ngộ Niết Bàn, mong trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thanh Văn Giác. Ngoài ra không cầu mong trở thành phú hộ, vua chúa, chư thiên, vua trời.... Như vậy, sự bố thí ấy mới trở thành pháp hạnh bố thí Balamật.
Nguyên nhân không bố thí
Những hạng phàm nhân sinh ra trong đời này vốn có đầy đủ 12 bất thiện tâm [ 8 tham tâm + 2 sân tâm + 2 si tâm], 108 loại tham ái, 1.500 loại phiền não. Không có duyên lành gặp được bậc Thiện trí thức, không được lắng nghe, học hỏi chánh pháp của bậc Thiện trí thức, nên không hiểu biết thế nào là thiện pháp, ác pháp, phước, tội, không có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Những hạng phàm nhân nào vốn có tâm si mê cố hữu, thêm vào tâm keo kiệt bỏn xẻn trong của cải + trong sự hiểu biết của mình; nên không muốn đem ban bố cho người khác. Ðó là nguyên nhân không bố thí được.
Người tham thường nghĩ rằng: "Cho hết, lấy gì để dùng!".
Bậc trí thường dạy rằng: "Dùng hết, lấy gì để bố thí!", mà không làm phước bố thí, thì do đâu sinh được nhiều của cải. Cũng như, có bao nhiêu hạt giống ăn hết, thì mong gì sinh được nhiều quả khác!
Suy xét làm phước thiện bố thí
Qua nhiều kiếp các đức Bồ Tát đã từng tạo nhiều phước thiện bố thí. Do thiện nghiệp ấy cho quả tái sinh trong dòng dõi cao quý, hoặc gia đình có nhiều của cải.
Do sự suy xét đúng đắn, bậc Thiện trí hoan hỉ làm phước bố thí đến những bậc có giới đức đáng kính, những người khốn khổ hoạn nạn.
Có ít, thì làm phước bố thí ít, có nhiều thì làm phước bố thí nhiều, tuỳ theo khả năng của mình.
Thật ra, phước thiện bố thí được nhiều hay ít hoàn toàn không tùy thuộc vào vật bố thí, mà tùy thuộc vào tác ý thiện tâm trước khi bố thí, đang khi bố thí và sau khi đã bố thí xong.
Nếu cả ba thời tác ý thiện tâm trong sạch, hoan hỉ trong việc bố thí, thì chắc chắn phước thiện bố thí thành tựu vô lượng.
Trong vòng tử sinh luân hồi, mỗi chúng sinh chỉ là một người khách lữ hành tạm trú nơi này, cõi khác một thời gian ngắn hay dài, tuỳ theo tuổi thọ của mỗi chúng sinh, không một ai có quyền thường trú lâu dài theo ý của mình được, dầu là bậc Phạm Thiên ở cõi trời Vô sắc giới Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ, là cõi trời tột bậc của Tam Giới có tuổi thọ dài nhất là 84.000 đại kiếp [1 đại kiếp là khoảng thời gian trải qua 4 a tăng kỳ thành-trụ-hoại-không của trái đất, một quãng thời gian lâu dài không thể tính bằng số được], đến khi hết tuổi thọ ở cõi trời này cũng phải tái sinh xuống cõi dục giới.
Chúng sinh sống trong Vũ trụ mà chúng ta đang sống gọi là Tam Giới, gồm có 31 cõi là:
- Phạm Thiên sống trong 4 cõi trời vô sắc giới, đang hưởng quả an lạc sở đắc của mình, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí.
- Phạm Thiên sống trong 16 cõi trời sắc giới, đang hưởng quả an lạc sở đắc của mình, nên cũng không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí.
- Chư Thiên sống trong 6 cõi trời dục giới, đang hưởng đầy đủ sự an lạc trong ngũ trần của mỗi cõi, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí. Nếu vị chư thiên nào muốn làm phước thiện bố thí, vị chư thiên ấy cần phải hiện xuống cõi người để tìm cơ hội làm phước thiện bố thí.
- Chúng sinh sống trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngã quỷ, súc sinh đang chịu quả khổ do ác nghiệp của mình đã tạo, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí.
- Con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu, trên địa cầu mà chúng ta đang sống, có nhiều cơ hội làm phước thiện bố thí; còn con người ở 3 địa cầu khác: Ðông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hoá Châu, Bắc Câu Lưu Châu, không có cơ hội, hoặc ít có cơ hội làm phước thiện bố thí.
Thật vậy, con người chúng ta ở cõi Nam Thiện Bộ Châu này có nhiều điểm ưu việt thuận lợi hơn các hàng chúng sinh ở những cõi khác, đó là:
- Có thể tu học phạm hạnh cao thượng.
- Có thể tạo đầy đủ 10 pháp hạnh Balamật, hoặc 20 pháp hạnh Balamật, hoặc 30 pháp hạnh Balamật, để trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc Ðức Phật Toàn Giác ngay ở cõi người này.
Tuy nhiên, con người chúng ta ở cõi Nam Thiện Bộ Châu này cũng có những tính chất đặc biệt nữa là:
- Có thể tạo mọi thiện nghiệp đầy đủ 30 pháp hạnh Balamật, để trở thành Chánh
Ðẳng Giác vô thượng trong 10 ngàn thế giới.
- Có thể tạo mọi ác nghiệp gọi là ngũ vô gián nghiệp: giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán,
làm cho Ðức Phật chảy máu đó là những ác nghiệp nặng nề, mà các hàng chúng sinh trong cõi
khác không thể gây ra.
Như vậy,
- Khi con người tạo thiện pháp có khả năng đạt đến mức cực thiện, trở thành đức Chánh Ðẳng
Giác.
- Khi con người tạo ác pháp, có khả năng đạt đến mức cực ác: giết cha, giết mẹ...,
chắc chắn sa vào đại địa ngục Avīci do ác trọng nghiệp của mình đã tạo.
Mặc dầu vậy, con người vẫn có quyền tối thượng: quyền chọn lựa tạo thiện pháp, hoặc tạo ác pháp. Cho nên, tái sanh làm người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này có nhiều điều tự do và thuận lợi.
Ðức Phật dạy: "Manussattabhāvo dullabho" Ðược tái sinh làm người là điều hy hữu".
Trong Kinh thường đề cập đến các đức Bồ Tát tạo mọi thiện nghiệp ở cõi người, đến khi hết tuổi thọ, do năng lực cho quả tái sinh là vị thiên nam trong cõi trời dục giới. Vị thiên nam Bồ Tát này không muốn hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, mà phát nguyện chấm dứt sinh mạng (trước khi hết tuổi thọ) để được tái sanh làm người cõi Nam Thiện Bộ Châu này, nơi có nhiều cơ hội thuận lợi tiếp tục công việc bồi bổ pháp hạnh Balamật cho sớm được đầy đủ; để trở thành bậc Thánh Thanh Văn, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc Ðức Phật Toàn Giác, rồi đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết Bàn chấm dứt luân hồi.
Chúng ta có diễm phúc đã được tái sinh làm người rồi, chúng ta nên cố gắng tạo mọi thiện pháp, để nâng đỡ mình trở nên cao thượng. Thật vậy, con người được gọi là cao thượng do nhờ thiện pháp, chỉ có thiện pháp mới nâng đỡ con người trở nên cao thượng.
Dục giới thiện pháp nâng đỡ tái sinh làm người hoặc chư thiên cõi dục giới.
Sắc giới thiện pháp nâng đỡ tái sinh làm phạm thiên cõi sắc giới.
Vô sắc giới thiện pháp nâng đỡ tái sinh làm phạm thiên cõi vô sắc giới.
Siêu Tam giới thiện pháp nâng đỡ trở thành bậc Thánh nhân.
Có 4 bậc Thánh nhân:
- Bậc Thánh Nhập Lưu.
- Bậc Thánh Nhất Lai.
- Bậc Thánh Bất Lai.
- Bậc Thánh A-ra-hán.
Trong mọi thiện pháp, phước thiện bố thí là thiện pháp làm nền tảng cho tất cả mọi thiện pháp.
Phước thiện bố thí có thể hỗ trợ cho sự thành tựu tất cả mọi thiện pháp, từ Tam giới thiện pháp cho đến Siêu Tam giới thiện pháp.
Quả Báu Riêng Biệt Của Mỗi Vật Thí
Quả báu chung của bố thí có 5:
1- Tuổi thọ gia tăng.
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân, tâm an lạc.
4- Có trí tuệ nhạy bén
5- Có của cải.
Mỗi vật thí có quả báu riêng của nó, được chép trong Tam Tạng Kinh như sau:
Bố thí cơm, cháo, nước uống, thực phẩm, dược phẩm... được 10 quả báu:
1- Sống lâu, ít bệnh. 
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân tâm an lạc không âu sầu.
4- Tránh khỏi mọi tai họa.
5- Có định tâm mau lẹ.
6- Có trí tuệ sáng suốt.
7- Có nhiều bạn bè.
8- Ðược chư thiên nhân loại kính mến  
9- Có cơm áo đầy đủ từ thuở thiếu thời.
10- Thường được gần gũi với người thân yêu.
Bố thí làm cầu bắc qua sông, rạch được 10 quả báu:
1- Nếu bị rơi từ trên cây cao, núi cao, xuống hố sâu, vực thẳm... sẽ có một vật cản
trở, nếu bị chết sẽ tái sinh cõi thiện giới.
2- Kẻ thù không làm hại được.
3- Của cải được bền vững lâu dài.
4- Ðức Vua không coi thường.
5- Thoát khỏi mọi tai họa.
6- Ở ngoài trời nắng không cảm thấy khó chịu. 
7- Ở cõi người hoặc cõi trời, khi cần xe, voi (phương tiện) sẽ ứng hiện.
8- Tâm dễ an định.
9- Phiền não ít phát sinh, có tâm cầu mong pháp cao thượng.
10- Chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo
Bố thí vải, y phục, khăn, chăn, màn, gối, đệm... được 10 quả báu:
1- Kiếp nào, sắc thân cũng có màu da đẹp đẽ như phát ra ánh sáng.
2- Thân thể có da thịt mềm mại.
3- Sạch sẽ, không dơ bẩn.
4- Vải, lụa, nhung, gấm, gối trầm thơm, gối ướp hương sen, gối lông cừu...
muốn có bao nhiêu cũng được.
5- Có nhiều oai lực.
6- Giữ được thân + khẩu + ý thanh tịnh. Có thể chứng đắc các bậc thiền hữu sắc
với đề mục Tứ Vô Lượng Tâm.
7- Hiểu biết pháp hành giới, định, tuệ.
8- Tinh tấn thực hành thiền tuệ dẫn đến hoàn thành 37 pháp Thánh đạo.
9- Chứng đắc Thánh quả.
10- Hưởng sự an lạc trong Thánh quả

Trên đây, lược trích quả báu của một số vật thí làm tiêu biểu, để hiểu rõ mỗi vật thí có quả báu riêng biệt của nó, cũng như mỗi hạt giống có loại quả của chính nó. Tất cả mọi quả báu này nhiều hay ít, hoàn toàn tùy thuộc vào đức tin trong sạch  tác ý thiện tâm cả 3 giai đoạn:
Giai đoạn trước khi bố thí.
Giai đoạn đang khi bố thí.
Giai đoạn sau khi đã bố thí.
Cả 3 giai đoạn đều có đại thiện tâm trong sạch hoan hỉ đến sự bố thí ấy (vật thí dầu ít hay nhiều), chắc chắn phước thiện bố thí vô lượng; thì quả báu của phước thiện bố thí ấy cũng vô lượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét